Khẩu đội ĐKZ-82 khai hỏa diệt mục tiêu - Ảnh minh họa
LTS: Ngày kỉ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 còn được gọi là "Ngày của lính". Bên cạnh những người lính đang "đội mũ đeo sao" trong quân ngũ, cũng có rất nhiều những người lính đã xếp lại bộ quân phục để hòa vào cuộc sống đời thường.
Mặc dù dòng đời mưu sinh có nhiều gian khổ, nhưng cứ mỗi ngày 22/12, lại là dịp để những người lính hay từng là lính gặp gỡ lại nhau, ôn lại những kỉ niệm về một thời máu và hoa.
Xin trân trọng giới thiệu những kỉ niệm của cựu chiến binh Trần Kim Ngọc, nguyên chiến sĩ Đại đội 17, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479, về thời kì làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.
Bước ngoặt cuộc đời: Khoác áo lính, vào bộ đội
Cuộc sống với bao lo toan, bận rộn trôi qua theo những tờ lịch mỏng, khiến đã từ lâu rồi tôi ít khi quan tâm đến khái niệm thời gian và những gì đã trôi vào quá khứ của cuộc đời.
Cho đến một hôm, tình cờ gặp lại người đồng đội cũ đã từng cùng nhau chiến đấu trên chiến trường K (Campuchia), tôi bỗng nhiên thường hay hay hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu ác liệt trên chiến trường K máu lửa.
Bao năm qua, tôi đã cố quên đi nhưng quãng thời gian đó đã trở thành máu thịt, là quãng đời tuổi trẻ của tôi, là bước ngoặt cuộc đời quá lớn nên không thể nào quên được.
Tác giả - cựu chiến binh Trần Kim Ngọc, nguyên chiến sỹ Sư đoàn bộ binh 5
Bước ngoặt cuộc đời: Khoác màu áo lính
Cách đây 35 năm, tôi lên đường nhập ngũ, cuộc đời rẽ sang một bước ngoặt mới. Làm thân trai phải đền nợ nước, nên tôi phải tạm gác lại tất cả để khoác màu áo lính, vào bộ đội.
Chỉ sau gần 3 tháng ngắn ngủi huấn luyện tại quân trường, tôi và đồng đội dược đưa qua Campuchia chiến đấu. Tôi vốn nghĩ rằng sau ngày giải phóng, những thanh niên như tôi sẽ không còn biết đến súng đạn chiến tranh, nào có ngờ đâu phải lên đường chiến đấu ở nơi xa xôi, xứ lạ quê người!
Khoác lên người bộ quân phục màu xanh, vượt chặng đường dài gian nan qua chiến trường K, tôi cảm thấy ngỡ ngàng và hoang mang quá!
Và tôi hiểu rằng: Kể từ đây, dù muốn hay không, tôi cũng phải chấp nhận cuộc sống mới mẻ với biết bao gian lao, nguy hiểm đang chờ đón! Lúc bấy giờ, tình hình chiến sự trên chiến trường K vẫn đang diễn ra rất ác liệt ...
Về đơn vị mới nơi tuyến đầu
Trải qua gần 7 ngày chuyển giao quân, tôi được biên chế về đơn vị mới. Đó là đại đội ĐKZ của Trung đoàn bộ binh 174, đóng quân ven một cánh rừng ở Thơmophuoc-Battambang. Đại đội được trang bị những khẩu ĐKZ 82, được mệnh danh là "quả đấm thép" của Trung đoàn.
Bấy giờ vẫn đang còn là mùa mưa. Có những đêm mưa rừng tầm tã, nghe tiếng mưa rơi mà tê tái cả tâm hồn, da diết nhớ về gia đình và Thành phố thân yêu! Hai tiếng mưa rừng nghe thật buồn, bây giờ hàng ngày nhìn thấy mưa rừng càng buồn hơn! Tiếng mưa rơi như những nốt nhạc buồn, gợi nhớ đến những cơn mưa khi còn ở Thành phố quê hương.
Lúc đó, nhóm chúng tôi còn là tân binh nên được các anh lính cũ tận tình hướng dẫn chu đáo những tình huống có thể xảy ra trong chiến đấu.
Từ chỗ là những người xa lạ ở mọi miền đất nước, chúng tôi gặp nhau và trở thành những đồng đội của nhau trên chiến trường.
Tình cảm đồng đội trong gian khổ, nguy hiểm sống chết có nhau, điếu thuốc chia đôi, những lá thư riêng cũng trở thành niềm vui chung của đồng đội.
Cuộc đời nhiều lúc tưởng chừng như một giấc mơ, mới ngày nào còn sum họp gia đình trong cuộc sống ở Thành phố quê hương mà bây giờ lại có mặt ở vùng rừng núi xa xôi với bao hiểm nguy đang rình rập khi quân địch vẫn còn lẩn khuất ở khắp nơi.
Quân tình nguyện Việt Nam hành quân trên chiến trường Campuchia
Những trận đánh trên đất nước Chùa Tháp
Chiến trường K và những cuộc hành quân chiến đấu
Vừa chân ướt chân ráo qua chiến trường K, tôi đã phải lao ngay vào những cuộc hành quân, chiến đấu suốt ngày này qua tháng khác. Có những lúc hành quân băng rừng, lội suối bất kể ngày đêm.
Có những khi phải trải qua nắng gắt, mưa dầm bất kể đôi bàn chân đang phồng rộp. Hành quân càng xa thì vũ khí mang trên người cảm giác càng nặng hơn.
Chiến dịch đầu tiên tôi tham gia chiến đấu mang tên Z4, đánh vào một căn cứ của Polpot ở Bờ-rây-mon. Trước lúc xuất kích, tôi và số tân binh trong đơn vị tỏ ra hồi hộp, lo lắng vì là lần đầu tiên tham gia một trận đánh.
Đơn vị hành quân xuyên qua những cánh rừng, đến gần sáng thì ém quân gần căn cứ địch. Đến giờ nổ súng, pháo binh ta bắn cấp tập vào căn cứ địch, hỗ trợ bộ binh các đơn vị xung phong chiếm lĩnh trận địa.
Trên đường tiến quân, tôi nhìn thấy thi thể của một người lính ở đơn vị khác hi sinh. Lần đầu tiên ra trận đã nhìn thấy tử thi, nên tôi cũng hoang mang đôi chút, nhưng khi đã vào trận thì người lính chỉ có con đường tiến lên phía trước để trả thù cho đồng đội.
Chiến tranh không phải là trò đùa, khoảng cách giữa sự sống vá cái chết rất mong manh ... Lần đầu tiên ra trận, tôi cảm nhận được thế nào là chiến tranh. Tiếng súng nổ vang trời, tiếng đạn nhọn bay réo rít, tiếng đạn pháo hỏa lực làm đất đá, khói bụi bao trùm ...
Trước đây tôi chỉ biết chiến tranh qua những bộ phim chiến đấu, vậy mà giờ đây tôi là người trực tiếp tham gia chiến đấu, biết thế nào là lửa đạn chiến tranh và sự gian khổ, hy sinh của người lính.
Sau khi chiếm được căn cứ này, đơn vị tiếp tục tham gia chiến dịch Z5, đánh vào căn cứ Ampin gần biên giới Thái lan. Đây là một căn cứ rất lớn, được mệnh danh là "tổng hành dinh" của Polpot, còn được gọi là "thành phố tự do trong rừng".
Quân địch chống trả điên cuồng. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra rất gay go, quyết liệt. Sau khi súng đạn nổ liên tục suốt 2 ngày 1 đêm thì quân ta mới làm chủ trận địa, chiếm được căn cứ địch.
Đơn vị lại tiếp tục hành quân, phối thuộc cùng các đơn vị khác đánh vào một căn cứ địch ở Cao-mê-lai, nằm trong vùng rừng núi âm u, hiểm hóc. Nơi đây hầu như không nhìn thấy ánh mặt trời vì cây rừng rậm rạp giăng kín khắp nơi.
Đây là một trận chiến với nhiều đơn vị tham gia, cũng là trận chiến đầy cam go, kéo dài nhất. Lực lượng của địch tuy đã suy yếu, nhưng chúng cũng có thế mạnh riêng của mình, đó là sự thông thuộc địa hình, khả năng ẩn nấp để bất thần tấn công quân ta.
Mặc dù vậy, kẻ địch cũng phải bất ngờ vì những người lính tình nguyện Việt Nam: Chúng khó có thể nghĩ rằng căn cứ của chúng nằm giữa nơi rừng thiêng, nước độc như vậy, nhưng vẫn bị quân ta truy kích tận nơi.
Ngược lại, đối với phía ta thì đó lại là điều bình thường. Tinh thần "đâu có giặc là ta cứ đi" đã trở thành truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Cuối cung quân ta cũng chiếm được căn cứ địch.
Khắp chiến trường K đang ở thời điểm quyết liệt của chiến dịch mùa khô, nên đơn vị tiếp tục hành quân với chiến dịch Z5B, truy quét địch ở Côloa-Tàloc. Trận chiến này tuy không ác liệt bằng những trận trước, nhưng chúng tôi rất đau lòng khi một đồng đội vướng phải mìn hi sinh, trên người còn ghim đầy những mảnh đạn. Anh hi sinh bỏ lại sau lưng những người thân yêu nơi quê nhà đang ngày đêm mong đợi.
Sau đó, chúng tôi lại đưa những khẩu ĐKZ hành quân lên tận đỉnh núi Đăngrết cao chập chùng để truy quét địch. Biết địch có lợi thế khi từ căn cứ trên núi bắn xuống, nên pháo binh ta đồng loạt phát hỏa lên điểm cao 383 - 400 để yểm trợ bộ binh tiến lên.
Tiếng đạn pháo nổ dội vào vách núi vang rền cả một góc trời, những cụm khói đen bốc lên, đất đá bắn tung khắp nơi, cây cối gãy đổ như vừa có một trận bão tràn qua. Kẻ địch tuy rút lui nhưng vẫn chống trả rất quyết liệt, súng đạn nổ vang trời như trong bộ phim chiến đấu.
Ở chiến trường Campuchia, tuy cuộc chiến không tàn khốc, ác liệt như thời kỳ chống Mỹ nhưng cũng rất gay go, nguy hiểm. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất gần, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa.
Kẻ thù vẫn còn đó, súng đạn vẫn nổ khắp nơi trên chiến trường, từ đồng bằng đến vùng rừng núi âm u ... Có biết bao bộ đội tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống nơi chiến trường K máu lửa này.
Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia
Quả đấm thép và cuộc chiến dưới ánh trăng
Năm 1986, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ hành quân đến đóng chốt ở khu vực chùa Ek-phơnum. Nơi đây được xem là điểm chốt tử huyệt, vì địa hình hai bên là đồng trảng, hai bên liền kề với hai phum có địch trà trộn trong dân. Chúng tôi có thể bị tấn công từ bất cứ hướng nào, bất cứ thời gian nào.
Và việc phải đến cũng đã đến. Vào một đêm trăng sáng, địch ém quân một hướng ở đồng trảng, một hướng ở đầu phum phía trước chùa. Từ đầu phum qua một cây cầu nhỏ là vào đội hình của đơn vị.
Đến giữa đêm, dưới ánh trăng địch quan sát thấy chốt gác của ta không có người gác nên một toán đầu tiên bò qua cầu. Chúng không biết rằng người lính gác hôm đó không ngồi ở chốt gác mà dời sang ngồi khuất dưới một lùm cây gần đó, vì ngồi ở chốt gác dưới ánh trăng dễ bị địch phát hiện.
Từ vị trí gác, người lính phát hiện toán địch đang bò qua cầu về phía đội hình đơn vị nên liền nổ súng. Biết bị lộ nên địch nổ súng cấp tập vào đơn vị. Dưới giao thông hào người lính gác tiếp tục bắn về phía địch nên địch không thể tiến lên được.
Tôi giật mình thức giấc sau loạt đạn đầu tiên, nhanh chóng vận động xuống giao thông hào hổ trợ người lính gác. Hướng về phía địch, khẩu súng RPD trên tay tôi rung lên theo những tiếng nổ vang rền.
Ở hướng đồng trảng địch cũng nổ súng vào đội hình ta. Lúc này, đơn vị đã triển khai được đội hình chiến đấu và khẩu ĐKZ đã khai hỏa vào toán địch ở hướng đồng trảng. Tiếng súng tiểu liên xé tan màn đêm tĩnh lặng, thi thoảng đệm thêm tiếng hỏa lực trầm hùng của "quả đấm thép" ĐKZ, liên tiếp dội vào đội hình địch.
Địch bắn cấp tập để tiến lên, nhưng bị ta đánh trả quyết liệt, nên một lúc sau chúng phải rút lui. Thật may mắn, nếu đêm hôm đó người lính gác ngủ gục hay lơ đễnh chủ quan thì có thể đơn vị đã bị xóa sổ khi khoảng cách giữa sự sống và cái chết đã rất gần.
Đến sáng, đơn vị ra kiểm tra phát hiện nơi địch xuất kích có nhiều vết máu. Một người lính trẻ quê Đồng Tháp cũng đi theo kiểm tra khu vực đồng trảng. Khi đến gần bụi hoa màu vàng trên bờ đất, người lính đó phát hiện một quả mìn nằm lăn lóc cạnh bụi hoa nên nhặt lên xem thì một tiếng nổ vang lên. Quả mìn phát nổ trên tay anh, máu đỏ nhuộm lên những cánh hoa vàng văng tơi tả.
Hình ảnh đó in đậm trong tâm trí tôi: Máu đỏ vương lên những bụi hoa vàng. Máu của người lính Việt Nam đổ xuống trên chiến trường Chùa Tháp. Chiến trường Campuchia - Máu và hoa là như thế đó.
Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp bạn
Giã từ màu áo lính
Hơn 3 năm chiến đấu rồi cũng trôi qua. Cuối năm 1987, tôi nằm trong đội hình những người lính tình nguyện rút quân về nước. Qua nhiều năm chiến đấu, được bình an trở về nguyên vẹn với gia đình, với tôi đã là niềm hạnh phúc lớn.
Cho đến hôm nay, cuộc chiến đã lùi xa hàng chục năm, nhưng những ký ức về khoảng thời gian chiến đấu vẫn hiện lên như những thước phim của cuộc đời. Từ sâu thăm thẳm trong tâm hồn, tôi bồi hồi nhớ về những đồng đội đã cùng nhau chiến đấu trên chiến trường K.
Biết bao nhiêu đồng đội từ khi giã từ vũ khí đến nay vẫn chưa lần gặp mặt. Đồng đội ơi đang ở đâu, làm gì, ai còn, ai mất? Lòng bỗng chợt buồn, khóe mắt thoáng cay cay ... Tất cả chỉ còn là những ký ức của một thời chiến đấu hào hùng, máu lửa!