“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải lời nói suông

Thiếu tá Phạm Vân Anh, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng |

Khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải nói suông mà đã trở thành là nét văn hóa quân sự trong những ngày chống dịch Covid-19.

Lực lượng kiểm soát quân sự trên đường phố TP.HCM trong những ngày chống dịch Covid-19

Lực lượng kiểm soát quân sự trên đường phố TP.HCM trong những ngày chống dịch Covid-19

LTS: Một thành phần quan trọng trong lực lượng quân đội tham gia chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua chính là các chiến sĩ nghĩa vụ. Nhiều đồng chí đã phải kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ để dốc sức cho trận chiến với đại dịch. Dù vất vả, hiểm nguy, nhưng đó là chặng đường quí giá của những người lính nghĩa vụ trong thời kì đặc biệt này.

Xin giới thiệu bút kí "Dặm đường vàng" của Thiếu tá Phạm Vân Anh, cán bộ Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, phản ánh nỗ lực quên mình của các chiến sĩ trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Phục vụ hàng ngàn người dân

Ngày xuân, khi biên cương có dịch, chúng tôi đến với Lào Cai. Đón chúng tôi là một chiến sĩ cao nhẳng, tóc húi cua rập gót chào cái "rẹt" khi đang trực ở cổng đồn A Mú Sung.

Chưa kịp hỏi vài câu, đã thấy hai cậu "choai choai" khác dắt hai chiếc xe đạp lao dốc, sau xe gắn hai cái biển nhựa xanh cắt từ phuy đựng nước, đề thật to dòng chữ: QB 2003 và QB 2002.

Mưa lay phay, gió từ dưới sông Hồng thốc lên rét lạnh, cậu chàng đang trực hỏi với "Hai đứa đi chợ hả?". Một cậu dáng người chắc lẳn ngoái đầu "Không, xuống xã A-mờ-sương phát khẩu trang cho đồng bào" rồi quẩy quả đạp xe khuất sau những rặng chuối cao sản đang lá bánh tẻ và màn sương ánh ướt trong mưa. Đúng là A-mờ-sương thật!

“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải lời nói suông - Ảnh 1.

Tác giả - Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Chủ nhân của hai "chiến mã" QB nói trên mà tôi không kịp quen mặt, hỏi tên ấy là đều là thanh niên người Mông vừa tròn 18, 19 tuổi. Chỉ biết các em đang làm nhiệm vụ tại đồn đã được gần 2 năm, chuẩn bị ra quân thì đúng lúc đại dịch rập rình biên giới.

Xe đạp biển QB "sang chảnh" có số hiệu là năm sinh của các em, là phương tiện đưa các em lên chốt, về đồn, xuống bản, lăn xả cùng cán bộ của đồn để lo cho nhân dân chống dịch.

Các em bám chốt hỗ trợ chỉ huy mỗi khi có yêu cầu, bám bản cẩn thận đo thân nhiệt, phát khẩu trang y tế kháng khuẩn, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế từng người một.

Lúc tiếng Việt, khi phát "sóng ngắn" tiếng Mông, tiếng Dao, những trẻ trai mưởi tám, đôi mươi ấy mặt non tơ cứ kiên trì hướng dẫn, nhẹ nhàng nhắc nhở bà con tuân thủ quy định, nhưng cũng rất kiên quyết không bỏ qua những hành vi phản ứng, coi thường việc chống dịch của người dân.

Tôi cũng đã xót xa khi đến thăm các cơ sở cách ly của Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn những ngày hè nóng cháy 2020. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 123, và Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn phải căng mình đảm bảo ăn, nghỉ cho khoảng 1.400 người nhập cảnh về nước tránh dịch.

Trong cái nóng ẩm bí bức của đêm hè biên giới, những người lính trẻ mới năm ngoái còn trên ghế nhà trường, giờ nằm thiếp lặng ngoài hành lang trong giấc ngủ bù, trên người vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ.

Chưa đầy 100 chiến sĩ phục vụ 1.001 các loại đề nghị, yêu cầu của người cách ly và đảm bảo ngày 3 phần ăn tươm tất, đủ dinh dưỡng cho cả nghìn người là một nỗ lực rất lớn.

Đều đặn lúc 3 giờ sáng, các anh nuôi "nghiệp dư" của Trung đoàn 123 bật dậy chuẩn bị tiếp nhận thực phẩm, sơ chế và nấu bữa sáng. Đội bưng bê mang từng khẩu phần ăn đến trao tận tay mỗi người dân. Sau đó tiếp tục rửa dọn và chuẩn bị bữa trưa, rồi bữa tối … Quần như đèn cù đến 9h tối mới có thể tắm giặt, nghỉ ngơi.

Binh nhất Lương Hồng Nhiên, Trung đội Phục vụ, Ban Hậu cần, Trung đoàn 123 tâm sự: "Lúc mới nhận nhiệm vụ, em cũng khá lo lắng, nhưng sau khi được quán triệt, phổ biến rõ về tình hình dịch bệnh, cơ chế lây nhiễm, cách bảo vệ bản thân, em và đồng đội đều xác định đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, phấn đấu để người dân có bữa ăn ngon, không để ai bị đói…"

“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải lời nói suông - Ảnh 3.

Khu cách ly Trung đoàn bộ binh 123, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy ...

Và mùa thu năm 2021, tôi xao xuyến biết bao nhiêu khi sớm mai thức dậy, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những người lính áo xanh trên các giao lộ giữa Sài Gòn lộng gió. Tất thảy quân trang trên vai, mũ trên đầu, tay ôm súng bước đều tăm tắp rồi tỏa dần vào mỗi dãy phố, con đường.

Ôi sao mà thương, sao mà quý những chàng trai của chúng ta đang đi vào vùng dịch, bước đều đến mức ngay cả cái bóng nắng cũng thẳng hàng, giọt mồ hôi rơi cũng cùng lối… Các anh về mái ấm nhà vui, những ngôi trường trở thành nơi đóng quân ở tạm mà tác phong vẫn chuẩn chỉnh gọn gàng ngăn nắp.

Tôi như cảm nhận được cái không khí thanh xuân và căng tràn nhiệt huyết trong những người lính trẻ da sạm nắng, gầy hao sau những tháng miệt mài bám thao trường, bãi tập để "Tổ quốc không bất ngờ, bị động".

Và cả cái giọng miền Tây kẹo dừa - vừa ngọt vừa dẻo của chiến sĩ Võ Duy Trường, quê Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, học viên Trường Hạ sĩ quan Tăng - thiết giáp, đang tăng cường giúp Quận 12 chống dịch lý giải đến chết cười:

"Bọn em được Đại trưởng huấn luyện kỹ lắm. Đứng là ngay hàng thẳng lối, bước là đều nhịp bằng vai. Bất cứ trường hợp nào cũng "kiến cắn không xoa, gái đi qua không nhìn".

Ai đó từng nói, quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm.

Và khẩu hiệu "Kỷ luật là sức mạnh của quân đội" không phải nói suông mà đã trở thành là nét văn hóa quân sự.

Đối với hàng ngàn chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ của các quân khu, quân chủng, gần hai năm tham gia chống dịch, vất vả, nguy hiểm đấy, đau thương, bất lực đấy… nhưng đó là một "dặm đường vàng" không phải ai cũng có thể trải nghiệm.

Trên dặm đường đó, là mồ hôi rơi cùng nắng lửa thao trường, là những mệt nhoài sau phiên gác hàng đêm, là những phút tư duy, tự sáng tạo ra cách làm hay để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn, để trưởng thành hơn qua mỗi ngày, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình, đơn vị và nhân dân.

Sự xuất hiện của những thanh tân phơi phới ấy đã khiến nhà văn Hoài Hương, một người sống giữa tâm dịch phải bật thốt: "Vâng! Chỉ mới hai ngày thôi, nhưng tình hình thành phố đã quy củ hơn, ít sự lộn xộn bởi những cuộc ra phố không lý do chính đáng, do chính sự có mặt rất nghiêm lệnh của lực lượng quân đội.

Những gương mặt trẻ, rất trẻ, nhưng đều toát ra khí chất của những quân nhân có tính kỷ luật cao, nhưng cũng rất thân thiện, rất ấm áp và kiên nhẫn khi hướng dẫn người dân chấp hành lệnh giãn cách.

Theo một thống kê nho nhỏ, chỉ ngày đầu tiên có lực lượng áo xanh "xuất trận", mật độ giao thông của thành phố đã giảm 85% so với những ngày trước, các chốt giao thông được khóa chặt và kiểm soát gắt gao hơn."

“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải lời nói suông - Ảnh 6.

Lứa tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy / Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường

Chiến sĩ làm "ông đỡ"

Ngày 29 tháng 8, Trung sĩ Nguyễn Văn Tĩnh, học viên lớp CSHS-LT26, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Binh nhất Đỗ Vũ Thắng, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, Quân khu 7 được tăng cường về quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch đã giúp một sản phụ ở phường Bình Hưng Hoà B "mẹ tròn con vuông".

Tôi vội gọi cho người em là Đại úy Đoàn Quang Tuấn, trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp của Đỗ Vũ Thắng để phỏng vấn "ông đỡ" này. Kể lại câu chuyện, giọng nói của cậu chiến sĩ còn cà lắp như thể đang phụ đỡ đẻ, vì đã có người yêu đâu mà "hỏi khó", mà bảo tả này tả nọ.

Rồi Thắng khoe em được tặng giấy khen, ba má ở nhà biết tin cũng mừng, gọi điện dặn dò đủ điều.

Và tuổi 20 ở đâu cũng có những rung động đầu đời, những mối tình "yêu xa" của cánh chiến sĩ mới. Ở Đồn biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa những ngày cùng cả nước chống dịch, trong dịp Tết Độc lập 2/9, có một chàng trai 18 tháng tuổi quân đã đề nghị với chỉ huy của mình một việc rất đáng yêu.

Lộc Văn Nghĩa, người dân tộc Thái từ vùng biên Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, lăn lộn suốt cả năm trên chốt biên phòng tham gia ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch. Em là một "chuyên gia" trồng rau, nuôi gà và hái quả rừng.

Ngoan ngoãn, tháo vát đến mức chỉ huy ghi nhận, các chú trong đồn yêu thương, cử đi học cảm tình Đảng để có thể kết nạp em trước khi ra quân, trở thành điểm tựa mới của quê hương Hiền Kiệt.

“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải lời nói suông - Ảnh 8.

Lực lượng quân đội triển khai chống dịch ở TP.HCM

Lời đề nghị của Nghĩa được Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, cán bộ Đồn biên phòng Tam Chung, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa kể lại rất hóm hỉnh:

"Chú ơi ? Chú đi đâu mà bọn cháu tìm chú mãi."

- "Có việc gì à?"

- "Dạ, có. Cháu hẹn bạn gái cháu tết Độc lập lên thăm đồn mà dịch không đi được. Bạn gái cháu bắt đền cháu."

- "Đền cái gì, dịch giã này mà còn..."

"Không chú ơi, chú nghe cháu nói hết. Bạn cháu bắt cháu phải hát cho nghe một bài. Không là...là...cuối năm nay hoàn thành nghĩa vụ bọn cháu cưới."

- "À, nhưng các cháu hát nhạc của các cháu chú không đánh được đàn đâu."

- "Không chú ơi. Cháu và bạn gái cháu chỉ thích hát nhạc đỏ thôi.".

Vậy là ghi ta gỗ phừng phừng, chàng lính vừa biết yêu đắm đuối hát "Gửi em ở cuối sông Hồng" tặng người thương nơi quê nhà. Chưa bàn chuyện hay dở, chỉ thấy tình yêu đất nước hòa trong tình yêu người lính giản dị mà ấm áp.

"Cuối năm nay chúng em hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng nếu quân đội cần chúng em ở lại giúp nhân dân chống dịch thì chúng em vẫn sẵn sàng" - những chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn thông tin 18, Sư đoàn 5, Quân khu 7 vừa miệt mài đẩy hàng trên những chiếc xe thồ vừa nói như thế, cho chúng ta quyền tin vào một thế hệ trẻ biết xả thân và cống hiến.

Một hành trình vượt qua chính mình đã hoàn thành, để lại biết bao điều tốt đẹp và cả những trải nghiệm không quên cho tuổi trẻ, là quãng thời gian tạo dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời của các em khi tham gia nghĩa vụ quân sự, là hành trang quan trọng giúp những chàng trai của chúng ta vững vàng hơn trên chặng đường phía trước.

Mai này hết dịch, có những chiến sĩ sẽ trở về với gia đình, có người sẽ tiếp tục lăn lộn với nghề "bảo vệ Tổ quốc". Nhưng những ngày sống đẹp nhất của các em, có lẽ chính là tuổi 20 trong trẻo, yêu thương và trách nhiệm trên tuyến đầu hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại