Gần 1 thập kỷ tìm con
Gala “Hạt mầm khát vọng” năm 2024 không chỉ là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, một lễ công bố và trao tặng hỗ trợ đơn thuần mà còn là cuộc hội ngộ và trở về nhà của các gia đình quân nhân.
Bế 2 công chúa 2 tuổi trong vòng tay, thiếu tá Lò Khắc Quỳnh công tác tại Viện Kiểm soát quân sự Quân khu 2, không giấu được cảm xúc lần đầu làm bố sau gần 1 thập kỷ chờ đợi con.
Kết hôn từ năm 2013, với công việc đặc thù của người lính, thường xuyên phải đi công tác xa nhà nên anh Quỳnh cũng muốn có con sớm để vợ ở nhà đỡ buồn. Tuy nhiên, sau 1 năm, 2 năm rồi tới 3 năm, anh Quỳnh vẫn chưa được lên chức bố.
Lo lắng nên vợ chồng anh Quỳnh cũng đi khám, kết quả chẩn đoán anh chị khó có thể có con tự nhiên.
Anh Quỳnh cho biết, lúc đó cả hai vợ chồng rất buồn nhưng vẫn quyết định đồng hành cùng nhau. Cả hai vợ chồng đã đi rất nhiều bệnh viện khám, chạy chữa, Đông – Tây y kết hợp nhưng gần 10 năm chờ đợi trong mòn mỏi mà con vẫn chưa về.
Trong thời gian đó, anh Quỳnh cũng chịu không ít những định kiến của xã hội. Nhiều người không hiểu hay hỏi, quan tâm quá mức lại xoáy sâu và nỗi đau mong mỏi con của anh Quỳnh.
Chị Tuyết (vợ anh Quỳnh) tâm sự, trong suốt thời gian gần 10 năm chưa có con, chị cũng phải chịu không ít áp lực. Đi ra ngoài đường ai cũng hỏi câu: “Lấy nhau lâu lắm rồi không sinh con à”.
Theo chị Tuyết, anh Quỳnh là con một nên áp lực sinh con lại càng tăng nên. Chị cũng luôn khao khát, luôn cố gắng tìm cơ hội để “con yêu về”, giải tỏa tâm lý cho cả 2 vợ chồng.
Trong suốt gần 10 năm, dù đối mặt với những lời dị nghị, định kiến của xã hội nhưng vợ chồng chị Tuyết chưa bao giờ có ý định buông tay nhau.
Năm 2021, anh Quỳnh biết tới chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa” nên vợ chồng anh chị đã thử vận may. Và rất may mắn, trong lần chuyển phôi đầu tiên, anh chị đã đậu thai. Hai bé gái khỏe mạnh ra đời trong niềm mong mỏi chờ đợi của bố mẹ sau gần 1 thập kỷ.
Thành công tìm con sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại
Ngoài gia đình anh Quỳnh, chị Tuyết, trong đêm gala còn có gia đình của Đại uý Ngô Văn Cường và Đại uý Nguyễn Thị Hạnh, đang công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, Đại úy Cường và Đại úy Hạnh không khỏi xúc động, hạnh phúc sau một hành trình tìm con đầy gian truân.
Chị Hạnh có tiền sử sinh non, vỡ tử cung ở lần mang thai trước đó và từng nhiều lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thất bại. Điều này khiến gia đình anh chị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần.
Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã trở nên chai sạn, dường như mất niềm tin vì “nỗi sợ” của những lần thất bại trước đó.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay: “Tiền sử sinh non và vỡ tử cung là một trong những khó khăn và đặt ra thách thức rất lớn đối với đội ngũ chuyên môn bệnh viện trong quá trình điều trị cho hai vợ chồng chị Hạnh.
Bên cạnh đó, dự trữ buồng trứng của chị Hạnh bị suy giảm, làm cho số lượng cũng như chất lượng phôi suy giảm theo. Với hai khó khăn lớn này thì quá trình điều trị sẽ phức tạp hơn và phải kéo dài hơn trường hợp khác”.
Tuy vậy, những cố gắng của gia đình chị Hạnh cũng được đền đáp. Lần thứ 4 chuyển phôi đã thành công. Gia đình chị Hạnh đã chào đón bé gái khỏe mạnh ra đời vào đầu năm 2024.
3.000 quân nhân hiếm muộn
Theo bác sĩ Hiền, trong quá trình thăm khám và điều trị cho các gia đình hiếm muộn, bác sĩ đã được tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài.
“Đặc biệt, với các quân nhân, đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải công tác xa gia đình khiến họ chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm”, bác sĩ Hiền nói.
Hiện nay, toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo, trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.
Trước thực tế đó, với mong muốn được đồng hành cũng như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để các gia đình quân nhân kiên trì, bền bỉ trong hành trình tìm con; từ năm 2021, chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan toả” đã được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội triển khai với các hỗ trợ thiết thực cho các quân nhân.