Khordad 15: Bước đột phá về công nghệ của Iran?
Đầu tháng 6/2019, Iran thông báo hệ thống tên lửa phòng không do nước này tự chế tạo nội địa mang tên Khordad 15 đã đi vào hoạt động. Ba tuần sau, Tehran tuyên bố bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-4A Global Hawk tối tân của Mỹ trên Eo biển Hormuz với cáo buộc nó đã vi phạm không phận nước này.
Vào thời điểm đó còn có một máy bay trinh sát điện tử (ELINT) 4 động cơ có người lái hoạt động gần đó với 35 thành viên phi hành đoàn trên khoang. Iran sau đó thừa nhận họ đã chủ động không bắn hạ chiếc máy bay có người lái này.
Tất nhiên, khi Iran đưa ra tuyên bố trên thì cũng cần phải xét tới yếu tố chiếc máy bay có người lái chắc chắn được trang bị các hệ thống phòng thủ chống lại nguy cơ bị tấn công từ đối phương trong khi chiếc UAV thì không.
Việc Iran bắn rơi một chiếc UAV đắt đỏ (trên 100 triệu USD) của Mỹ rõ ràng là một hành động khiêu khích nhưng với dân chúng Iran, đó được xem là bằng chứng để Tehran truyền đi thông điệp rằng: Tất cả các hệ thống phòng không của nước này đang hoạt động hiệu quả.
Xe phóng của hệ thống Khordad-15 và tên lửa Sayyad-3. Ảnh; Sputnik
Trên thực tế, không phải mọi thứ đều tốt đẹp và chắc chắn như vậy. Các lãnh đạo Iran biết điều đó và đôi khi họ còn thừa nhận công khai. Hệ thống Khordad 15 sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) là mội ví dụ.
Hiện nay, đây là công nghệ hiệu quả nhất cho các radar quân sự tuy đã được phát triển từ những năm 1950. Năm 1960 Mỹ đưa hệ thống radar AESA đầu tiên đi vào hoạt động (cho các tổ hợp phòng không). Nga tiếp bước vào cuối những năm 1960.
Sự phát triển của các thiết bị vi điện tử rẻ hơn, nhanh hơn và có độ tin cậy cao hơn giúp cho việc đưa AESA lên các tàu chiến những năm 1970 và lên các máy bay chiến đấu những năm 1990 khá thuận lợi.
Tuy nhiên, khi bị cấm nhập khẩu các radar quân sự AESA từ những năm 1980, Iran buộc phải tìm cách phát triển nội địa công nghệ này.
Các nguyên tắc cơ bản không quá khó và giới khoa học cũng như kỹ sư Iran có khả năng nắm bắt được cách thức chế tạo nhưng chế độ xã hội hà khắc đã bóp nghẹt quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử thương mại cần thiết để hỗ trợ cho việc thiết kế và sản xuất các hệ thống như AESA.
Mặc dù Iran luôn sản sinh được rất nhiều kỹ sư công nghệ và các nhà khoa học nhưng phần lớn những người tốt nhất lại di cư sang phương Tây để tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Vì vậy, các công nghệ như thế này thường được phát triển trong các nhà xưởng chứ không phải nhà máy, bởi nhu cầu nội địa quá nhỏ và công nghệ quân sự của Iran thì không có thị trường xuất khẩu thực sự.
Trong một thời gian nhất định, Iran đã từng có thể phát triển phần mềm quân sự khá dễ dàng dựa vào các mã "đánh cắp" trên Internet (hoặc được các nhà phát triển, hacker Trung Quốc hay Nga chuyển giao).
Tuy nhiên, thiết kế và phát triển một hệ thống kiểm soát hỏa lực tận dụng tối đa công năng của AESA thì không hề đơn giản. Nó cần tới thời gian, trình độ, quyết tâm và thậm chí là khả năng tiếp cận được các mã tiên tiến hơn.
Các kỹ sư và nhà khoa học Iran vẫn được ngưỡng mộ trước khả năng họ có thể chế tạo được nhiều hệ thống quân sự công nghệ cao. Thế nhưng, dù ngưỡng mộ như vậy nhưng thứ công nghệ ấy thường đi sau những sản phẩm của các nhà sản xuất thương mại và quân sự ở phương Tây.
Trung Quốc bám đuổi được cuộc chơi, họ phát triển được công nghệ AESA hiện đại trong 2 thập kỷ vừa qua vì Bắc Kinh có thị trường nội địa và xuất khẩu lớn cho dòng công nghệ này.
Radar Falaq do Iran nâng cấp trên nguyên mẫu radar 67N6E GAMMA DE của Nga
Khordad 15 Iran cũng chỉ như S-200 Nga?
Còn với Khordad 15, sử dụng tên lửa Sayyad-3, về cơ bản chỉ tương đương với các hệ thống S-200 của Nga, loại hệ thống đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh với một số nâng cấp.
Syria hiện vẫn sử dụng rất nhiều hệ thống S-200 nhưng trước các cuộc không kích của Israel nó được xem là "thảm họa" nhiều hơn chứ không bộc lộ vấn đề gì quá khó khăn với các máy bay chiến đấu Israel và thực tế đã chứng minh điều đó.
Ngày 17/3/2017, các hệ thống S-200 ở Syria đã gây sự chú ý đặc biệt khi chúng được sử dụng để đánh đuổi 2 chiến đấu cơ của Israel.
Cụ thể, sau khi Israel không kích một đoàn xe chở vũ khí từ Syria sang cho các lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Quân đội Syria đã phóng đi 2 quả tên lửa 5V21 từ các tổ hợp S-200 đã được Nga nâng cấp trước đó vào năm 2016.
Tuy nhiên, vào thời điểm các tên lửa 5V21 khai hỏa, máy bay chiến đấu Israel đã trở về an toàn trên không phận nước này và nằm ngoài tầm với của bất kỳ mối đe dọa nào. Một tên lửa 5V21 đã bị hệ thống phòng thủ Arrow 2 của Israel đánh chặn. Đây cũng là lần đầu tiên Arrow được sử dụng trong chiến đấu.
Không rõ liệu quả tên lửa 5V21 thứ hai có rơi xuống lãnh thổ Israel hay không nhưng Quân đội Israel cho biết tất cả công dân của họ đều an toàn còn máy bay cũng không hề hấn gì. Trong khi đó, Syria tuyên bố bắn rơi một trong số các máy bay của Israel nhưng lại chẳng đưa ra được bằng chứng nào.
Đến tháng 9/2018, S-200 Syria lại tiếp tục gây ra một vụ tai tiếng để đời khi bắn rơi chiếc máy bay trinh sát Il-20 cùng với 15 thành viên phi hành đoàn trên khoang trong quá trình truy đuổi các máy bay F-16I của Irsrael tấn công trước đó.
Sau thảm kịch này, vào tháng 10/2018 Nga đã quyết định chuyển giao cho Syria 3 tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hiện đại hơn.
Iran giới thiệu hệ thống phòng không mới Khordad 15 do nước này tự chế tạo nội địa