Loại gia vị Việt Nam có nhiều, được mệnh danh là “cánh hoa nghìn tỷ”: Nhiều tác dụng tốt không ngờ

Ngọc Minh |

Đây là loại gia vị quen thuộc với người Việt, xuất khẩu mang về 83 triệu đô vào năm 2023, có nhiều tác dụng quý cho sức khỏe.

Nội dung chính

  • Hoa hồi có giá trị xuất khẩu cao.
  • Tác dụng của hoa hồi.
  • Lưu ý khi dùng hoa hồi.

Hoa hồi có giá trị xuất khẩu cao

Hoa hồi được coi là “báu vật” trời ban cho Việt Nam vì rất ít quốc gia trên thế giới may mắn sở hữu. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.

Không chỉ vậy, hoa hồi còn được mệnh danh là "cánh hoa nghìn tỷ" bởi giá trị kinh tế cao, nhiều quốc gia săn đón, theo thông tin đăng tải trên Vietnamnet.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 16.136 tấn hoa hồi, tăng 26% so với năm 2022, thu về 83 triệu USD.

 - Ảnh 1.

Hoa hồi (ảnh minh họa).

Tác dụng của hoa hồi

Theo bác sĩ Lê Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3, hoa hồi hay còn gọi là Đại hồi, Bát giác hồi hương, thật ra là quả chín phơi khô của cây hồi, không phải là hoa như nhiều người lầm tưởng.

Hoa hồi không chỉ là một loại gia vị mà còn là một vị thuốc với nhiều công dụng.

Theo dược lý y học hiện đại, hoa hồi có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột, cải thiện đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tăng tiết dịch tiêu hóa, hỗ trợ tăng tiết sữa, ức chế hoạt động và sự phát triển của một số loại nấm gây bệnh ngoài da, một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, cầu khuẩn, trực khuẩn,… Ngoài ra, hoa hồi còn được dùng làm chất tạo mùi thơm trong các loại nước súc miệng, kem đánh răng...

Bác sĩ Ngọc Châu cho biết đối với Y học Cổ truyền, hoa hồi có vị ngọt, cay, tính ấm, quy kinh Can, Thận, Tỳ, Vị. Loại gia vị này có công dụng khu hàn, kiện Tỳ, khai Vị, ôn dương, tiêu thực, lý khí chỉ thống; chủ trị các chứng đau bụng, sôi bụng, tiêu lỏng, nôn mửa, đau nhức xương khớp do lạnh.

Bác sĩ Ngọc Châu giải thích thêm hoa hồi có đặc tính dược lý và công dụng đa dạng. Vì thế, nước ngâm hoa hồi cũng có nhiều tác dụng như:

- Giàu đặc tính kháng viêm

- Tăng cường chức năng miễn dịch

- Giảm đau và giúp thư giãn

- Kích thích lưu thông máu

- Giảm đau nhức xương khớp

- Hỗ trợ tiêu hóa

- Tăng cường hương vị của các món ăn.

Liều dùng hàng ngày của hoa hồi là từ 3-6g. Để làm nước ngâm hoa hồi, ta đun khoảng 1 lít nước sôi trong nồi, cho 2-3 hoa hồi vào nước sôi, sau đó để lửa nhỏ khoảng 10 phút, rồi tắt bếp để nguội, lọc bỏ vỏ rồi dùng.

 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Món ăn bài thuốc từ hoa hồi

Theo bác sĩ Ngọc Châu, một số món ăn bài thuốc tốt cho sức khỏe từ hoa hồi là:

- Gà hầm hoa hồi giúp hỗ trợ giảm lạnh bụng, ấm cơ thể, trợ Tỳ Vị.

Cách làm: Dùng gà ta (1-1,5kg) hầm cùng 2-3 hoa hồi, nêm nếm với gia vị cho vừa ăn. Dùng khi còn nóng để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Thịt kho với hoa hồi giúp hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp dinh dưỡng.

Dùng thịt ba chỉ (500g) kho cùng 2-3 hoa hồi, nêm nếm với gia vị kho sao cho vừa ăn.

- Trà hoa hồi giảm đau bụng kinh, giảm đầy bụng khó tiêu, kích thích tiêu hóa.

Đun sôi khoảng 500ml nước, cho 2 cánh hoa hồi, hãm khoảng 10 phút. Thêm mật ong hoặc đường tùy khẩu vị. Uống khi còn ấm.

Lưu ý khi dùng hoa hồi

Bác sĩ Ngọc Châu lưu ý mặc dù hoa hồi rất tốt nhưng vì đây cũng là một vị thuốc nên chúng ta không nên tiêu thụ quá nhiều. Với những người có thể trạng hoặc các hội chứng bệnh liên quan đến âm hư hỏa vượng thì không dùng. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú cũng nên tránh tiêu thụ hoa hồi với lượng lớn vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại