Nghị viện Ai Cập có thể cho phép quân đội tới tham chiến ở Libya?
Ngày 13/1/2020, tờ Asharq al-Awsat đưa tin dẫn nguồn từ Quốc hội Ai Cập và Libya đồng loại đưa ra cảnh báo rằng Cairo có thể dùng đến quân đội để chống lại "cuộc xâm lược tiềm năng" của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nước láng giềng Libya.
Chủ tịch Hạ viện Ai Cập, ông Ali Abdul Aaal tuyên bố rằng mặc dù đất nước của ông không ưu tiên các giải pháp quân sự hơn các giải pháp chính trị, nhưng sẽ "không thể lựa chọn" nếu an ninh quốc gia bị xâm phạm.
Chủ tịch Hạ viện Libya (tại Tobruk), ông Aguila Saleh Issa cũng đã có mặt tại cuộc họp nghị viện ở Cairo và tố cáo cộng đồng quốc tế vì đã "bỏ rơi người Libya giữa chừng" trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ và khiến người dân trở thành "con mồi" của các tổ chức khủng bố.
"Libya không kêu gọi viện trợ từ bất cứ ai, nhưng đây là cảnh báo về sự điên rồ còn gọi là "Tân đế chế Ottoman.Đây là một nỗ lực tuyệt vọng của một chế độ độc tài phát xít đã tàn nhẫn nhằm vào người Thổ, người Arab, người Kurd và những dân tộc khác (ở Trung Đông và Bắc Phi).
Các thỏa thuận hợp tác về an ninh và hàng hải được ký kết giữa Ankara và Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) có trụ sở tại Tripoli là vô hiệu vì chúng không được quốc hội phê chuẩn.
Người dân Libya và Quân đội Quốc gia (LNA) có quyền chống khủng bố và bảo vệ tổ quốc trước cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi có thể sẽ bị buộc phải mời các lực lượng vũ trang Ai Cập can thiệp (vào Libya)".
Tờ Ahval News đưa tin 3 lính Thổ đã thiệt mạng trong giao tranh với lực lượng LNA tại thành phố Misrata, Libya hôm 10/1. Theo TT Erdogan, đã có 35 lính Thổ được triển khai tại Libya.
Về phần mình, ông Abul Aal cho biết Cairo đã mời các lãnh đạo Libya, bao gồm cả Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj tới để triển khai một giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên cũng theo Chủ tịch Hạ viện Ai Cập, "một số lãnh đạo" (bao gồm ông Sarraj) đã bị sức ép từ "các nhóm khủng bố ở Tripoli" và sau đó đã "trở phe" sang Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang "gây rối" trong khu vực.
Nhận xét của ông Saleh Issa và Abdul Aal trùng với một cuộc tập trận của Hải quân Ai Cập tại Địa Trung Hải.
Cuộc tập trận phối hợp giữa các lực lượng hải quân, lục quân, biên phòng và lực lượng đặc biệt tập trung vào việc chống lại "một cuộc xâm lược". Đây là lần cuộc tập trận thứ hai của Ai Cập diễn ra trong tuần qua.
Một mũi tiến quân của LNA khai hỏa vào vị trí đối phương tại Misrata, Libya.
Lệnh ngừng bắn "mong manh"?
Lực lượng LNA dưới sự chỉ huy của Tướng Haftar và đối phương là GNA đã tuyên bố ngừng bắn kể từ rạng sáng ngày 12/1/2020, khiến chiến dịch quân sự ở Tripoli tạm dừng.
Lệnh ngừng bắn mong manh nói trên đã được tiến hành giữa áp lực từ quốc tế và khu vực sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul tuần trước. Tuy nhiên việc vi phạm ngưng bắn đã bị cả hai bên cáo buộc.
GNA thì tuyên bố rằng mặc dù có tiếng súng ở khu vực Salaheddin và Wadi Rabea ngay sau khi ngừng bắn bắt đầu (GNA cáo buộc do LNA khai hỏa) lực lượng của họ vẫn cam kết thực hiện ngừng bắn .
Theo chỉ huy LNA al-Mabrouk Al-Gazawi, dân quân trung thành với GNA đã vi phạm lệnh ngừng bắn trên nhiều mặt trận bằng vũ khí hạng nặng. LNA cho biết họ vẫn giữ ý định tiếp tục chiến dịch quân sự ở Tripoli nếu đàm phán đổ vỡ.
Căng thẳng trong khu vực đã tăng cao sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho phép triển khai quân đội tới Libya, sau thỏa thuận giữa GNA và Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh và hàng hải.
Các thỏa thuận cũng gây phẫn nộ cho các nước Địa Trung Hải bao gồm Ai Cập, Israel, Hy Lạp và Cyprus (đảo Síp).
Các thỏa thuận được cho là một "báo động đỏ" đối với các quốc gia Địa Trung Hải và Liên Hiệp Quốc và cảnh báo rằng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm leo thang tình hình ở quốc gia Bắc Phi vốn đã bất ổn.
Lữ đoàn 136, một nhóm dân quân trung thành với GNA đã nhân cơ hội ngưng bắn để tuyên bố "trở phe" sang LNA.