Tuy nhiên, vấn đề lỗi mối hàn của ống phóng tên lửa dự kiến được trang bị cho tàu ngầm thế hệ mới đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng đình trệ dự án này.
Sát thủ đại dương
Theo kế hoạch, công tác đóng tàu ngầm lớp Columbia sẽ được bắt đầu vào năm 2021. Chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 12 chiếc thuộc chương trình phát triển tàu lớp Columbia cần phải gia nhập lực lượng tàu ngầm Hải quân Mỹ vào năm 2028.
Với chiều dài khoảng 170m và lượng choán nước hơn 20.000 tấn, tàu ngầm lớp Columbia sẽ được trang bị 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ thứ 4 Trident II với tầm bay hơn 11.000km.
Trident II có thể mang theo 8 đầu đạn tự dẫn có công suất 475 kiloton hoặc 14 đầu đạn với công suất 100kiloton.
Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, chương trình tàu ngầm lớp Columbia được ước tính tiêu tốn hơn 120 tỷ USD, trong đó có tính cả chi phí nghiên cứu khoa học và phát triển. Cụ thể, trung bình, mỗi chiếc tàu lớp này sẽ có giá khoảng 6 tỷ USD.
Tàu ngầm USS Pennsylvania thuộc lớp Ohio của Hải quân Mỹ. Nguồn: Public Domain.
Một trong những tính năng nổi bật của tàu ngầm thế hệ mới này là lò phản ứng hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu trong suốt vòng đời phục vụ.
Ngoài ra, điểm quan trọng trong thiết kế của tàu ngầm lớp Columbia là hệ thống đẩy chạy bằng điện cùng đuôi tàu hình chữ X.
Sự cải tiến này sẽ làm giảm đáng kể mức độ tiếng ồn do tàu ngầm lớp Columbia gây ra khi di chuyển và khiến cho con tàu thuộc lớp này trở thành một trong những tàu ngầm khó bị phát hiện trên thế giới.
Dự kiến, tàu ngầm lớp Columbia sẽ thay thế tàu ngầm lớp Ohio, mang theo 24 tên lửa đạn đạo liên lục địa và phục vụ Hải quân Mỹ đã hơn 30 năm.
Điều đáng chú ý là tàu ngầm lớp Columbia sẽ là tàu ngầm đầu tiên trên thế giới mang lại sự thuận tiện và thoải mái cho cả nam và nữ.
Trước đây, Hải quân Mỹ không cho phép phụ nữ phục vụ trên tàu ngầm. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị huỷ bỏ vào năm 2010. Ngày nay, có 130 nữ thuỷ thủ và sĩ quan phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ.
Trên tàu ngầm mới sẽ có phòng tắm và nhà vệ sinh dành riêng cho nữ. Ngoài ra, tất cả các màn hình điện tử và các bảng thông tin sẽ được đặt thấp hơn so với các tàu ngầm khác…
Trở ngại ban đầu
Được công nhận là một trong những dự án đắt đỏ nhất, chương trình tàu ngầm lớp Columbia đã gặp trở ngại trên chặng đường phát triển khi các ống phóng tên lửa dự kiến trang bị cho tàu bị phát hiện lỗi vết hàn.
Các ống phóng tên lửa do Tập đoàn BWXT sản xuất với mối hàn kém chất lượng có thể làm trì hoãn tiến độ hoàn tất chương trình tàu ngầm lớp Columbia mà có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ về mặt răn đe hạt nhân.
Theo Defense News, ông Bryan Clark, một sĩ quan tàu ngầm Mỹ nghỉ hưu và là nhà phân tích của Trung tâm Phân tích và Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Mỹ nhận định: "Đây không phải là dấu hiệu tốt cho chương trình thu hút nhiều sự chú ý và là ưu tiên số một của Hải quân. Đó là một thất bại sớm về trang thiết bị vũ khí quan trọng đối với tàu ngầm".
Mẫu phác thảo tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia của Hải quân Mỹ. Nguồn: Public Domain.
Về phần mình, ông Joe Courtney, đại diện nhà thầu General Dynamics Electric Boat-đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp ống phóng tên lửa cho chương trình tàu ngầm lớp Columbia, nhấn mạnh: "Mối hàn là yếu tố sống còn trên các tàu ngầm. Chúng ta không thể sử dụng những mối hàn bị lỗi hoặc kém chất lượng".
Ông cũng yêu cầu Hải quân Mỹ và ngành công nghiệp đóng tàu nước này cần kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm sản xuất theo dây chuyền, theo Sputnik.
Vấn đề mối hàn không đạt tiêu chuẩn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đóng các tàu ngầm khác như tàu nhầm hạt nhân đa nhiệm lớp Virginia.
Trong thiết kế của tàu nhầm lớp Virginia, các nhà phát triển cũng sử dụng cùng một loại ống phóng như của tàu ngầm lớp Columbia.
Đây không phải là lần đầu tiên người Mỹ gặp vấn đề trong việc tạo ra vũ khí hải quân. Chiếc tàu khu trục lớp Zumwalt đầu tiên (DDG-1000) gia nhập Hải quân Mỹ vào ngày 16/10/2016.
Nhưng 1 tháng sau, ngày 21/11, chiếc tàu này đã bị chết máy ở Kênh đào Panama trên đường đến San Diego. Tàu khu trục này đã được kéo về cảng. Tại đó, người ta phát hiện hệ thống làm mát dầu của chiếc tàu này bị trục trặc.
Ngoài ra, những lỗi kỹ thuật nghiêm trọng cũng xảy ra với máy phát điện của USS Michael Monsur (DDG-1001)- tàu khu trục thứ hai thuộc lớp Zumwalt.
Tàu sân bay mới nhất USS Gerald R.Ford của Hải quân Mỹ cũng vướng phải vấn đề lỗi kỹ thuật.
Theo kế hoạch, con tàu này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019. Tuy nhiên, do các hệ thống và thiết bị trang bị cho tàu thường xuyên gặp sự cố nên kế hoạch này phải chuyển sang năm 2022.