Chỉ trong một thời gian ngắn, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp trẻ em bị ngã vào nồi nước sôi khi gia đình nấu nước uống, nấu bánh, nấu nha đam, trà,… để kinh doanh mùa Tết.
Đa số trẻ em được đưa đến cấp cứu đều bỏng sâu với cấp độ 2, 3, hầu hết da trên người đều bị tuột xuống do người nhà cấp cứu không đúng cách. Nhiều trẻ bị nhiễm trùng máu, sốc phỏng, các bộ phận trên cơ thể bị biến dạng. Thậm chí, trong số đó có trẻ đã tử vong.
Càng gần đến tết, trẻ em bị phỏng (bỏng) càng tăng.
Vừa quay đi, con đã gặp tai nạn
Chị Nguyễn Khánh My, 32 tuổi, ngụ tại Nha Trang chia sẻ, trong lúc chị đang nấu nước sôi để pha sữa, con gái chị là bé Đ.M.H (7 tháng tuổi) trườn tới bên mẹ. Lúc này chị My quay lưng lại phía con nên không hay biết, do bếp nấu đặt ở dưới đất nên bé với tay nghịch khiến cả nồi nước đổ ụp lên người con.
Dù được đưa đến bệnh viện ngay khi tai nạn xảy ra, nhưng bé H. vẫn bị phỏng nặng, nhiễm trùng cần phải điều trị lâu dài.
Tương tự với trường hợp của chị My, chị Phạm Thị Hường, 26 tuổi, quê Kiên Giang không khỏi rùng mình khi chia sẻ về tai nạn của con mình. Ngày 26/12/2016, trong lúc chị Hường nấu nước sôi để sử dụng, thì bé L.T.T.N (4 tuổi) đùa giỡn với anh trai phía bên ngoài.
Khi nước sôi, chị Hường mang nồi nước đặt xuống nền nhà, rồi đi tìm quạt để hạ nhiệt nồi nước. Khi chị Hường quay ra thì hoảng hốt thấy con đã ngồi nguyên người trong nồi nước sôi.
"Từ trước đến nay, khi nấu nước bao giờ tôi cũng kêu con ra ngoài chơi, không cho lại gần bếp. Hôm đó vì anh trai cháu được nghỉ, nên hai anh em giỡn với nhau. Bị anh của nó rượt đuổi, con bé chạy vào bếp tìm mẹ. Nghe con khóc tôi chạy ra thì thấy bé đang lay hoay trong nồi nước tôi vừa đun sôi", chị Hường nhớ lại.
Nằm ở BV tỉnh 6 ngày, bé H. được đưa đến BV Nhi Đồng 1 TPHCM, bé H. bị phỏng cấp độ 3, diện tích phỏng 40%. Bé bị nhiễm trùng nặng, sốc phỏng, mất dịch, tổn thương đa cơ quan nhất là bộ phận sinh dục và hậu môn, có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Để cứu bé H., các bác sĩ tại bệnh viện phải lập tức mở hậu môn nhân tạo, cắt lọc da hoại tử, phẫu thuật cắt lọc mô chết, truyền nước khẩn cấp,…
Bác sĩ Diệp Quế Trinh cho biết: "Hiện tại bé H. đã qua cơn nguy kịch nhưng phải điều trị lâu dài thì bé mới có thể bình phục được. Tuy nhiên, di chứng để lại sẽ rất nặng nề.
Ngoài việc vượt qua mặc cảm về sẹo trên cơ thể, tâm lý khi bị phỏng, bé H. còn phải đối mặt với các vấn đề về sinh lý sau này vì cả phần dưới của bé đều tổn thương rất nặng".
Mùa Tết là "mùa phỏng"
Trường hợp của bé H.N.H.G (2 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) nặng nề hơn, trong lúc chị Đặng Thị Ngọc Giàu (31 tuổi, mẹ của bé H.) nấu nước nha đam để bán dạo thì nhờ ba của bé trông coi.
Khi nước nha đam vừa nấu xong, chị Giàu vừa đổ tất cả ra thau, quay lưng đi thì nghe tiếng khóc ré của con. Chạy đến cứu con, chị Giàu cũng bị phỏng cả bàn tay.
"Vì gần Tết nên tôi tranh thủ nấu nha đam bán thêm cho những người bán cây cảnh ven đường, lúc nấu thức uống, tôi luôn nhờ ba của bé trông coi con. Hôm đó ba của bé cũng ở ngay cạnh, nhưng tình huống xảy ra quá nhanh nên không kịp xử lý.", bị Giàu nghẹn ngào.
Chị Giàu đang mang thai hơn 6 tháng nhưng vẫn túc trực ở bệnh viện chăm con. Xung quanh con chị còn rất nhiều bé khác bị phỏng nặng nên phải cách ly điều trị.
Bé G. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng phỏng cấp độ 2, 50% diện tích cơ thể, bị nhiễm trùng, viêm phổi,… Tuy đã nằm viện một thời gian nhưng cả người của G. vẫn còn sưng phù, mụn nước.
Theo bác sĩ Trinh, sau khi bình phục, bé G. cần phải tập vật lý trị liệu để hồi phục một số chức năng vì di chứng để lại.
Bác sĩ Trinh cho biết: "Tết đang đến gần cũng là lúc khoa phỏng của bệnh viện bận rộn hơn vì có rất nhiều trẻ bị tai nạn. Tuy nhiên, khi tai nạn xảy ra, người nhà không biết cách cấp cứu khiến vết phỏng bị nhiễm trùng nặng, hoại tử, bỏng sâu,… để lại di chứng vô cùng nặng nề, không chỉ là sẹo mà còn về tâm sinh lý của trẻ."
Theo bác sĩ Trinh, một trong những sai lầm phổ biến khi cấp cứu trẻ bị phỏng là người lớn thường bôi lá cây, nước mắm, kem đánh răng, thậm chí là nhọ bồi, tro,… vào vết thương.
"Người lớn chỉ cần rửa vết phỏng của trẻ dưới vòi nước, hoặc đặt cả người trẻ vào xô nước, thau nước sạch ít nhất 10 phút để hạ nhiệt vị trí phỏng hoặc đưa ngay trẻ vào bệnh viện gần nhất.
Tuyệt đối không bôi bất kỳ dung dịch hay các chất khác vào vết thương, vì khi bé bị phỏng, ngay tại vết thương là ngõ vào của vi trùng. Nếu sơ cứu không đúng cách, người nhà càng khiến trẻ bị tổn thương nặng nề hơn", Bác sĩ Trinh khuyến cáo.
Tại BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, số lượng trẻ bị phỏng tăng rất cao vào dịp Tết. Mỗi ngày khoa Phỏng - Tạo hình tiếp nhận hàng trăm trẻ em bị phỏng. Trong đó ít nhất khoảng 20 ca phỏng nặng phải điều trị lâu dài. Hầu hết nguyên nhân là phỏng nước sôi, thức ăn nóng.
Bác sĩ Diệp Quế Trinh – Bác sĩ Khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyến cáo:
- Tết là dịp trẻ em được nghỉ tết, vui chơi thoải mái. Cũng là một trong những mùa bận rộn nhất của người lớn, khi cha mẹ vừa phải đi làm, buôn bán và dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, người lớn nên thay phiên nhau cử một người để trông trẻ.
- Trẻ em vốn hiếu động, người lớn nghĩ là trẻ đang ngồi chơi trong tầm kiểm soát của mình, nhưng chỉ 1 giây thôi cũng đủ để tai nạn ập đến. Nhất là đối với gia đình làm nấu bánh tết, kinh doanh thức uống,…
- Phỏng thường gặp nhất là ở trẻ từ 2-6 tuổi, vì đây là giai đoạn trẻ hiếu động và ưa khám phá, chưa nhận thức được nguy hiểm, hành động của trẻ rất nhanh và không có biểu hiện báo trước để người lớn cảnh giác.
- Khi trẻ bị phỏng, người lớn cần đưa trẻ ra khỏi vùng bị tai nạn càng nhanh càng tốt, nên để vết thương dưới vòi nước sạch ít nhất 10 phút để hạ nhiệt độ. Điều này rất quan trọng vì càng được hạ nhiệt độ, vùng phỏng càng nhiều cơ hội cứu chữa.
- Thông thường trẻ bị phỏng cấp độ 2, 3, tùy theo tai nạn mà diện tích phỏng to hay nhỏ. Tuy nhiên, dù phỏng như thế nào, người nhà cũng không được tự ý bôi các loại thuốc dân gian, nước mắm, lá cây, tro,.. chỉ làm tăng thêm khả năng nhiễm trùng vết phỏng.
- Nếu đã bôi những chất kể trên vào vết phỏng, khi đưa trẻ vào cấp cứu, người lớn nên nói thật để các bác sĩ xử lý kịp thời. Đã có trường hợp trẻ bị nhiễm trùng nhưng gia đình nhất quyết không cung cấp thông tin cho bệnh viện khiến việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn.
- Khi vết phỏng bị bóng nước, chỉ cần để khoảng 3 – 4 ngày bóng nước sẽ tự lành. Không tự ý dùng kim may đồ hay bất kỳ vật nhọn gì để phá vết phỏng. Dù một vết phỏng nhỏ nhưng nếu nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến tử vong.
- Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thay băng, vệ sinh vết phỏng, thay băng vùng phỏng. Nếu không biết cách hoặc không giữ vệ sinh vùng phỏng sẽ nhiễm trùng ngay. Đã có những trẻ phỏng ít nhưng vì phụ huynh khinh suất dẫn đến nhiễm trùng máu, sốc nặng và tử vong.
- Khi di chuyển trẻ đến bệnh viện, cần dùng khăn ướt, sạch để quấn quanh trẻ để hạn chế bụi bẩn. Trên đường đi tránh gây sốc cho trẻ để hạn chế da trơn tuột. Diện tích phỏng càng lớn, càng nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
- Khoảng 90% trẻ bị bỏng đều để lại di chứng sẹo, co rút cơ quan vận động như: khớp tay, chân,… Trường hợp nặng, trẻ không còn da để ghép thẩm mỹ sau này, hạn chế một số chức năng, dính tầng sinh môn,… Khi trẻ lớn lên, không chỉ mặc cảm về ngoại hình, mà còn ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý.
Vì vậy, người lớn cần để mắt, giải thích cho trẻ về nguy hiểm khi tiếp túc với lửa, than, nước nóng để trẻ tự hạn chế, không đến và cẩn thận khi tiếp xúc. Nên cử ra một người giữ trẻ khi công việc quá bận rộn, chỉ cần một chút sơ suất sẽ gây ra hậu quả nặng nề sau này.