Libya chỉ là vỏ bọc, Syria mới là mục tiêu tối thượng của Nga: "Mưa bom bão đạn" chấm dứt, "bài toán" Idlib đã có lời giải?

Mạnh Kiên |

Trong khi trọng tâm đàm phán tập trung vào cuộc xung đột Libya, ngày càng có nhiều nghi ngờ cho rằng tất cả chỉ là vỏ bọc để Nga-Thổ giải quyết những vấn đề ở Idlib.

Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được bước tiến tích cực về đàm phán hòa bình ở Libya đã mang đến những bất ngờ lớn. Mặc dù giới quan sát cho rằng, lệnh ngừng bắn mà Moscow và Ankara thiết lập ở quốc gia này là khá mong manh, có ý kiến cho rằng cả hai đang quyết tâm theo đuổi những mục tiêu khác to lớn hơn.

Trong khi trọng tâm đàm phán tập trung vào cuộc xung đột Libya, ngày càng có nhiều nghi ngờ cho rằng tất cả chỉ là vỏ bọc để Nga-Thổ giải quyết những vấn đề trong cuộc chiến kéo dài 9 năm ở Syria, nơi Moscow và Ankara đứng ở hai bên đối lập.

Từ Libya đến Syria

"Có một mối liên hệ giữa Libya và Syria", Alexey Khlebnikov, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nói với tờ The National.

"Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có những động thái mạnh mẽ và quyết đoán hơn trên mặt trận Libya vì nước này không còn chỗ để mở rộng ảnh hưởng ở Syria. Trong khi Libya đóng vai trò là đòn bẩy bổ sung đối với Nga".

Kể từ khi Nga bước vào cuộc chiến Syria hồi năm 2015, các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ như lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad đã trở nên xa vời hơn.

Phiến quân mà Ankara ủng hộ đang bị cô lập ở tỉnh Idlib, phải chống chọi trước các cuộc tấn công của Chính phủ Syria được hỗ trợ bởi không quân Nga, trong khi hàng trăm ngàn dân thường đang bỏ chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tạo nên nguy cơ khủng hoảng tị nạn mới.

Các cuộc đàm phán về Libya được tổ chức tại Moscow sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gây bất ngờ với tuyên bố bảo đảm lệnh ngừng bắn giữa các phe phái đối địch vào ngày 12/1.

Bất chấp sự khác biệt ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngày càng trở nên gần gũi với Điện Kremlin thông qua các liên kết quốc phòng, thương mại và năng lượng được cải thiện trong những năm gần đây.

Thông báo ngừng bắn tuần trước diễn ra sau khi Istanbul khai trương đường ống dẫn khí ở Biển Đen để trung chuyển khí đốt của Nga cho châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

"Khi ông Putin và ông Erdogan gặp nhau vào ngày 8/1, họ đã thảo luận về cả Syria và Libya. Điều thú vị là sau cuộc gặp, vào ngày 12/1, Damascus cũng tuyên bố ngừng bắn ở Idlib", chuyên gia Khlebnikov nhấn mạnh.

Chuyên gia này lưu ý rằng đó là lời lý giải cho nguyên nhân vì sao ông Putin dừng chân ở thủ đô Syria trước khi tới Istanbul.

Dường như nhà lãnh đạo Nga muốn đảm bảo chắc chắn rằng chính quyền Assad sẽ sẵn sàng cam kết chấm dứt chiến sự để ông Putin có thể đạt được các thỏa thuận tiếp theo với Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ cần Chính phủ Syria hơn bao giờ hết

Libya chỉ là vỏ bọc, Syria mới là mục tiêu tối thượng của Nga: Mưa bom bão đạn chấm dứt, bài toán Idlib đã có lời giải? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ cần bắt tay với Syria để chống lại người Kurd.

Hội nghị thượng đỉnh Moscow là một nỗ lực để Nga mở rộng tiến trình hòa bình Astana ở Syria tới Libya, chuyên gia Khlebnikov nói thêm.

Đây cũng là nơi chứng kiến ​​chỉ huy tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan gặp mặt người đồng cấp Syria, Ali Mamlouk. Mặc dù hai quan chức này đã gặp nhau kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Damascus vào năm 2012, nhưng đây là lần đầu tiên một cuộc gặp như vậy được chính thức thừa nhận.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã thảo luận về cách thức chống lại Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), vốn kiểm soát phía đông bắc của Syria trước khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công vào tháng 10.

Truyền thông nhà nước Syria cho biết ông Mamlouk kêu gọi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi Syria và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang kiểm soát các khu vực phía Bắc tỉnh Aleppo cũng như có lực lượng quân đội đóng vai trò quan sát viên ở Idlib.

"Thổ Nhĩ Kỳ cần Syria ngay lúc này vì tình báo Syria có khả năng xử lý tốt hơn đối với các nhóm có thể là mối đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ", Kamal Alam, một nhà phân tích quân sự chuyên về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho biết.

"Mối đe dọa này bao gồm cả các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có nguy cơ quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ và hơn cả là các nhóm người Kurd mà Chính phủ Syria luôn nắm giữ thông tin tình báo tốt hơn", nhà phân tích nói thêm.

Tuy nhiên, người Syria đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ không cung cấp bất kỳ sự hợp tác tình báo nào cho đến khi nước này rút lực lượng hoặc ngừng ủng hộ những kẻ khủng bố.

Đề cập đến mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, nhà phân tích Alam cho biết, hai bên duy trì trao đổi gần như hàng ngày về lợi ích chung, cho dù đó là Syria, quốc phòng, năng lượng hay thương mại.

"Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang chuyển sang một mối quan hệ kinh tế chiến lược cực kỳ quan trọng, đồng thời cả hai đang hướng tới hình thành thỏa thuận ba chiều với Syria cho công cuộc tái thiết sau xung đột", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại