Ngày của lính, về thăm nhà người Anh hùng xe tăng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ nhô người lên quan sát thì trúng đạn gục xuống. Xe tăng ta đánh tràn qua cầu, nhưng người Anh hùng đã nằm lại cửa ngõ Sài Gòn.

Bộ đội Tăng - thiết giáp Việt Nam hôm nay luôn ghi nhớ và kế thừa truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh.

Bộ đội Tăng - thiết giáp Việt Nam hôm nay luôn ghi nhớ và kế thừa truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh.

Nhân dịp 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), các chiến sĩ Tiểu đoàn xe tăng 1, Lữ đoàn 203 đã về thăm nhà Tiểu đoàn trưởng của mình: Đại úy, Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Nhỡ.

  Các anh như vẫn còn hiện hữu nơi quê hương

Năm nay thời tiết hơi lạ. Đã cuối tháng 12, trời đã vào Đông từ lâu mà vẫn ấm, nắng vàng như mật ong. Con đường 296 từ phố Nỉ (Sóc Sơn, Hà Nội) về thị trấn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã được mở rộng nhiều so với vài năm trước. Đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp nhưng nhịp sống nơi đây vẫn hối hả, chỉ có điều người dân nào cũng đeo khẩu trang gần kín mặt.

Ngày của lính, về thăm nhà người Anh hùng xe tăng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhân dịp ngày kỉ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, chúng tôi - những cựu chiến binh của Binh chủng thép - tìm về thăm quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Ngô Văn Nhỡ, người tiểu đoàn trưởng tài ba, dũng cảm của Tiểu đoàn xe tăng 1, Lữ đoàn 203.

Tiểu đoàn xe tăng 1 của Ngô Văn Nhỡ chính là đơn vị dẫn đầu Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 vào giải phóng Sài Gòn, và người anh hùng đã hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/04/1975, chỉ cách chiến thắng cuối cùng vài giờ đồng hồ ngắn ngủi.

Xã Đức Thắng - quê hương của liệt sĩ, AHLLVTND Ngô Văn Nhỡ - vừa mới được sáp nhập vào Thị trấn Thắng từ năm ngoái.

Thực ra, Thị trấn Thắng được thành lập năm 1957 vốn tách ra từ xã Đức Thắng. Và đến năm 2020 thì xã Đức Thắng lại được nhập vào thị trấn. Trước sau thì cũng mảnh đất ấy mà thôi, coi như "Châu về Hợp Phố".

Thị trấn Thắng - huyện lỵ của huyện Hiệp Hòa dường như đã có sự lột xác trong mấy năm qua. Các con đường được mở rộng, phố xá được chỉnh trang. Đặc biệt, trung tâm thị trấn là Ngã Sáu - nơi hội tụ 6 con đường, nổi bật trên đó là tượng đài truyền thống cách mạng của mảnh đất này: người du kích một tay cầm mã tấu, một tay giương cao lá cờ.

Không biết có phải mới "lên thị trấn" hay không mà đường vào các thôn xóm - nay gọi là các Tổ dân phố của phường Đức Thắng đã được bê tông hóa 100%.

Đường khá rộng rãi, ô tô có thể vào đến tận các khu dân cư xa nhất. Rất nhiều nhà xây theo kiểu biệt thự còn tươi màu sơn mới.

Trái ngược với sự huyên náo của phố phường cách đó không xa là không khí trong lành, yên tĩnh tại khu vườn của cụ Ngô Văn Lẫm - thân sinh anh hùng Ngô Văn Nhỡ. 

Khu đất ấy nay được chia ra cho ba người con trai của cụ sinh sống mà vẫn rất rộng rãi. Tất cả ngợp trong màu xanh của những cây nhãn, cây vải lực lưỡng, tươi tốt.

Ngôi nhà cũ của cụ Lẫm nay đã được làm lại ngay trên nền nhà cũ và được dùng làm nhà thờ của gia đình. Trên bàn thờ, ba bát hương dày đặc chân hương uy nghi ba bức tượng đồng của cụ Ngô Thị Thắng - chị của cụ Lẫm, chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa; của cụ Ngô Văn Lẫm và cụ Ngô Thị Sửu.

Trên bức tường ở phía sau là tấm ảnh ba liệt sĩ: Liệt sĩ Ngô Văn Đồng, Liệt sĩ - AHLLVTND Ngô Văn Nhỡ, và Liệt sĩ Ngô Văn Hảo. Cả ba đều còn rất trẻ trong bộ quân phục màu xanh lá.

Phía trước nhà thờ, nơi cuối vườn là nghĩa trang gia đình. Ở đó có 6 ngôi mộ, là nơi an nghỉ của cụ Ngô Thị Thắng, cụ Ngô Văn Lẫm, cụ Ngô Thị Sửu cùng ba người con liệt sĩ:

Liệt sĩ Ngô Văn Đồng - con trai cả trong gia đình, nhập ngũ năm 1959, hi sinh tháng 1 năm 1973 - ngay trước ngày ký Hiệp định Paris, khi đang là Trợ lý tham mưu trung đoàn tại Hiệp Đức, Quảng Nam. Anh hi sinh và chỉ để lại trên đời một mụn con gái. Vợ anh đã ở vậy thờ chồng nuôi con.

Liệt sĩ Ngô Văn Hảo - con thứ tư trong gia đình, nhập ngũ tháng 1 năm 1967, hi sinh tháng 8 năm 1968 tại Bến Cát, Bình Dương khi đang là Tiểu đội trưởng. Anh hi sinh khi mới ngoài 20 tuổi, chưa kịp có gia đình, vợ con.

Liệt sĩ - AHLLVTND Ngô Văn Nhỡ, nhập ngũ năm 1963, hi sinh ngày 30/04/1975 - ngay trước giờ toàn thắng trước cửa ngõ Sài Gòn khi đang là Tiểu đoàn trưởng xe tăng dẫn đầu binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 vào nội đô.

Ngày của lính, về thăm nhà người Anh hùng xe tăng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn - Ảnh 3.

Ba liệt sĩ trong gia đình Anh hùng Ngô Văn Nhỡ

Trên đường tiến quân, nhận thấy ngồi trên bọc thép để chỉ huy khá bất tiện, Ngô Văn Nhỡ rời xe, nhảy lên chiếc xe tăng số 912 để tiến lên đầu đội hình, tiện cho chỉ huy đơn vị.

Đến cầu Sài Gòn, kẻ địch dùng nhiều lực lượng xe tăng, tàu chiến, bộ binh … điên cuồng chống trả, lại có thêm 2 chiếc máy bay A-37 ném bom. Hai xe tăng ta đi đầu trúng đạn, bốc cháy.

Không gian đặc quánh mùi sắt thép cháy, khói lửa mịt mù. Ngô Văn Nhỡ bật cửa đứng dậy nhô người trên tháp pháo quan sát tình hình để chỉ huy bộ đội. Nhưng một viên đạn đã bắn trúng đầu anh.

Kíp xe 912 bàng hoàng thấy người tiểu đoàn trưởng thân yêu đã hi sinh ngay tại vị trí chỉ huy, trưởng xe gào lên trên điện đài cho toàn đơn vị: "Anh Nhỡ đã hy sinh! Bắn mạnh vào, trả thù cho tiểu đoàn trưởng!".

Thi hài người anh hùng được đưa xuống vệ đường bàn giao cho bộ phận chính sách. Những người khâm liệm cho anh kể lại: Ngay cả khi đã chết, gương mặt người tiểu đoàn trưởng dường như vẫn đang mỉm cười.

Hình như anh đã biết, ở quê nhà một sinh linh mới - Ngô Văn Việt, con trai anh đã chào đời chưa đầy một tháng trước.

Từ chiến trường miền Nam máu lửa xa xôi, các anh đã quy tụ về đây trên mảnh đất của quê hương, trong vòng tay của cha mẹ, người thân và dường như các anh vẫn luôn hiện hữu ở nơi đây.

Ngày của lính, về thăm nhà người Anh hùng xe tăng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn - Ảnh 5.

Khu nghĩa trang gia đình nơi Anh hùng Ngô Văn Nhỡ an nghỉ

Ngôi nhà không quạnh vắng của người Anh hùng  

Cách đó không xa, ở khu dân cư bên cạnh, là ngôi nhà của chị Quách Thị Loan, người vợ của Liệt sĩ - AHLLVT Ngô Văn Nhỡ. Ngôi nhà được khánh thành ngày 30/04/2005.

Vừa bước vào nhà, đập vào mắt mọi người trước tiên là bức tượng đồng của Liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ đặt trang trọng dưới tấm bằng Anh hùng LLVTND. Ngay cạnh đó là chiếc xắc cốt da, kỷ vật của anh để lại.

Ngày của lính, về thăm nhà người Anh hùng xe tăng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn - Ảnh 6.

Bức tượng đồng bán thân và di vật của Anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ

Ngôi nhà nằm ngay cạnh con đường làng mới rải bê tông, phía sau là một khu vườn rộng với rất nhiều cây cối.

Khách đến vừa mới yên vị, chị đã mang ra một rổ chuối đãi khách. Những quả chuối to nần nẫn như cổ tay chứng tỏ đất ở đây rất tốt và người trồng cũng rất mát tay chăm bón.

Chị Quách Thị Loan năm nay đã ngoài tuổi 70, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn vương vấn nét đẹp thời xuân sắc. Ngồi hỏi chuyện chị, chị kể rành rẽ từng kỷ niệm nhỏ nhất về người chồng thân yêu của mình.

Có lẽ, do thời gian gần nhau quá ít nên với chị, mỗi khoảnh khắc được gần nhau cho đến giờ vẫn như mới hôm qua và trở thành kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí.

Thì đấy, anh chị cưới nhau tháng 9 năm 1973, ở nhà vài ngày anh lại vào chiến trường rồi hi sinh ngày 30 tháng 4 năm 1975.

May sao, có hơn 1 tháng chị theo xe đơn vị lặn lội vào Quảng Trị thăm anh. Tính chi ly, anh chị chỉ được gần nhau chừng 2 tháng là cùng.

Cũng thật may, chuyến đi "liều lĩnh" vào miền đất lửa Quảng Trị thăm chồng năm ấy đã đem lại cho anh chị món quà vô giá - cậu con trai Ngô Văn Việt đã ra đời tháng 3 năm 1975, khi anh còn đang rong ruổi trên khắp chiến trường miền Duyên Hải.

Ngày của lính, về thăm nhà người Anh hùng xe tăng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn - Ảnh 7.

Vợ và con trai duy nhất của Anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ

Chị kể với giọng đầy tự hào: "Cháu nó ở Gia Lâm nhưng hay về thăm tôi lắm. Nhất là từ ngày dịch giã đến nay, cháu về tham gia xây dựng một số công trình ở địa phương. Hôm nay, nó cũng về đấy! Hình như nó đem mấy cái ghế đá về tặng cho làng thì phải".

Có tiếng chào xởi lởi ngoài sân. Thì ra mấy bà hàng xóm sang chơi. Chị Loan khoe:

"Ở một mình nhưng cũng không buồn lắm. Làng quê giờ người trẻ đi hết, còn lại toàn người già. Thế là xong việc nhà, mấy bà lại đến thăm nhau, chuyện trò đủ thứ. Các bác, các chú thím trong nhà cũng thường qua lại hỏi thăm. Chị còn tham gia câu lạc bộ thơ Hương Quê nên cũng vui lắm".

Đúng lúc ấy, Ngô Văn Việt cũng về tới nhà. Nhìn gương mặt cương nghị của con trai người anh hùng, những người lính cũ của anh tưởng như Tiểu đoàn trưởng của mình đang ngồi trước mặt. Đúng là "giỏ nhà ai, quai nhà ấy!".

Chiều đã xuống. Đã đến lúc phải ra về. Những người lính cũ của Tiểu đoàn trưởng xe tăng Ngô Văn Nhỡ xin phép tạ từ. 

Lúc chia tay, họ chỉ biết hướng về nơi ba ngôi mộ liệt sĩ cầu chúc các anh yên nghỉ cõi vĩnh hằng. Những người thân và đồng đội không bao giờ quên các anh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại