Màu nước tiểu nói gì về sức khỏe? Có dấu hiệu này cẩn thận gan, thận gặp vấn đề

Mộc Miên |

Các chuyên gia cho biết những thay đổi về màu sắc hoặc mùi của nước tiểu có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe của bạn. Nếu nước tiểu có những dấu hiệu này, bạn cần đi khám sớm.

Nước tiểu là hỗn hợp của nước, chất điện giải và chất thải mà thận lọc ra khỏi máu. Bác sĩ Dena Rifkin, giáo sư Y học lâm sàng tại Đại học California, Mỹ cho biết, khi cơ thể khỏe mạnh và bạn uống đủ nước, nước tiểu thường sẽ có màu vàng nhạt. Ngược lại, nếu uống không đủ nước, nước tiểu sẽ chuyển sang màu vàng đậm hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết trong một số trường hợp, nếu nước tiểu có màu bất thường, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Nước tiểu màu nâu sẫm

Petar Bajic, bác sĩ tiết niệu tại Trung tâm Sức khỏe Nam giới tại Cleveland Clinic cho biết, nếu nước tiểu của bạn có màu nâu hoặc màu hổ phách đậm, đó thường là dấu hiệu của tình trạng mất nước nghiêm trọng. Khi cơ thể bị mất nước, các chất thải trong nước tiểu sẽ cô đặc hơn, khiến nước tiểu sẫm màu hơn. Theo đó, nước tiểu cũng có thể có mùi nồng nặc hơn.

Tình trạng mất nước thường xảy ra vào những ngày nắng nóng, lúc bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc ngay sau khi vừa tập luyện xong và cơ thể tiết nhiều mồ hôi nhưng bạn lại không bổ sung đủ lượng nước cần thiết.

Ngoài ra, nước tiểu có màu nâu sẫm cũng có thể là dấu hiệu các vấn đề về gan. Nguyên nhân là do bilirubin - một chất màu vàng được tạo ra trong quá trình phân hủy tế bào hồng cầu. Gan sử dụng bilirubin để tạo ra mật giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Gan khỏe mạnh sẽ loại bỏ hầu hết các chất bilirubin khỏi cơ thể. Nhưng nếu gan có vấn đề, bilirubin có thể tích tụ trong máu và đi vào nước tiểu khiến nước tiểu có màu nâu sẫm.

Màu nước tiểu nói gì về sức khỏe? Có dấu hiệu này cẩn thận gan, thận gặp vấn đề - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Nước tiểu trong suốt hoặc không màu

Bác sĩ Bajic cho biết nếu nước tiểu trong suốt hoặc không màu, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều nước. Chuyên gia cho biết: "Việc uống quá nhiều nước có thể gây mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể".

Chuyên gia nói thêm: "Chúng tôi khuyên mọi người nên uống nước khi cảm thấy khát, khoảng 8 ly nước mỗi ngày".

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lợi tiểu cũng có thể làm cho nước tiểu có màu trong suốt. Tuy nhiên, nếu bạn không sử dụng thuốc và không uống quá nhiều nước thì nước tiểu trong suốt có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về thận, bệnh tiểu đường hoặc đái tháo nhạt.

3. Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng

Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng có thể là do trong nước tiểu có máu, khi gặp tình trạng này, mọi người nên đi khám kịp thời. Bác sĩ Rifkin cho biết nước tiểu có màu đỏ có thể là dấu hiệu của bệnh thận, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, các vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc thậm chí là ung thư.

Màu nước tiểu nói gì về sức khỏe? Có dấu hiệu này cẩn thận gan, thận gặp vấn đề - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

4. Nước tiểu màu xanh lam hoặc xanh lục

Nước tiểu có màu xanh lục hoặc xanh lam thường là do là dấu hiệu bất thường. Chuyên gia Bajic cho biết đây có thể là dấu hiệu của hội chứng rối loạn di truyền hiếm gặp được gọi là hội chứng tã xanh, trong đó rối loạn chuyển hóa dẫn đến nồng độ canxi trong máu cao. Tình trạng này thường được phát hiện ở trẻ em. Ngoài ra, nước tiểu màu xanh cũng có thể cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu do một số vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều rất hiếm gặp.

5. Nước tiểu có màu trắng đục

Chuyên gia Rifkin cho biết, nước tiểu có màu trắng đục có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc đái dưỡng chấp. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, thận hoặc niệu đạo khiến nước tiểu đục, kèm theo đó là các triệu chứng như nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều hơn bình thường, tiểu rắt, đau bụng dưới.

Đái dưỡng chấp là tình trạng đi tiểu ra dưỡng chấp. Tuy nhiên, bình thường, dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết, thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid, cholesterol tự do và không có trong nước tiểu. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.

Nguồn: AARP, Cleveland Clinic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại