Lầu Năm Góc đã bỏ quên điều gì về "sát thủ diệt Guam" Trung Quốc?

Hải Vy |

Theo chuyên gia Kazianis, tên lửa DF-26 khiến tàu sân bay và tàu chiến mặt nước của Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa cách xa 4.000km từ lục địa Trung Quốc.

DF-26: "Lỗ hổng" trong báo cáo Mỹ

Theo chuyên gia phân tích Harry J. Kazianis trên tạp chí National Interest, bản báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về tình hình quân đội Trung Quốc có một "lỗ hổng" khiến nó chưa thực sự hoàn thiện.

Trong vài tháng gần đây, đã có một loạt bài báo viết chi tiết về loại tên lửa đạn đạo chống hạm mới của Trung Quốc, gọi là DF-26. Đây là thành viên tiếp theo trong gia đình tên lửa đạn đạo Dong Feng, được phát triển dựa trên thành công của "sát thủ tàu sân bay" DF-21D.

DF-26 đã làm dấy lên cuộc tranh luận lớn vào tháng 9 năm ngoái khi xuất hiện trong cuộc duyệt binh diễn ra tại Bắc Kinh.

Trung Quốc giới thiệu đây là loại tên lửa có thể mang đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân, có thể thực hiện các đợt tấn công chính xác từ tầm trung tới tầm xa, nhằm vào các mục tiêu cỡ trung đến cỡ lớn ở trên bộ và trên biển.

DF-26 được xem là một loại vũ khí răn đe chiến lược mới của Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc đã bỏ quên điều gì về sát thủ diệt Guam Trung Quốc? - Ảnh 1.

 Tên lửa DF-26 trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến nó thu hút sự chú ý, đó là DF-26 có tầm bắn tối đa tới 2.500 dặm (khoảng 4.000km). Điều này khiến Hải quân Mỹ phải cân nhắc rất nghiêm túc.

Thế nhưng, bản báo cáo mới của Lầu Năm Góc lại đề cập rất ít thông tin về DF-26, thậm chí là về biến thể chống hạm của nó, trong khi đây là loại vũ khí "thay đổi cuộc chơi" nếu xét về tầm bắn.

Nói về biến thể thông thường của DF-26, Lầu Năm Góc cho biết, khi được triển khai, tên lửa này sẽ có khả năng tiến hành những cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu trên bộ và góp phần tăng khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.

Biến thể hạt nhân của DF-26, nếu có cùng khả năng dẫn hướng như trên, sẽ mang lại cho năng lực tấn công phủ đầu chính xác bằng vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, bản báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng, DF-26 có khả năng thực hiện những cuộc tấn công tức thì nhằm vào các mục tiêu trên bộ, trong đó có các cơ sở quân sự của Mỹ tại Guam.

Song chuyên gia Kazianis nhận thấy rằng, điều quan trọng và đáng lo ngại hơn cả ở đây là tàu sân bay và tàu chiến mặt nước của Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa cách xa 4.000km từ lục địa Trung Quốc.

Vậy nhưng, bản báo cáo của Lầu Năm Góc lại không đề cập trực tiếp tới nguy cơ này.

Lầu Năm Góc đã bỏ quên điều gì về sát thủ diệt Guam Trung Quốc? - Ảnh 2.

 Tên lửa DF-21D

Chỉ có một chút thông tin ít ỏi về phiên bản chống hạm của DF-26 được đề cập gián tiếp trong bản báo cáo:

Quân đội Trung Quốc (PLA) đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo chống tàu tầm trung (IRBM) di động có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, giúp tăng khả năng tấn công chính xác của nước này tới "chuỗi đảo thứ 2".

Hải quân Trung Quốc (PLAN) cũng đang tăng cường khả năng ngắm bắn vượt đường chân trời (OTH) thông qua các loại radar OTH.

Chúng có thể được sử dụng kết hợp với các vệ tinh do thám để định vị mục tiêu từ Trung Quốc, ở khoảng cách xa (qua đó hỗ trợ các cuộc tấn công tầm xa, bao gồm cả việc triển khai các tên lửa chống hạm).

Trái với những báo cáo chi tiết trước đây của Lầu Năm Góc về DF-21, báo cáo lần này cho thấy quân đội Mỹ hiện nắm được rất ít thông tin về năng lực chống hạm thực sự của DF-26, có thể là nhiều hơn các nguồn tin mở nhưng chưa thực sự đáng kể.

Cơn ác mộng "chống tiếp cận" ở châu Á

Dường như quân đội Mỹ đang có một cuộc tranh cãi về mức độ hiệu quả của tên lửa này trước các mục tiêu cố định trên bộ và trước mục tiêu di động từ khoảng cách xa.

Theo chuyên gia Kazianis, hoàn toàn có khả năng các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ phải đối mặt với những đợt tấn công dồn dập của các loại tên lửa đạn đạo tiên tiến Trung Quốc từ chuỗi đảo thứ 2, nếu không có thông tin tình báo rõ ràng xác nhận về nguy cơ này.

Phiên bản chống hạm của DF-26 tầm bắn 4.000km, kết hợp với DF-21D (đã sẵn sàng hoạt động từ vài năm nay) tầm bắn gần 1.500km và các loại tên lửa hành trình chống tàu khác nhau phóng từ trên bộ-không-biển sẽ khiến Hải quân Mỹ nhanh chóng đối mặt với cơn ác mộng chống tiếp cận tại châu Á-Thái Bình Dương.

USCC: DF-26 chưa thể tấn công Guam

Trong khi chuyên gia Kazianis bày tỏ mối lo ngại lớn về phiên bản chống hạm của DF-26 thì báo cáo trước đó của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) lại đưa ra nhận định có phần "lạc quan" hơn.

Cụ thể, theo USCC, chưa có cuộc thử nghiệm được ghi nhận nào cho thấy PLA đã thử nghiệm thành công khả năng tiêu diệt mục tiêu di động trên biển của DF-26.

Ngoài ra, tầm bắn tăng cường của tên lửa này có vẻ làm phức tạp thêm thách thức về mục tiêu mà Trung Quốc đang gặp phải với tên lửa DF-21D.

Vì thế, theo USCC, khả năng Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 trong các cuộc tấn công chính xác nhằm vào tàu sân bay Mỹ gần Guam vẫn chưa rõ ràng, một khi PLA chưa chứng tỏ được họ thực sự có khả năng này.

Bản báo cáo của USCC đồng thời lưu ý rằng DF-26 "có vẻ có hạn chế nghiêm trọng về độ chính xác". Do đó, cho tới hiện tại, nguy cơ Trung Quốc tấn công thành công vào Guam là tương đối thấp.

Bản báo cáo cho rằng, để đánh giá khả năng Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam, Mỹ cần giám sát chặt chẽ các mặt sau:

Các đợt triển khai tăng cường tên lửa DF-26, những tiến bộ về chất lượng để nâng cao khả năng tấn công chính xác của Trung Quốc, phi đội máy bay ném bom, khả năng tiếp dầu trên không và công nghệ tĩnh lặng trên tàu ngầm Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại