MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra?

Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN |

Biết có chuyện xảy ra, Lê Thiết Hùng lặng người, ông gục đầu xuống. Các đài phát của ta gấp gáp những tiếng gọi Vũ Xuân Thiều. Ông run run bóp micro: Xong rồi, đừng gọi nữa!

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

LTS: Trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", cùng với các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ, Không quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn hạ 2 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh về trận đụng đầu lịch sử này chưa được công chúng biết đến.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài "Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường - nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN - về những trận không chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc tháng 12/1972.

---------------

Kỳ 1. Thắng không kiêu, bại không nản, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thắng

Kỳ 2. Những chuyến bay cảm tử trong đêm

Kỳ 3. Phi công lập công đầu trong Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Kỳ 4. Từ phi công đầu tiên bắn rơi B-52 đến phi hành gia đầu tiên của châu Á

Kỳ 5. Vũ Xuân Thiều người phi công cảm tử

Giờ không phải lúc lo cho ngôi nhà mình

"… Trải qua 2 đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa bom, hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội và những vùng phụ cận. Rồi sẽ còn chồng chất thêm những tội ác như thế nào nữa - Đó là điều mà ai cũng lo lắng và căm giận. Con nghĩ - bây giờ không phải là lúc lo lắng cho cái ngôi nhà thân yêu của mình, cùng với…"

Bức thư viết dang dở đề ngày 21/12/1972 của phi công Vũ Xuân Thiều gửi bố mẹ mình vẫn chưa kịp viết xong, thì anh đã bay mãi mãi vào bầu trời xanh. Lúc bấy giờ, cuộc chiến bảo vệ Hà Nội đang đến hồi quyết liệt.

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 1.

Bức thư viết dở trước khi hi sinh của Anh hùng Vũ Xuân Thiều

Việc tìm hiểu các quy luật hoạt động của máy bay B-52, cách đánh B-52 đã được tiến hành nghiên cứu từ trước; các phi công cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đánh máy bay B-52 khi chúng liều lĩnh bay vào bầu trời miền Bắc, vào ném bom Thủ đô yêu dấu.

Nhưng khi những loạt bom đầu tiên do máy bay B-52 Mỹ ném xuống Hà Nội, cán bộ chiến sĩ KQNDVN đã phải trải qua một cảm giác hết sức nặng nề; nhiều người có gia đình, người thân ở ngay trong vùng máy bay B-52 rải thảm. Nhưng "Bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà thân yêu của mình".

Vũ Xuân Thiều sinh tháng 2/1945, anh là con thứ 7 trong một gia đình có 10 người con, quê gốc ở Hải An, Hải Hậu, Nam Định.

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 2.

Anh hùng phi công, liệt sỹ Vũ Xuân Thiều

Tình yêu bầu trời và ước mơ trở thành phi công đến rất sớm với Vũ Xuân Thiều. Ngay từ nhỏ anh thường gấp máy bay rồi thả cho bay là là, thích vẽ những hình máy bay trên các cuốn vở của mình, tham gia Câu lạc bộ mô hình máy bay.

Khi đang học lớp 10 Trường Chu Văn An - Hà Nội, Vũ Xuân Thiều đi khám tuyển phi công nhưng anh bị trượt ở vòng quay thử. Không chịu lùi bước, sáng sáng anh đều lên sân thượng tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, quyết đạt được mơ ước trở thành phi công trong đợt khám tuyển sau này.

Tháng 4/1965, Trường Đại học Bách khoa có một sự kiện đặc biệt: 10 sinh viên của trường được lệnh gọi nhập ngũ vào Quân chủng PK-KQ để đi học lái máy bay chiến đấu.

Trong số đó có Vũ Xuân Thiều, sinh viên vừa học hết năm thứ 3 lớp Vô tuyến điện, Khoa Điện. Đây là lần đầu tiên của các trường Đại học trên miền Bắc có nhiều sinh viên được tuyển chọn đi học lái máy bay.

Tháng 6/1965 Vũ Xuân Thiều lên đường sang Liên Xô học lái máy bay phản lực MiG-21 Khóa 3 tại Trường Không quân Serov A.K., thành phố Krasnodar.

Tháng 4/1968, về nước sau khi tốt nghiệp, phi công Vũ Xuân Thiều được biên chế về Đại đội 2 (Phi đội 2), Trung đoàn Không quân 921, Một thời gian sau anh được chọn vào Phi đội 5 - Phi đội bay đánh đêm. Cũng như các phi công khác trong Phi đội đánh đêm, Vũ Xuân Thiều đã cơ động vào các sân bay dã chiến trong khu 4 trực để tìm diệt máy bay B-52.

Ngày 03/2/1972 Trung đoàn Không quân 927 được thành lập, phi công Vũ Xuân Thiều cùng 1 số phi công bay đêm của Trung đoàn Không quân 921 được chuyển sang làm nòng cốt cho lực lượng bay đêm của Trung đoàn Không quân 927.

Trong cuộc đối đầu lịch sử giữa Không quân nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ (1965 – 1972), Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều đã nhiều lần xuất kích đánh địch. Đêm 28/12/1972 anh đã bắn hạ tại chỗ 1 máy bay B-52 và đã anh dũng hy sinh.

Đêm 20/12/1972, đường băng sân bay Đa Phúc bị đánh hỏng nặng, Vũ Xuân Thiều phải cất cánh trên đường lăn (vừa sửa xong). 19h27, chiếc MiG-21 dũng mãnh được người anh hùng đưa vút lên trời cao.

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 4.

Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN

Sở Chỉ huy dẫn anh về hướng Việt Trì - Phú Thọ. Khoảng 5 phút sau, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Gia Lâm, được Sở Chỉ huy dẫn lên Mộc Châu - Suối Rút. Cả hai phi công Rạng và phi công Thiều đều có nhiệm vụ đánh chặn máy bay B-52 đang bay vào từ hướng Tây Bắc.

Sở Chỉ huy dẫn dắt tốt nên cả 2 phi công đều nhìn thấy đèn hàng hành của máy bay B-52. Khi cách tốp máy bay B-52 khoảng 7-8km thì địch phát hiện cả 2 chiếc MiG-21. Lúc này tốp máy bay B-52 tắt hết đèn hàng hành.

Hai máy bay MiG-21 bật radar nhưng do nhiễu quá dày đặc nên cả hai đều bị mất mục tiêu, không phát hiện được B-52. Sở Chỉ huy dẫn cả hai máy bay về hạ cánh: Vũ Xuân Thiều về hạ cánh tại sân bay Gia Lâm lúc 20h08. Phi công Vũ Đình Rạng hạ cánh lúc 20h22.

Khi Vũ Xuân Thiều về Gia Lâm hạ cánh cũng rất gian nan, hệ thống đèn hạ cánh đêm của sân bay chập chờn do bị bom đánh, anh phải bay vòng 3 lần mới hạ cánh được. Anh bay đến đâu đều bị lực lượng phòng không ta bắn lên.

Theo tập hồi ký "Lính Bay 2" của Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Phú Thái thì máy bay của phi công Vũ Xuân Thiều bị phòng không của ta bắn thủng thùng dầu.

Trận đánh tối 20/12/1972 của phi công Vũ Xuân Thiều và phi công Vũ Đình Rạng tuy không tiếp cận, tấn công được máy bay B-52, nhưng đã làm rối loạn đội hình máy bay B-52 và tiêm kích yểm hộ, làm giảm cường độ nhiễu.

Sự xuất hiện của MiG-21 đã gây khó khăn cho kế hoạch ném bom của máy bay B-52, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng phòng không của ta.

Đêm 20/12/1972 là đêm tổn thất nặng nề nhất của Không quân Chiến lược Hoa Kỳ sau 3 ngày đêm tiến hành chiến dịch Linebacker II: các lực lượng phòng không của ta đã bắn hạ 6 máy bay B-52, bắn bị thương 1 chiếc B-52 khác.

Sau trận đánh đêm 27/12/1972, phi công Phạm Tuân bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên, ngay ngày 28/12, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm. Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương chủ trì. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống dự và chỉ đạo.

Các đơn vị trong toàn Quân chủng tiến hành triển khai ngay ý kiến chỉ đạo của Tổng Tư lệnh và các kết luận của Hội nghị rút kinh nghiệm.

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 5.

Máy bay trực thăng Mi-6 đang cẩu tiêm kích MiG-21

Quả tên lửa thứ ba của người phi công cảm tử

Để giữ bí mật và tạo yếu tố bất ngờ, trong khi các sân bay Đa Phúc, Yên Bái, Kép, Hòa Lạc, Gia Lâm … bị liên tục đánh phá, Không quân ta quyết định dùng máy bay trực thăng Mi-6 cẩu 1 chiếc MiG-21 vào phục kích tại sân bay Cẩm Thủy. (Theo tập hồi ức Không chiến, tác giả Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa).

Chiều ngày 23/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cơ động vào phục kích tại sân bay Cẩm Thủy. Ngày 22/12/1972 Phi đội trưởng Phi đội đánh đêm Hoàng Biểu cũng đã vào sân bay Cẩm Thủy để chuẩn bị trận đánh và chỉ huy cất hạ cánh.

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 6.

Anh hùng phi công, liệt sỹ Vũ Xuân Thiều

Sân bay Cẩm Thủy (Thạch Thành - Thanh Hóa) là sân bay dã chiến lát ghi lỗ của Liên Xô, dài 1800m, rộng 30m. Tuy chỉ là sân bay dã chiến, nhưng cũng bị Không quân Mỹ liên tục nhòm ngó và đánh phá.

Máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện có dấu hiệu MiG-21, vì vây sáng sớm tinh mơ ngày 24/12/1972 Mỹ đã huy động máy bay B-52 ném bom sân bay Cẩm Thủy, đường băng bị hỏng rất nặng. Các lực lượng quân đội, bộ đội công binh, và người dân địa phương đã tích cực sửa chữa suốt ngày đêm, đến ngày 28/12/1972 sân bay Cẩm Thủy đã sẵn sàng cho MiG-21 cất cánh đánh địch.

Theo tin tình báo nhận được, tối ngày 28/12/1972, từ 21h30 đến 23h30, Mỹ sẽ cho máy bay B-52 vào ném bom rải thảm khu vực Hà Nội và các vùng lân cận phía Bắc Hà Nội. Binh chủng Không quân đã ra lệnh cho các Sở Chỉ huy theo dõi chặt chẽ tình hình địch, đặc biệt Sở Chỉ huy tiền phương của Binh chủng B-1 ở Thọ Xuân.

Các phi công trực ở các sân bay cũng được lệnh sẵn sàng cất cánh đánh B-52. Phi công Vũ Xuân Thiều trực ở sân bay Cẩm Thủy đã sẵn sàng. Các đại đội radar vòng trong, vòng ngoài cũng sẵn sàng mở máy.

Thông tin liên lạc giữa các Sở Chỉ huy đều thông suốt, các Sĩ quan dẫn đường các Sở Chỉ huy hợp đồng chặt chẽ với nhau và với phi công trực chiến. Các Sở Chỉ huy và các thành phần trực ban chiến đấu đều đã sẵn sàng.

Tại Sở Chỉ huy Binh chủng: Phó Tư lệnh Binh chủng Trần Hanh chủ trì toàn bộ kíp trực ban. Trực ban dẫn đường: Tạ Văn Vượng.

Tại Sở Chỉ huy Tiền phương B-1 do Phó Tư lệnh Trần Mạnh chủ trì. Sĩ quan dẫn đường Trần Đức Tụ dẫn chính trên bàn tiêu đồ.

Sĩ quan dẫn đường hiện sóng Lê Thiết Hùng dẫn tại Trạm Radar 26. Thời điểm này, Trạm 26 biên chế thiếu, chỉ có đài dẫn đường P-35 và máy đo cao PRV-11.

Sở Chỉ huy Trung đoàn Không quân 927: Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy, kíp dẫn có Vũ Đức Bình và Đào Văn Thành; có nhiệm vụ dẫn bổ trợ cho trận đánh đêm.

Sở Chỉ huy Mộc Châu: Trưởng Ban Lê Liên và Đặng Văn Dũng, Nguyễn Đăng Điển dẫn trong Sở Chỉ huy. Lương Văn Vóc dẫn tại Trạm Radar 22.

Sở Chỉ huy Tiền phương B-1 ở Thọ Xuân đảm nhiệm dẫn chủ công của trận đánh đêm nay.

Từ 21h đến 22h22, lần lượt các đại đội radar 26, 22, 50, 53, 43 mở máy theo dõi tình hình trên không.

Lúc 21h28, nhiều tốp máy bay B-52 lần lượt xuất hiện ở phía Đông Nam Pakxane (Lào) 90km. Nhận định đây là những tốp máy bay B-52 sẽ vào ném bom Hà Nội, Phó Tư lệnh Trần Mạnh tại Sở Chỉ huy tiền phương B-1, lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều vào cấp 1 lúc 21h30.

Còn tại sân bay Đa Phúc, lúc 21h37 phi công Đinh Tôn cũng nhận được lệnh cấp 1 của Sở Chỉ huy Binh chủng Không quân.

21h41 phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh, Sở Chỉ huy Thọ Xuân cho anh hướng bay 290⁰, độ cao 5000 m, tốc độ 900 km/h. Trên bàn tiêu đồ, đường chì đỏ thể hiện đường bay máy bay ta đang bay về phía Tây, tiến dần về hướng biên giới Việt - Lào.

Nhân viên tiêu đồ báo cáo xuất hiện 2 tốp mục tiêu mới, mỗi tốp có 4 chiếc ở độ cao 7500m, ngay trước đường bay của ta. Phó Tư lệnh Trần Mạnh phán đoán đây là hai tốp tiêm kích và chỉ thị cho Sĩ quan dẫn đường dẫn máy bay ta bay tránh tiêm kích địch.

Sĩ quan dẫn đường Trần Đức Tụ cho MiG-21 sửa trái, hướng bay 270⁰, tăng lực lấy độ cao 12.500 mét. Sĩ quan dẫn đường hiện sóng báo về: cường độ nhiễu ở hướng Tây rất nặng, không phát hiện được tín hiệu của B-52.

Lúc này Sĩ quan Dẫn đường Trần Đức Tụ áp dụng giải pháp "dẫn mò" đã tính toán sơ bộ, xác định vị trí của B-52 theo từng thời gian. Đây là một giải pháp của ngành dẫn đường không quân khi tín hiệu radar chập chờn, được "phát minh" sau trận đánh đêm ngày 16/2/1964 của tổ bay Nguyễn Văn Ba - Lê Tiến Phước.

Để có thể "dẫn mò" chính xác, cần nhận định đúng về đường bay của B-52 để tính toán điểm đánh chặn. Sở Chỉ huy nhận định đội hình B-52 sẽ bay từ Nam sông Mê Kông lên, khi đến Sầm Nưa sẽ đổi hướng vào Mộc Châu, từ đấy bay vào ném bom Thủ đô Hà Nội. Trần Đức Tụ báo cáo xin dẫn tiêm kích ta vào chặn đánh sau khi B- 52 vòng tại điểm kiểm tra Sầm Nưa, Phó Tư lệnh Trần Mạnh đồng ý

Lúc 21h52, Sở Chỉ huy B1 - Thọ Xuân lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều vòng phải, hướng bay 360⁰, tốc độ 1200 km/h, độ cao 12.500m. Sau khi Vũ Xuân Thiều ổn định hướng bay thẳng về phía Bắc, Sở Chỉ huy thông báo vị trí mục tiêu cho anh: bên trái 50⁰, cự ly 15 km, rồi 30⁰, cự ly 10km.

Nhiễu nặng, trên màn hình trắng xóa, Vũ Xuân Thiều vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Lúc này lại có diễn biến mới: B-52 không bay đến Mộc Châu mà thay đổi đường bay, lấy Sơn La làm điểm kiểm tra rồi vòng về đánh phá Hà Nội.

Sở Chỉ huy dẫn cho MiG-21 đi hướng bay 320⁰. Lúc này ở Sở Chỉ huy đã khôi phục được tín hiệu của B-52. Lúc 21h57 lệnh phi công Vũ Xuân Thiều vòng phải tiếp cận mục tiêu B-52.

Lúc 21h58 phi công Vũ Xuân Thiều phát hiện đèn hàng hành trên máy bay B-52, anh báo cáo Sở Chỉ huy và xin phép công kích. Vũ Xuân Thiều bật radar ngắm bắn, kết hợp quan sát bằng mắt theo ánh chớp của đèn hàng hành trên máy bay B-52, anh ấn nút phóng 2 quả tên lửa.

Sĩ quan dẫn đường màn hiện sóng Lê Thiết Hùng nhìn thấy cự ly giữa MiG-21 và B-52 rất gần, chiếc MiG-21 lao rất nhanh về máy B-52, anh nhắc Vũ Xuân Thiều chú ý. Khẩu lệnh vừa phát xong, Lê Thiết Hùng thấy trên màn hình mất tín hiệu của MiG-21 và B-52, cũng không nghe thấy phi công Thiều trả lời đối không.

Biết có chuyện xảy ra với Vũ Xuân Thiều, Lê Thiết Hùng lặng người, ông gục đầu xuống màn hình hiện sóng, tay buông micro. Các đài phát của quân ta gấp gáp vang lên những tiếng gọi Vũ Xuân Thiều. Lê Thiết Hùng tay run run bóp micro, nói ngắn gọn: Xong rồi, đừng gọi nữa!

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 9.

Bức tượng bán thân người Anh hùng tại Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều

Về sự hi sinh của anh hùng Vũ Xuân Thiều, cho đến hôm nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất: Có ý kiến cho rằng chiếc MiG-21 của Vũ Xuân Thiều đã tiếp cận B-52 ở cự li rất gần để phóng tên lửa, nên đã không tránh kịp vụ nổ khủng khiếp của chiếc "pháo đài bay" khổng lồ.

Nhưng cũng không loại trừ việc người anh hùng đã dùng chiếc MiG-21 trở thành "quả tên lửa thứ ba": Lao thẳng vào B-52 để tiêu diệt đối phương.

Sáng hôm sau, ở Cò Nòi, Sơn La người dân phát hiện ra xác máy bay B-52 rơi gần một chiếc MiG-21. Máy bay B-52 đã bị phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi, và anh cũng đã anh dũng hy sinh.

Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát, người bạn thân thiết của anh Vũ Xuân Thiều đã viết:

"Vào những ngày ấy, hành động điên cuồng dùng B-52 ném bom rải thảm lên các thành phố, làng xóm của ta đã làm các phi công chúng tôi sôi sục căm thù. Ai cũng mong bắn hạ được B-52, nhất là các phi công bay đêm.

Trong các buổi quân sự dân chủ bàn cách đánh B-52 của đại đội, không ít các phi công trong đó có Vũ Xuân Thiều không ngần ngại tuyên bố: Nếu bắn hết 2 quả tên lửa mà B-52 không rơi thì sẽ có ngay quả tên lửa thứ ba.

Tôi hiểu "quả tên lửa thứ ba" ấy là gì. Đó là cả một chiếc MiG-21 nặng gần 10 tấn và một trái tim cháy bỏng căm thù quân xâm lược. Rất khó để đưa ra lời khuyên khác cho bộ đội lúc đó, bởi chính tôi cũng có suy nghĩ ấy".

Cuối năm 2020, tác giả bài viết này (Nguyễn Việt Cường) đã đến thăm và cũng để lấy thêm tư liệu ở người lính già Lê Thiết Hùng. Ông kể rất nhiều kỷ niệm vui có, buồn có. Nhưng kỷ niệm làm ông đau lòng nhất là trận đánh của phi công Vũ Xuân Thiều.

Trong cuộc đời dẫn máy bay, ông là người đã chứng kiến nhiều niềm vui khi phi công reo lên bắn cháy máy bay Mỹ, và cũng không ít trận phải thấy đồng đội hy sinh.

Trước khi phi công Vũ Xuân Thiều làm quả tên lửa thứ 3 lao vào máy bay B-52, ông nhìn thấy rất rõ trên màn hiện sóng tín hiệu MiG-21 lao nhanh về B-52. Ông kể những kỷ niệm về anh Thiều, khen anh Thiều rất giỏi và thông minh.

Ông nói: "Tao nhìn thấy nó lao vào mà không làm gì được". Chợt thấy trong khóe mắt đỏ hoe của ông già trên 80 tuổi có giọt nước, tôi vội phải lái sang chuyện khác.

Để tưởng nhớ Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, tại các thành phố Sơn La, Hà Nội, Nha Trang có đường phố mang tên Anh hùng Vũ Xuân Thiều. Tại Quận Long Biên có một trường tiểu học được vinh dự mang tên anh.

Ngày 20/12/1994, Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

MiG-21 Không quân Việt Nam và B-52 Mỹ cùng biến mất trên màn radar: Chuyện gì đã xảy ra? - Ảnh 11.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại