Sứ mệnh này có tên là Allied Sky, được coi là một phần mở rộng của việc triển khai Lực lượng Đặc nhiệm Máy bay ném bom thông thường (BTF) mới nhất tới châu Âu.
Kể từ năm 2018, các cuộc triển khai BTF liên tục diễn ra tại châu Âu. Đây là sự phối hợp thường xuyên giữa các máy bay ném bom của không quân Mỹ, bao gồm cả B-1 và B-2, cũng như B-52 và các máy bay khác - chủ yếu là máy bay chiến đấu và máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu trên không - từ các đồng minh và đối tác.
Hoạt động trên tạo cơ hội huấn luyện cho các máy bay ném bom trong môi trường châu Âu phối hợp cùng với các lực lượng khác trên bộ và trên biển.
Máy bay chiến đấu JAS 39C Gripen của Cộng hòa Czech bay cùng một chiếc B-52 (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Prague).
Theo một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ (USEUCOM), sứ mệnh Allied Sky "nhằm thể hiện sự đoàn kết của NATO, nâng cao khả năng sẵn sàng và cung cấp các cơ hội huấn luyện nhằm tăng cường khả năng tương tác cho tất cả phi hành đoàn tham gia từ Mỹ và các đồng minh NATO."
Để bao phủ tất cả 30 quốc gia thành viên NATO, "Allied Sky" đã sử dụng hai đội máy bay. Có 4 trong số 6 chiếc B-52 được triển khai từ căn cứ không quân hoàng gia ở hạt Gloucestershire - Anh để đảm nhiệm việc bao phủ châu Âu.
Chặng Bắc Mỹ có sự tham gia của một cặp máy bay B-52H mang tên lửa hạt nhân đến từ căn cứ không quân Minot, bang Dakota - Mỹ.
Các máy bay ném bom thực hiện chuyến lưu diễn qua châu Âu tương tác cùng với các máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu trên không từ các quốc gia NATO. Chúng tiếp cận nhau trên bầu trời của mỗi quốc gia chủ nhà.
Chiếc MiG-21 Lancer cùng một chiếc B-52 trên bầu trời Romania (Ảnh:Bộ Quốc phòng Romania).
Máy bay B-52 của Lực lượng không quân Mỹ (Ảnh: The Drive).
Cho đến nay, các máy bay chiến đấu Gripens của Czech và Hungary đã thực hiện việc tương tác với máy bay ném bom, cũng như máy bay chiến đấu MiG-21 Lancer của Romania.
Các máy bay tiếp nhiên liệu bao gồm một máy bay KC-135R Stratotanker của không quân Thổ Nhĩ Kỳ, một loại được sử dụng để trang bị cho máy bay ném bom B-1 của không quân Mỹ lần đầu tiên trong quá trình huấn luyện ở Biển Đen vào tháng 5-2019..
Các máy bay ném bom bay qua Canada có sự tham gia của các máy bay chiến đấu CF-18 Hornet của Không quân Hoàng gia Canada.
Máy bay F-16C của Không quân Ba Lan bên cánh phải của một chiếc B-52 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan).
Tổng cộng, khoảng 80 máy bay chiến đấu của NATO sẽ tham gia sứ mệnh và kết hợp với máy bay ném bom của một loạt quốc gia, trong đó có Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh...
Với rất nhiều máy bay từ các quốc gia khác nhau, "Allied Sky" rõ ràng là một sứ mệnh khổng lồ mang đến cơ hội chưa từng có để chứng minh và kiểm tra khả năng tương tác vũ khí trên không của NATO, cũng như các quy trình chỉ huy và kiểm soát của liên minh.
Những khả năng này có thể được sử dụng trong một cuộc xung đột lớn ở châu Âu hoặc ở những nơi khác, giúp liên minh này hành động cùng nhau trên quy mô lớn.
Mặc dù Allied Sky được cho là sự kiện chỉ diễn ra một lần nhưng gần như chắc chắn NATO sẽ tiếp tục triển khai Lực lượng Đặc nhiệm Máy bay ném bom tới châu Âu để nêu bật sự thống nhất của liên minh.
Nó cũng là một phương thức mạnh mẽ để chứng minh khả năng răn đe hạt nhân trên không của Không quân Mỹ đối với đối thủ.