Đu đủ là loại quả có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Brazil,.. Không chỉ là loại quả được nhiều người yêu thích bởi vị thanh ngọt mà đu đủ còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trong 100g đu đủ chứa 43 calo và đây là loại quả có nguồn vitamin C dồi dào - cung cấp 75% giá trị hàng ngày (DV) và một lượng vừa đủ folate (10% DV).
Thông thường, chúng ta thường ăn trực tiếp đu đủ chín còn đu đủ xanh sẽ được sử dụng trong một số món ăn như cà ri, salad, hầm.
Đu đủ chứa chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn loại trái cây này. Sau đây là những người nên hạn chế ăn đu đủ để bệnh tình không trở nên nghiêm trọng hơn.
1. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều đu đủ, đặc biệt là đu đủ xanh. Bởi khi tiêu thụ quá nhiều đu đủ có thể gây động thai và thậm chí sảy thai.
Đu đủ xanh có chứa nhiều nhựa, chất này có thể nguyên nhân gây ra co thắt tử cung, từ đó dẫn tới sảy thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn đu đủ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
2. Bệnh đường hô hấp
Đu đủ chứa một loại enzyme có tên là Papain - một chất gây dị ứng mạnh và sẽ khiến các vấn đề về hô hấp trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu bạn mắc các bệnh như sốt, hen suyễn,... thì nên tránh xa loại trái cây này.
3. Bệnh thận
Đu đủ là nguồn chứa vitamin C dồi dào. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, ăn cái gì quá nhiều cũng không tốt và vitamin C cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hàm lượng vitamin C quá cao có thể là nguyên nhân gây ra sỏi thận.
4. Nam giới có dự định sinh con
Ăn quá nhiều đu đủ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sinh sản. Nó có thể làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới. Vì vậy, nếu vợ chồng bạn đang muốn thụ thai thì nam giới nên tránh ăn đu đủ.
5. Các vấn đề về dạ dày
Những người gặp các vấn đề về dạ dày không nên ăn quá nhiều đu đủ. Bởi chất papain có thể khiến dạ dày phỉ co bóp nhiều, gây rối loạn dạ dày với các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, bụng trướng, buồn nôn,... Vì vậy, những người này nên hạn chế ăn đu đủ.
6. Các vấn đề về da
Nếu da bị đổi màu và có màu vàng nhạt, đặc biệt ở lòng bàn tay thì bạn nên cận trọng vì bạn có thể mắc một căn bệnh da lành tính là carotenemia. Và nguyên nhân gây ra bệnh này có thể là do tiêu thụ đu đủ quá nhiều.
Đu đủ ruột vàng có chứa chất beta-carotene, một chất dinh dưỡng thuộc họ carotenoid, là nguồn cung cấp vitamin A cho cơ thể. Tuy nhiên, dư thừa beta-carotene cũng có thể khiến da nhợt nhạt.
7. Đường huyết thấp
Đu đủ lên men có thể làm giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, nếu những người có đường huyết thấp tiêu thụ đu đủ sẽ khiến lượng đường trong máu hạ thấp hơn, từ đó gây nguy hiểm tới sức khỏe.
8. Phụ nữ cho con bú
Phụ nữ Châu Á được khuyên nên ăn nhiều nộm đu đủ xanh để có nhiều sữa cho con bú. Tuy nhiên, ở những nơi khác, phụ nữ đang cho con bú được khuyên không nên ăn đu đủ, dù là chín hay xanh bởi các enzyme trong loại trái cây này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn các bà mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn đu đủ.
9. Người dùng thuốc chữa bệnh loãng máu
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng chất papain trong đu đủ có khả năng làm loãng máu. Vì vậy, những người đang sử dụng thuốc giảm loãng máu hoặc thuốc chống máu đông như aspirin.
Ngoài ra, những người vừa trải qua phẫu thuật vài tuần cũng nên tránh xa loại quả này do tính chất chống đông máu của nó.
10. Rối loạn tim mạch
Những người mắc các rối loạn tim mạch cũng không nên ăn quá nhiều đu đủ. Bởi chất papain trong ruột đu đủ vàng có thể làm chậm nhịp tim, gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng.
*Theo Boldsky, Stylecraze