Món ăn thuốc từ bóng bì lợn

BS. Tiểu Lan |

Bóng bì lợn còn có tên trư phu, là món ăn rất quen thuộc với người dân miền Bắc.

Bóng bì có thể nấu canh, xào... rất ngon và cách làm đơn giản. Tuy nhiên, ít người biết nó còn là vị thuốc bổ dưỡng, rất tốt cho cơ thể.

Bóng bì là phần da lợn được cạo hết lông bên ngoài và lọc hết lớp mỡ bên trong, phơi khô, nướng phồng. Khi chế biến thường được ngâm nước cho mềm, tẩy bằng rượu trắng và gừng cho hết mùi hôi; cắt miếng vừa ăn tùy theo các món canh lẩu, một kiểu ăn nhẹ dễ tiêu. Để làm bóng phải chọn bì lợn ngon, không được dùng bì lợn sề, lợn già...

Món ăn thuốc từ bóng bì lợn - Ảnh 1.

Bóng bì lợn - vị thuốc nhuận phế, trạch phu (bổ phế dưỡng da), bổ âm.

Bóng bì lợn chứa protein, lipid, glucid và khoáng chất: calci, phospho, sắt... Chất protein chủ yếu là keratin, elastin, collagen... Chất collagen có nhiều trong các bộ phận cơ thể người (da, gân, sụn, xương và các tổ chức liên kết); tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể.

Theo Đông y, bóng bì vị ngọt tính bình; vào thận, phế. Tác dụng nhuận phế, trạch phu (bổ phế dưỡng da), bổ âm. Các món ăn có bóng bì đều có tác dụng bổ huyết, thông sữa, dưỡng da, nhuận tràng. Dùng tốt cho người bị khô rát bong da, đau sưng họng. Ngày dùng 30-60g bóng khô đã chế hoặc 50-80g bì lợn tươi; bằng cách luộc, nấu, hầm.

Cao bì lợn: bì lợn 60-80g, cạo sạch, hơ trên bếp than cho chín phồng, nấu thành cao lỏng, thêm bột gạo rang và mật nấu thành cao đặc. Ăn khi đói, mỗi lần 1 thìa, ngày 3-4 lần. Dùng tốt cho người bị khô rát da, bong da mặt, da nhiều nếp nhăn, đau sưng họng, môi khô họng khát, cảm giác nóng sốt sau bệnh viêm nhiễm dài ngày, táo bón kiết lỵ.

Món ăn thuốc từ bóng bì lợn - Ảnh 2.

Canh bì lợn đại táo bổ khí sinh huyết. Dùng tốt cho người bị xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng...

Canh bì lợn đại táo: bì lợn tươi 300g, đại táo 150g, đường phèn lượng thích hợp. Bì lợn làm sạch thái lát dài, thêm nước nấu canh, khi bì lợn chín nhừ cho đại táo đã tách bỏ hạt, nấu chín nhuyễn; cho tiếp đường phèn khuấy đều, để nguội, chia ăn vào các bữa phụ hằng ngày. Tác dụng bổ khí sinh huyết.

Dùng tốt cho người bị xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng...

Bóng bì hầm đu đủ: bóng bì 200g, đu đủ xanh 300g. Bì lợn làm sạch thái lát dài; đu đủ gọt bỏ vỏ, bỏ hạt, thái miếng. Cho hai thứ vào nồi, thêm gia vị, đảo đều ướp khoảng 15-20 phút, hầm chín. Dùng tốt cho người hay bứt rứt khó chịu, bụng đầy nóng, táo bón, ăn uống kém...

Canh bóng bì: bóng bì 100 -200g, thịt nạc 150-300g, xương lợn 500g, tôm nõn khô 100-200g, đậu Hà Lan 100-150g, nấm hương 50g, cà rốt 50-100g, súp lơ 100-150g, gia vị: bột ngọt, rượu trắng, gừng tươi, dầu ăn, mắm...

Xương lợn chần nước sôi, rửa sạch, xào qua với ít mắm muối, ninh kỹ. Bóng bì ngâm trong nước nóng cho mềm, thái miếng vuông 3cm hoặc con chì, cho vào nước phèn và bóp nhẹ, rửa kỹ bằng nước lạnh cho sạch, để ráo; gừng cạo bỏ vỏ, giã nát, thêm nửa chén rượu và nửa chén nước, đổ vào bóng bì, bóp nhẹ.

Nấm hương ngâm, rửa sạch. Một nửa thịt nạc rửa sạch thái lát, còn lại xay nhuyễn thành giò sống, đắp lên tai nấm. Các thực phẩm khác rửa sạch cắt miếng hay thái khúc. Phi hành mỡ cho thơm, cho các lát thịt và bóng vào xào săn, để riêng.

Cho nước hầm xương và tôm khô, đun sôi kỹ; cho nấm bọc thịt, súp lơ, cà rốt vào, tiếp theo cho bóng bì và thịt, đun sôi, nêm nước mắm và bột ngọt cho vừa miệng, cho hành lá. Món ăn rất bổ dưỡng, tốt cho người già suy nhược, trẻ em và sản phụ.

Kiêng kỵ: Không dùng bóng bì khi có thực nhiệt (nhiễm trùng, sốt cao).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại