Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 19:
• Trà sữa pha bằng hóa chất đầu độc giới trẻ
• 1 ca tử vong vì ngộ độc rượu methanol vượt ngưỡng 13 lần
• 3 nguyên nhân và 5 "chìa khóa vàng" phòng ngộ độc thực phẩm mùa hè
• 8 biện pháp cấp bách xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm
• Một số thông tin nổi bật khác về an toàn thực phẩm tuần qua
Từ hóa chất siêu rẻ đến ly trà sữa ngọt ngào!
Theo thông tin đăng trên tờ Đời Sống Pháp Luật, trà đỏ, trà xanh, trà đào, trà sữa... được giới trẻ sử dụng nhiều, được xem là thức uống "đường phố" có sức hút mãnh liệt, từ trong quán cho tới các hàng nước vỉa hè.
Dù vậy, ít ai biết rằng, nhiều cơ sở đang bán thức uống "đường phố" với các loại nguyên liệu hết sức tù mù. Ngoài các chợ, cửa hàng tạp hóa, sôi động nhất là shop online đang chào bán đầy rẫy các loại nguyên liệu này. Điển hình như trà Thái, giá 75.000 – 100.000 đồng/gói 200g, loại trà Thái xanh. Còn trà đỏ Thái có giá chỉ 75.000 đồng/gói 400g...
Nhiều cơ sở đang bán thức uống "đường phố" với các loại nguyên liệu hết sức tù mù. Ảnh: Công Lý Xã Hội.
Điều đáng nói, trên bao bì có loại chỉ ghi toàn tiếng nước ngoài (Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc...), không có bất cứ thông tin nào về ngày sản xuất, hạn sử dụng và nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Nhưng dễ mua nhất phải kể đến chợ hóa chất Kim Biên và chợ Bình Tây (quận 5, 6, TP.HCM). Tại đây có đầy đủ nguyên liệu cho người cần làm các loại thức uống "đường phố". Tìm đến cửa hàng của bà Huệ, PV có thể mua được đầy đủ nguyên liệu để chế biến các loại trà với giá rất rẻ. Điển hình, nguyên liệu làm trà sữa giá chỉ 25.000 đồng/bịch, loại 1kg.
Bên cạnh những nguyên liệu nói trên, tại chợ Kim Biên không khó để mua được hóa chất làm các loại hương vị dâu, vải, trà, cam... giá chỉ từ 150 – 400 ngàn đồng/kg.
Chị Thuyên đang bán các loại thức uống "đường phố" tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM tiết lộ, để làm các loại trà gắn mác nhà làm không khó. "Sau khi đun sôi nước thì chế bột béo, khuấy đều rồi cho thêm bột tạo ngọt và đường.
(Ảnh minh họa)
Tiếp tục cho thêm lượng bột trà phù hợp, đun sôi lần nữa và để nguội, rồi cho vào ngăn mát tủ đông. Chừng 2 – 3 giờ sau lấy ra bán với giá 10.000 đồng/ly. Tính ra, mỗi ly có vốn chừng 2.000 – 3.000 đồng", chị Thuyên chia sẻ.
Theo bác sỹ Trần Văn Ký, phụ trách văn phòng phía Nam, hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam: "Thực chất, thành phần của các loại trà này là bột trà, cộng hương liệu, chất béo... và các loại phụ gia khác.
Do chỉ nghĩ đến lợi nhuận, nhiều cơ sở, điểm bán hàng đã đánh lận con đen, không dùng các loại nguyên liệu tự nhiên. Nếu sử dụng thường xuyên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là liên quan tới gan, thận...".
Bên cạnh trà sữa, thạch đen cũng là một trong những món giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, bạn sẽ phải cân nhắc lại nếu biết rằng nguyên liệu làm thạch thường được để trong xe rác, thạch làm xong bị vứt ngay xuống đường cho xe cộ qua lại.
Chưa kể, trong thạch đen còn có chứa thạch cao - chất làm dẻo bị cấm không được dùng trong sản xuất thực phẩm như trong video dưới đây:
Thạch đen chứa thạch cao siêu bẩn chứa thạch cao.
Ngộ độc rượu methanol: Thêm cảnh báo từ một cái chết oan ức
Nếu như bản tin thực phẩm an toàn tuần trước của chúng tôi đề cập đến loại rượu độc chứa methanol pha từ nước và men siêu rẻ (xem thêm), thì tuần này, lại thêm một lời cảnh báo nữa bằng cái chết oan ức cho tình trạng ngộ độc rượu methanol.
Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, sáng 20/6/2016, một bệnh nhân nam 41 tuổi đã tử vong do ngộ độc rượu methanol với ngưỡng ngộ độc gấp 13 lần ngưỡng ngộ độc thông thường sau hơn 1 ngày điều trị tại bệnh viện.
Theo ThS.BS. Nguyễn Đình Thuyên - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân: Bệnh nhân đã uống rượu trước khi vào Bệnh viện E khoảng 24 giờ.
Mặc dù đã được các bác sĩ BV E và Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đưa ra phác đồ điều trị bằng tất cả các biện pháp tích cực nhưng BN đã không thể qua khỏi do ngộ độc methanol quá nặng (vượt ngưỡng ngộ độc 13 lần). Ảnh: ThS.BS. Nguyễn Đình Thuyên.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực 2h sáng ngày 19/6 trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng, tổn thương thị giác (đồng tử 2 bên giãn to), toan chuyển hóa rất nặng, suy đa phủ tạng.
Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên đến 264,5 mg/dl - gấp 13 lần ngưỡng ngộ độc thông thường (thông thường, nồng độ methanol trong máu >20mg/dL được coi là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng, nguy cơ tử vong).
PGS.TS. Hà Trần Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, người được mời tư vấn điều trị cho bệnh nhân này cho biết, đây là một trong 5 trường hợp ngộ độc methanol có nồng độ methanol máu cao nhất từ trước đến nay được đưa vào cấp cứu và khả năng sống của bệnh nhân hầu như không có.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị bằng tất cả các biện pháp tích cực như cho thở máy, nâng huyết áp bằng các thuốc vận mạch và lọc máu thải trừ chất độc.
Đến sáng 20/6, xét nghiệm methanol trong máu đã giảm nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy đa phủ tạng, không đáp ứng với các thuốc điều trị và tử vong sau hơn 1 ngày vào viện.
3 nguyên nhân và 5 "chìa khóa vàng" phòng ngộ độc thực phẩm mùa hè
Mùa hè thời tiết nóng và ẩm, nguyên liệu tươi sống không bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại… là những nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học mà cụ thể vi khuẩn gây bệnh là chủ yếu:
- Khi thời tiết chuyển sang mùa hè, trời oi nóng, người thì mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Do vậy chỉ cần sơ xuất trong chế biến và bảo quản là có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
- Ý thức chấp hành yêu cầu về an toàn thực phẩm của người chế biến kém, các thực phẩm có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… được cung cấp không bảo đảm vệ sinh sẽ dẫn tới các thức ăn được nấu ra có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm", ông Long cho biết.
- Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của thời tiết, nguyên nhân chủ quan của người cung cấp, chế biến thực phẩm thì ý thức không tốt về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh mua họa: Vũ Sinh – TTXVN
Các cuộc điều tra đã cho thấy một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng, quầy hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vậy làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa hè? PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra một số lời khuyên đối với người tiêu dùng:
Người tiêu dùng thì chỉ mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cần đặc biệt lưu ý tới hạn sử dụng của sản phẩm, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi, nhất là thực hiện "chìa khóa vàng" để có thực phẩm an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):
- Giữ vệ sinh để ngăn ngừa thực phẩm bị ô nhiễm.
- Bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín để tránh ô nhiễm chéo.
- Nấu kỹ thức ăn để diệt hết các vi sinh vật.
- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
- Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm.
8 biện pháp cấp bách xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Sáng 21/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý...
Thứ nhất, khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình QH sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ở cấp xã, phân công cán bộ theo dõi an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ở các cấp.
Thứ ba, phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm so với giai đoạn trước.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn;
Thứ năm, đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Chỉ đạo các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm;
Thứ sáu, bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo dự toán. Cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tăng cường xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Thứ bảy, tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm;
Thứ tám, chú trọng công tác đào tạo, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm tại các tuyến; từng bước tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác an toàn thực phẩm.
Điểm lại một số tin khác trong bản tin thực phẩm an toàn tuần qua:
- Chiều 21/6, qua theo dõi, Đội Cảnh sát kinh tế CA Quận 6, TPHCM phát hiện 3 đối tượng chở 6 thùng dầu ăn bẩn đến các điểm tập kết chuẩn bị mang đi tiêu thụ. (Đọc tin chính)
- Ngày 21/6, Đội CSGT số 14, CATP Hà Nội cho biết vừa phát hiện 1 xe tải chở nội tạng bốc mùi chuẩn bị đưa vào quán nhậu. Trên xe có 6 bao tải, 3 thùng phi, 2 hộp xốp đầy chứa lòng lợn và nội tạng đã bốc mùi (đọc tinh chính).
Trên xe có 6 bao tải, 3 thùng phi, 2 hộp xốp đầy chứa lòng lợn và nội tạng đã bốc mùi. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
- Ngày 19/6, nguồn tin từ tỉnh Bình Phước cho biết: Cơ quan chức năng vừa phát hiện một cơ sở sản xuất giò, chả sử dụng nguyên liệu chế biến mất vệ sinh, không rõ xuất xứ... (đọc tin chính).
- Thức ăn đường phố: Khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra hơn 17.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó, 587 cơ sở vi phạm bị phạt tiền, 451 cơ sở bị nhắc nhở, phê bình (đọc tin chính).