Điển hình là trường hợp bé trai 4 tháng tuổi đến khám do vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên. Gia đình phát hiện con bị vẹo cổ đã hốt hoảng đưa đi khám.
Thăm khám cho thấy trẻ tiếp xúc tốt, vui vẻ hoạt bát, có tình trạng vẹo cổ nhìn rất rõ. Kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhi đã loại trừ được nguy cơ có các bệnh lý bẩm sinh, xơ hóa cơ…
Bác sĩ Đỗ Thị Lan, Khoa Y học Cổ truyền và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho hay qua khai thác sâu tiền sử từ cha mẹ bệnh nhi, các bác sĩ phát hiện gia đình cho trẻ tập lẫy sớm, từ hơn 2 tháng tuổi.
Khi trẻ lẫy sớm, gia đình rất vui mừng, luôn cổ vũ, động viên trẻ làm. Trẻ ở trong tư thế nằm sấp, vươn đầu lâu, lúc nào mỏi thì tự hạ xuống. Bố mẹ nghĩ con cứng đầu cứng cổ mới lẫy được, luôn cổ vũ con làm nhiều. Thời điểm trẻ 4 tháng, xuất hiện vẹo cổ nhưng cha mẹ chờ con tự hết. Tuy nhiên, sau 2 tuần, tình trạng vẹo cổ của trẻ vẫn chưa cải thiện. Lúc này gia đình mới đưa đi khám.
Bác sĩ Lan cho hay bệnh nhi này đã lẫy quá sớm khi các nhóm cơ vùng cổ còn yếu. Bên cạnh đó, khi trẻ lẫy, trẻ không được bố mẹ hỗ trợ giữ đầu cổ nên tư thế ngóc cổ quá lâu khiến cơ cổ yếu, mỏi và dần trở thành vẹo sang 1 bên. Với trẻ này, vẹo cổ chỉ đơn thuần do lỗi sai khi chăm sóc nên sau 20 ngày điều trị, tình trạng đã ổn định. Mẹ bé được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách, tránh tư thế gây vẹo cổ tái lại.
Chăm sóc không đúng cách gây vẹo cổ
Vẹo cổ ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân:
- Tư thế (ngôi ngược trong bào thai, sau sinh do bế ẵm đặt sai tư thế, vận động không đúng độ tuổi)
- Do xơ hóa cơ ức đòn chũm
- Do bệnh lý bẩm sinh như bại não, chậm phát triển vận động, biến dạng bẩm sinh cột sống cổ…
Theo bác sĩ Lan, hiện khoa đang điều trị cho nhiều trường hợp bị vẹo cổ sau sinh do tư thế. Trường hợp này hay gặp ở những trẻ từ 4-6 tháng tuổi. Vẹo cổ có thể xuất hiện muộn hơn đến trên 1 tuổi khi cha mẹ cho con tập lẫy sớm, bế ẵm/đặt trẻ nằm sai tư thế, cho bú sai tư thế, xem tivi nhiều…
Trẻ bị vẹo cổ có thể sẽ không thay đổi hoặc tiến triển nặng hơn nếu không có các phương pháp tập vận động, chăm sóc đúng.
Điều trị vẹo cổ sẽ kết hợp đa mô thức Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, với mục đích làm mềm các nhóm cơ co cứng, giúp khỏe các nhóm cơ còn yếu, tập kiểm soát đầu cổ, giữ cho đầu cổ trẻ đúng với tư thế sinh lý.
“Thông thường những trường hợp vẹo cổ do tư thế phát hiện sớm và biên độ vẹo cổ không nhiều, trẻ vận động cổ tốt thì chúng tôi sẽ hướng dẫn chế độ chăm sóc tập luyện tại nhà. Còn lại 1 số trường hợp sẽ cần can thiệp trị liệu. Thông thường tại khoa của chúng tôi thì các bé điều trị 1 đợt (kéo dài 20 ngày) hoặc kéo dài 2-3 đợt sẽ ổn định”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Qua trường hợp bé 4 tháng tuổi kể trên, bác sĩ Lan khuyến cáo cha mẹ trẻ nên cho trẻ vận động đúng mốc phát triển. Tuyệt đối không nên bắt trẻ tập lẫy quá sớm, khi trẻ lẫy, không nên để trẻ ở tư thế nằm sấp, vươn đầu quá lâu.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý không nên bế vác sớm. Nếu trẻ có nhu cầu này khi bế thì cần đỡ đầu trẻ. Khi cho con bú thì nên cho trẻ bú đều 2 bên; tránh các tư thế nằm nghiêng, quay đầu cổ sang 1 bên quá lâu.
Bác sĩ Lan cho biết: “Hiện nay, xã hội công nghệ nên rất nhiều bố mẹ cho con tiếp xúc với tivi từ rất sớm. Khi trẻ còn nhỏ, hạn chế cho trẻ xem tivi, tránh tư thế bất động lâu khiến cổ trẻ dễ mỏi, dễ nghiêng. Nên cho trẻ hoạt động thoải mái, phát triển vận động cũng như tinh thần trí tuệ của trẻ”.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu phụ huynh phát hiện cột sống cổ trẻ có những bất thường thì cần phải đưa trẻ đi khám sớm. Vẹo cổ do sai tư thế có thể điều trị khỏi được sau một thời gian phục hồi chức năng. Với các trường hợp vẹo cổ do bệnh lý cần phải thăm khám chuyên sâu, quá trình phục hồi chức năng sẽ phải kéo dài.