Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi

Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN |

Phạm Tuân đã bắn hai tên lửa ở cự lì rất gần, giúp Không quân Việt Nam lập chiến công bắn rơi B-52, khiến Mỹ không thể chối cãi, thế giới chấn động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

LTS: Trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", cùng với các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ, Không quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn hạ 2 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh về trận đụng đầu lịch sử này chưa được công chúng biết đến.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài "Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường - nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN - về những trận không chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc tháng 12/1972.

---------------

Kỳ 1. Thắng không kiêu, bại không nản, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thắng
Kỳ 3. Phi công lập công đầu trong Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Kỳ 4. Từ phi công đầu tiên bắn rơi B-52 đến phi hành gia đầu tiên của châu Á


Chàng trai Thái Bình suýt "lỡ hẹn" với bầu trời

Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân sinh ngày 14/02/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Tốt nghiệp phổ thông năm 1965, Phạm Tuân nhập ngũ và tham gia khám tuyển phi công để thực hiện ước mơ từ thuở thơ bé. Tuy nhiên, anh liên tiếp bị trượt 2 lần vì không đủ sức khỏe.

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 1.

Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN

Tình yêu bầu trời thôi thúc chàng trai Thái Bình khám tuyển phi công lần thứ 3.

Lần này Phạm Tuân trúng tuyển vào Không quân, nhưng lại là đi học thợ sửa chữa máy bay. Mặc dù vậy, anh cũng rất vui vì dù sao cũng được phục vụ trong Không quân.

Tại Krasnodar nơi anh học thợ máy, hàng ngày nhìn thấy, nghe thấy tiếng động cơ của những cánh én vút lên trời xanh, anh vẫn ước mơ có ngày được tự mình điều khiển những cánh én bạc đấy vùng vẫy trên bầu trời.

Cơ may hay nói đúng hơn là cái duyên với bầu trời của anh đã đến: Khi sang Liên Xô học lái máy bay, do thời tiết lạnh nên có nhiều người không đủ tiêu chuẩn bay do sức khoẻ, hoặc do không theo kịp chương trình học tập … Vì vậy phải tổ chức khám tuyển thêm phi công từ số học viên đang học thợ máy ở đây.

Phạm Tuân là một trong số những người trúng tuyển, ước mơ ngày nào đã trở thành hiện thực. Anh bắt đầu học bay chiếc tiêm kích MiG-17.

Sau khi tốt nghiệp về nước, Phạm Tuân được phân công về Trung đoàn Không quân 921, sau đó anh chuyển loại lái máy bay MiG-21. Một thời gian sau, anh được chọn vào Phi đội bay đánh đêm (Phi đội 5). Anh cùng các phi công Phi đội bay đánh đêm đã cơ động vào các sân bay dã chiến trong khu 4, trực chiến để tìm diệt máy bay B-52.

Trở lại với chiến dịch Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không, Phạm Tuân là một trong những phi công đầu tiên cất cánh ứng chiến với bầy quạ đen Hoa Kỳ, nhưng trong ngày đầu giao chiến anh chưa gặp may.

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 2.

MiG-21 Không quân Việt Nam cất cánh bằng tên lửa trợ lực

16h ngày 18/12/1972, tin tình báo cho biết máy bay B-52 đã cất cánh từ căn cứ Andersen trên đảo Guam bay về hướng Hà Nội. Mỹ đã bắt đầu chiến dịch Linebacker II, ném bom rải thảm hủy diệt Hà Nội - Hải Phòng.

18h50 tất cả các Sở Chỉ huy (SCH) trong toàn Quân chủng PK-KQ vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu.

Trong ngày 18/12/1972 các sân bay của ta bị đánh phá dữ dội. Tại sân bay Đa Phúc, lúc 19h máy bay F-111 tiếp tục vào ném bom sân bay, nhiều đoạn đường băng bị hư hỏng, nhiều đất đá văng lên đường băng và đường lăn.

Lúc 19h47, phi công Phạm Tuân được lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc. Mặc dù đường băng không tốt nhưng phi công Phạm Tuân vẫn quyết tâm cất cánh. Sĩ quan dẫn đường Hoàng Đức Hạnh tại SCH Trung đoàn Không quân 927 dẫn anh bay ra khu vực Mộc Châu để chặn đánh đội hình B-52.

Khi SCH dẫn vào tiếp cận mục tiêu, trên độ cao 11.000m, Phạm Tuân đã nhìn thấy đèn của máy bay B-52. Lúc này các máy bay tiêm kích bảo vệ B-52 cũng phát hiện ra chiếc MiG-21.

Đội hình đông đảo máy bay tiêm kích F-4 quây lại liên tiếp tấn công, phóng rất nhiều tên lửa về phía MiG-21.

Phi công Phạm Tuân tránh được tất cả các tên lửa của tiêm kích Mỹ phóng ra, nhưng anh cũng không thể tiếp cận được đội hình máy bay B-52 do tiêm kích địch yểm hộ B-52 dày đặc.

Lúc này máy bay B-52 cũng đã tắt đèn hàng hành, anh bật radar nhưng màn hình trắng xóa do nhiễu.

Thấy chiếc MiG-21 còn ít nhiên liệu, SCH lệnh cho phi công Phạm Tuân trở về hạ cánh. Sân bay Đa Phúc vừa bị đánh phá, toàn bộ hệ thống điện của sân bay bị mất, đèn chiếu hạ cánh không có, Phạm Tuân phải hạ cánh bằng đèn của máy bay và ánh sáng phát ra từ chiếc B-52 bị tên lửa ta bắn cháy sáng rực cả bầu trời ở đầu Đông sân bay.

Sau khi tiếp đất chạy đà được mấy trăm mét, máy bay va vào đất đá trên đường băng, bị vỡ lốp văng ra khỏi đường băng và lao xuống hố bom. Máy bay bị gãy càng, gần như bị lật ngửa trên hố bom, may mắn là anh đã thoát ra khỏi máy bay an toàn.

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 4.

Chiếc MiG-21 của Phạm Tuân hạ cánh trong ánh lửa của chiếc B-52 bị tên lửa phòng không bắn cháy

Phi công đầu tiên trên thế giới bắn rơi B-52

Ngày 27/12/1972, ngày thứ mười của chiến dịch 12 ngày đêm, Mỹ liên tục đánh phá ác liệt cùng một lúc các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên.

Các lực lượng phòng không của ta liên tục lập chiến công, bắn rơi nhiều máy bay các loại của Mỹ, trong đó tên lửa và cao xạ đã diệt hàng chục chiếc B-52. Trong lúc này, KQNDVN tổ chức rút kinh nghiệm các lần xuất kích; chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo.

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 5.

Phi công Phạm Tuân bên chiếc MiG-21

Trong SCH Binh chủng Không quân có các đồng chí: Tư lệnh Đào Đình Luyện, Chính ủy Văn Duy, Phó Tư lệnh Trần Hanh. Kíp trực dẫn đường: Lê Thành Chơn dẫn trên bàn tiêu đồ, Lê Kiếu dẫn trên màn hiện sóng.

Tại SCH Trung đoàn Không quân 921 có Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Độ. Sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng dẫn trên bàn tiêu đồ.

Tại SCH Trung đoàn Không quân 927 có Phó Trung đoàn trưởng Nguyễn Nhật Chiêu. Dẫn trên bàn tiêu đồ là Hoàng Đức Hạnh, dẫn trên màn hiện sóng là Phạm Công Kim tại Trạm Radar 43.

Tại SCH phía trước ở Mộc Châu: Trưởng Ban Dẫn đường Binh chủng Lê Liên và Sĩ quan dẫn đường Đặng Dũng, Nguyễn Đăng Điển dẫn trên bàn tiêu đồ. Dẫn đường trên màn hiện sóng tại Trạm radar 22 là Lương Văn Vóc.

Dẫn đường tại SCH B-1 (Thọ Xuân) là Đinh Văn Nghĩa và Hoàng Trung Thông.

Tất cả các vị trí đã sẵn sàng cho các trận đánh ngày và đêm 27/12/1972.

13h34, Biên đội Đỗ Văn Lanh - Dương Bá Kháng cất cánh từ sân bay Đa Phúc, kíp trực của Trung đoàn 927 dẫn chính. Đến 13h47m20s, Dương Bá Kháng bắn hạ 1 chiếc F-4. Biên đội về hạ cánh an toàn tại sân bay Đa Phúc lúc 13h55.

13h40, Biên đội Trần Sang - Bùi Thanh Liêm cất cánh. SCH cho Biên đội lấy độ cao 8.000m, hướng bay về khu vực Việt Trì - Phú Thọ, để nhử F-4 bám theo và uy hiếp đội hình cường kích, buộc chúng phải ném bom ngoài mục tiêu để tháo chạy.

Trong lúc này địch cho nhiều tốp máy bay vào hoạt động ở khu vực Hòa Bình, SCH phán đoán có thể địch cho máy bay tìm kiếm phi công nhảy dù.

Phi công Trần Việt bí mật phục kích ở sân bay Miếu Môn được lệnh cất cánh lúc 14h10 đánh địch ở phía Đông Hòa Bình. Lúc 14h19 Trần Việt bắn rơi 1 chiếc F-4, anh bay về hạ cánh an toàn lúc 14h32 tại sân bay Đa Phúc.

17h ngày 27/12/1972, máy bay MiG-21 và phi công Phạm Tuân được lệnh bí mật chuyển sân lên sân bay Yên Bái mai phục để đón đánh máy bay B-52. Cũng như các sân bay khác, suốt ngày đêm Mỹ cho máy bay bắn phá, ném bom sân bay Yên Bái.

Đêm ngày 27/12/1972, lúc 22h22, phi công Phạm Tuân được lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái. SCH ở Yên Bái dẫn anh xuyên lên trên mây. Sau khi liên lạc đối không tốt, SCH Binh chủng cho anh hướng bay 230⁰, tăng dần độ cao; sau đấy cải hướng bay 220⁰ theo dẫn dắt của SCH Mộc Châu.

Lúc này Trạm Radar 22 ở Mộc Châu đã bắt được máy bay ta, SCH Binh chủng giao cho SCH Mộc Châu dẫn chính. 22h24, SCH Mộc Châu cho Phạm Tuân hướng bay 190⁰.

Máy bay B-52 cách đài Mộc Châu 40km, đúng lúc này Trạm radar 22 ở Mộc Châu bị nhiễu cường độ 3. Lúc 22h25m30s, Sĩ quan dẫn đường Đặng Dũng thông báo: Mục tiêu bên phải 20⁰, 80km. Rất bình tĩnh, phi công Phạm Tuân hỏi: "Loại to hay nhỏ?". Dẫn đường trả lời: "Loại to" (ám chỉ máy bay B-52).

22h26, SCH ra lệnh cho Phạm Tuân vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ lên 950km/h. Chỉ 30 giây sau, dẫn đường thông báo vị trí mục tiêu bên phải 10⁰, bay từ phải sang trái. Sĩ quan dẫn đường cho máy bay lấy độ cao 9500m.

Lúc 22h29, dẫn đường cho Phạm Tuân vòng trái, hướng bay 30⁰, sau đó sửa hướng 70⁰. Khi máy bay B-52 đến đỉnh dài Mộc Châu, sĩ quan dẫn đường màn hiện sóng không nhin thấy mục tiêu, nhưng Dẫn đường SCH đã tính toán trước số liệu và cho MiG-21 áp đường bay chính xác.

Sau đó 30 giây, phi công Phạm Tuân báo cáo thấy đèn của máy bay B-52. Dẫn đường SCH thông báo cự ly 10km và cho tăng tốc độ lên 1.200km/h, rồi 1.400km/h.

Lúc 22h31, Sĩ quan dẫn đường màn hiện sóng Lương Văn Vóc đều đặn và liên tục thông báo cự ly: 6km, 5km, rồi 4km, anh nhắc phi công phải phóng loạt 2 quả tên lửa, để đảm bảo tiêu diệt được B-52.

Phi công Phạm Tuân giữ tốc độ 1.400km/h tiếp cận mục tiêu, anh quan sát bằng mắt theo đèn của B-52, và sử dụng máy ngắm quang học để ngắm bắn. Khi cự ly còn khoảng 2.000m, Phạm Tuân xin phép công kích.

Rất bình tĩnh, anh kiểm tra lại điểm ngắm và phóng 2 quả tên lửa khi cự ly chỉ hơn 1.000m. Hai quả tên lửa rời bệ phóng lao thẳng vào chiếc máy bay B-52.

Lúc này là 22h35 ngày 27/12/1972, thời khắc đã đi vào lịch sử khi Phạm Tuân dùng máy bay MiG-21 bắn rơi tại chỗ chiếc "pháo đài bay bất khả xâm phạm" B-52 của Mỹ.

Sau khi công kích, Phạm Tuận lật máy bay và giảm nhanh độ cao xuống 2.000m. SCH Binh chủng sau khi xác định vị trí máy bay MiG-21 đã cho Phạm Tuân lên độ cao 4.000m, hướng bay 310⁰ và dẫn về sân bay Yên Bái. SCH Yên Bái tiếp nhận và dẫn anh xuyên mây hạ cánh an toàn lúc 22h46.

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 7.

Sơ đồ trận đánh tiêu diệt B-52 của Phạm Tuân

Phi hành gia đầu tiên của châu Á

Trước Phạm Tuân, đã có một phi công MiG-21 khác là Vũ Đình Rạng bắn trúng B-52 bằng tên lửa tầm nhiệt K-13 của máy bay MiG-21.

Tuy nhiên, do phi công Vũ Đình Rạng chỉ "uống 1 chai" (bắn 1 tên lửa) mà không "uống cả 2 chai", nên B-52 chỉ bị thương chứ chưa rơi tại chỗ.

Mặc dù chiếc B-52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng chỉ có thể "lết" về sân bay, và sau đó bị hủy vì hỏng quá nặng, nhưng phía Mỹ vẫn có thể "lấp liếm" được trên khía cạnh tuyên truyền rằng B-52 chỉ bị thương chứ chưa bị rơi.

Tuy nhiên, trong trận đánh ngày 27/12/1972, Phạm Tuân đã bắn rơi B-52 ngay tại chỗ, phía ta đã có bằng chứng rõ ràng về việc MiG-21 tiêu diệt được "pháo đài bay bất khả xâm phạm" của Mỹ.

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 8.

Phi hành gia Phạm Tuân (phải) trước giờ bay vào vũ trụ

Với chiến công xuất sắc bắn rơi máy bay B-52, ngay sáng sớm ngày 28/12/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, gửi điện khen và chúc mừng KQNDVN và phi công Phạm Tuân.

Ngày 03/9/1973, phi công Phạm Tuân được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi, mang quân hàm Thượng úy - Trung đội trưởng, Phi đội 5, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn Không quân 371.

Năm 1977, Phạm Tuân được chọn sang Liên Xô để học tập tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979 anh cùng phi công Bùi Thanh Liêm được tuyển chọn để đào tạo phi công vũ trụ tại thành phố Ngôi Sao.

Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân đã cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ, trở thành người châu Á đầu tiên chinh phục vũ trụ. Người phi công đầu tiên bắn rơi tại chỗ B-52, nay lại là phi hành gia đầu tiên của châu Á.

Năm 1980, Phi công Phạm Tuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh.

Cùng năm 1980 anh được Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Lênin và danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Về sau, Phạm Tuân trở thành một cán bộ cao cấp của quân đội, mang quân hàm Trung tướng, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Không quân, Phó Chủ nhiệm Về Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội MB …

Thế giới chấn động: B-52 Mỹ đã bị MiG-21 Không quân Việt Nam kết liễu - Không thể chối cãi - Ảnh 10.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại