Điều này được cây bút JV Venable khẳng định trong một bài viết mới đây trên tờ National Interest. Theo chuyên gia quân sự này, dù vẫn còn nhiều lỗi chưa thể khắc phục, nhưng F-35 vẫn tiếp tục giành được sự tin tưởng từ Lầu Năm Góc cũng như các quốc gia đồng minh của Mỹ và là tiêm kích tàng hình bán chạy nhất thế giới hiện nay.
Dưới đây là 10 lý do mà cây bút JV Venable đưa ra để giải thích rõ sự thành công "kỳ lạ" của tiêm kích F-35 giữa một "rừng thị phi":
Tiêm kích tàng hình đầu tiên được xuất khẩu
Một: F-35 Lightning II là mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới được xuất khẩu rộng rãi, cụ thể ở đây là các quốc gia đồng minh của Mỹ. Nhhững lỗi phát sinh khi trong quá trình thử nghiệm đã cơ bản được khắc phục.
Tính tới đầu tháng 3/2020, đã có khoảng 500 chiếc F-35 với cả ba phiên bản được xuất xưởng. Ảnh: The Drive.
Tất cả phi công lái F-35 đều tỏ ra mãn nguyện với những gì họ được trải nghiệm trên chiếc tiêm kích này, kể cả khi máy bay mang đầy tải với nhiên liệu và vũ khí.
Hai: Về cơ bản việc có được nhiều hợp đồng xuất khẩu khiến giá của mỗi chiếc F-35 trở nên cạnh tranh hơn nhiều dòng tiêm kích thế hệ 4 hoặc 4++, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể ngờ tới.
Năm 2012, Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ ước tính một chiếc F-35A được sản xuất vào năm 2020 sẽ có giá 87,1 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí thực tế của một chiếc F-35A trong năm tài chính 2021 là 79,2 triệu USD và dự kiến sẽ giảm xuống còn 77,9 triệu USD vào năm 2022; rẻ hơn 9,2 triệu USD so với những ước tính trước đó.
Ba: Mặc dù là máy bay chiến đấu thế hệ 5, nhưng hiện nay F-35A có giá thấp hơn bất kỳ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nào có tính năng tương đương.
Một chiếc F-35A được trang bị đầy đủ, có thể chiến đấu, chỉ có cùng mức giá của chiếc tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F, thấp hơn 9,8 triệu USD so với giá của phiên bản cơ sở F-15EX (87,7 triệu USD) và rẻ hơn đến hơn 40 triệu USD so với chiến đấu cơ của châu Âu Eurofighter.
Bốn: Việc cạnh tranh sản xuất đã làm tăng hiệu suất và giảm chi phí giá thành F-35, tổng giá thành của một chiếc F-35 bao gồm giá thành sản xuất khung thân máy bay (được sản xuất và lắp ráp bởi Lockheed Martin); động cơ F-135 do Công ty Pratt&Whitney sản xuất, các thành phần phụ của các nhà thầu phụ, cộng với lợi nhuận.
Giá thành của F-35 đang có chiều hướng giảm và cạnh tranh hơn so với các dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4. Ảnh: The Aviation.
Việc cạnh tranh giữa các nhà thầu phụ, góp phần làm giảm giá thành F-35 đáng kể. Ví dụ hệ thống khẩu độ phân tán (DAS) lúc đầu do Northrup Grumman sản xuất, nhưng không đạt được ngưỡng tin cậy, sản xuất DAS sau này do Raytheon phụ trách, mang lại hiệu suất gấp đôi và gấp 5 lần độ tin cậy, với chi phí mỗi đơn vị chỉ bằng 45% giá chào hàng của Northrup Grumman.
Chỉ riêng việc chuyển đổi này, sẽ tiết kiệm cho Lockheed Martin 3 tỷ USD trong suốt vòng đời của chương trình.
Năm: Không phải tất cả các nhà sản xuất tham gia chương trình chế tạo F-35 đều có sự cạnh tranh để tiết kiệm chi phí. Ví dụ động cơ F135-PW-100 do Công ty Pratt & Whitney sản xuất có giá trong thời điểm hiện tại là 11,8 triệu USD/động cơ.
Theo tính toán, với hiệu quả sản xuất, mức giá đó dự kiến sẽ giảm xuống còn 10,7 triệu USD vào năm 2025, tiết kiệm cho người nộp thuế thêm một triệu USD cho một máy bay F-35. Tuy nhiên, giá thành chế tạo động cơ đã không thể giảm, mặc dù đơn hàng ngày càng nhiều; Pratt & Whitney đã nói rõ rằng, không thể tiết giảm chi phí hơn được nữa.
Khả năng cạnh tranh để giảm giá thành động cơ và cải thiện hiệu suất đã bị chính Quốc hội Mỹ "giết chết" khi quyết định chỉ để Pratt & Whitney trở thành nguồn cung độc quyền động cơ cho F-35 vào năm 2011. Hiện tại, không có động cơ của các hãng khác thay thế, để có thể bắt Pratt & Whitney giảm giá thành.
Rẻ và hiệu quả hơn các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4
Sáu: Chi phí mỗi giờ bay (CPFH) của F-35A (phiên bản cho không quân) đang có chiều hướng giảm dần so với các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4.
Cụ thể, các thiết bị trên F-3A5 như hệ thống đối phó điện tử (ECM), hệ thống trinh sát hồng ngoại…trong quá trình hoạt động đều có sự hao mòn và cần bảo trì; tất cả các thứ đó cộng với nhiên liệu, các loại bảo đảm hậu cần khác đều được tính vào CPFH.
Chí phí cho mỗi giờ bay của F-35A trong tương lai sẽ thấp hơn rất nhiều so với các chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-15E/EX. Ảnh: Sputnik.
Trong khi đó các máy bay chiến đấu thế hệ 4 như F-15E/EX, F-16C và F/A-18E không được tích hợp sẵn các thiết bị trên như của F-35A, nên quá trình sử dụng, không phải tính khấu hao của thiết bị cũng như cấp kinh phí bảo trì, do vậy CPFH cũng khác. Nếu trang bị đủ các thiết bị trên, các loại máy bay thế hệ 4 thậm chí có CPFH cao hơn các phiên bản F-35.
Bảy: Tỷ lệ máy bay sẵn sàng làm nhiệm vụ (MC) với F-35 đã tăng đáng kể so với năm ngoái, nhưng chúng vẫn nằm dưới ngưỡng 80% theo như yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra năm 2018.
Theo Trung tướng Eric Fick, Giám đốc Văn phòng Chương trình hỗn hợp F-35 (JPO), tỷ lệ MC đã tăng lên tới 73,2% trong năm 2019 (tăng 18,5% so với năm trước), các phi đội chiến đấu F-35 được triển khai ở tuyến đầu, có thể duy trì tỷ lệ MC đến 89%, do được ưu tiên trên các mặt, nhất là công tác bảo đảm. Điều này có nghĩa là tỷ lệ MC của F-35 cũng chưa phải là mức cao nhất.
Tám: Các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa giành riêng F-35 được xây dựng khắp toàn cầu, khi một thiết bị của F-35 bị hư hỏng, nó có thể được thay thế bằng một phụ tùng có sẵn và bộ phận bị lỗi được chuyển đến trung tâm để sửa chữa.
Hệ thống trung tâm bảo dưỡng toàn cầu là một trong những lợi thế lớn khiến khách hàng chọn mua F-35. Ảnh: Aerospace Industry.
Tổng cộng đã có 68 trung tâm được xây dựng, để đảm bảo hiệu quả hoạt động cho số máy bay F-35 đã xuất xưởng, nhưng hiện tại chỉ có 30 trung tâm đang hoạt động và chỉ có 11 trong số đó là hoạt động đầy đủ.
Hiện tại Lockheed Martin và Văn phòng Chương trình hỗn hợp F-35 đã nỗ lực để đưa các trung tâm này hoạt động hết công suất lên 64 vào năm 2024, sớm hơn so với dự kiến là 5 năm.
Chín: Hệ thống hiển thị tham số bay gắn trên mũ bay (HMDS) của phi công F-35 dù chưa được hoàn chỉnh nhưng về cơ bản nó sẽ trở thành tương lai của không quân nhiều nước trên thế giới.
Hệ thống HMDS mang đến cho phi công khả năng nhận thức tình huống vô song trong chiến đấu, khi nó hiển thị tất cả dữ liệu về hệ thống vũ khí và chuyến bay quan trọng ở bên trong tấm kính của mũ bay.
Những hình ảnh từ camera quan sát ban đêm của máy bay cũng như hình ảnh từ hệ thống nhận biết địch - ta (DAS) đều được hiển thị lên kính của mũ bay, có thể nói HMDS là một thiết bị thay đổi cuộc chơi trong chiến đấu
Bên cạnh các ưu điểm, các vấn đề về giao diện với màn hình của nó đã khiến các phi công trở nên mất phương hướng khi tiếp nhiên liệu, hoặc trong khi hạ cánh vào ban đêm.
Tổng thầu Lockheed Martin đã tiến hành sửa chữa những sai sót của HMDS, khi các phi công yêu cầu khắc phục ngay, bản sửa lỗi hiện đang được đưa vào thử nghiệm cho phi công F-35C của Hải quân; và có thể mất vài năm, trước khi hoàn chỉnh bản sửa chữa HMDS cho phi công F-35A.
Mười: Hệ thống thông tin hậu cần tự động (ALIS) vẫn còn quá lớn, chạy chậm và quá nhiều lỗi; ALIS là phần mềm quản lý việc bảo trì, cung cấp và vận hành của F-35A. Giống như Hệ điều hành IOS của điện thoại IPhone, ALIS là một hệ điều hành máy tính, chứa một tập hợp gồm 65 ứng dụng, chương trình con hoặc mô-đun.
Một số chương trình được viết giành riêng cho F-35A, một số khác là các chương trình thương mại (COTS), các vấn đề phát sinh khi các đầu kết nối không tương thích, hoặc các phần mềm ứng dụng khác chạy trên ALIS hiện đại hơn.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Mỹ dự định thay thế ALIS bằng mạng tích hợp dữ liệu hoạt động dựa trên nền điện toán đám mây (ODIN). Hệ thống mới được thiết kế để giảm khối lượng công việc và tăng tỷ lệ xử lý nhiệm vụ cho tất cả các biến thể F-35 và sẽ bắt đầu thử nghiệm vào cuối năm nay.
Đánh giá chung, máy bay chiến đấu F-35A hiện nay đang hoạt động tốt, cùng với việc giảm giá mạnh khiến cho quyết định của Không quân Mỹ tiếp tục đặt mua chiến đấu cơ hạng nặng thế hệ 4 F-15EX, khiến dư luận thực sự khó hiểu, khi mà có thể trang bị F-35 với số lượng lớn hơn nữa./.
Mỹ điều tiêm kích F-22 "hộ tống" máy bay săn ngầm Tu-142 của Nga ra khỏi vùng nhận dạng phòng không ở Alaskan.