Ngôi làng Pioppi ở miền Nam nước Ý đã được UNESCO công nhận là một nơi có cuộc sống lành mạnh nhất thế giới, "ngôi làng sống thọ nhất thế giới". Nơi đây, tuổi thọ trung bình của cư dân là trên 100 tuổi và là một cái nôi của chế độ ăn Địa Trung Hải.
Vì thế, chuyên gia hàng đầu về tim mạch tại Anh quốc, tiến sĩ - bác sĩ Aseem Malhotra đã cất công đến vùng này để tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương.
Bác sĩ Malhotra nhận định rằng chế độ ăn uống là vấn đề số một, quan trọng hơn cả so với các yếu tố khác như lười tập thể dục, hút thuốc lá và uống rượu - vốn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật và cái chết.
Cùng chế độ ăn uống, các yếu tố khác giúp họ kéo dài tuổi thọ đó là ít căng thẳng, ngủ đủ 7 tiếng/ngày. Thậm chí họ còn uống một ly rượu mỗi ngày.
Một cảnh thanh bình thường thấy ở làng Pioppi.
Hạn chế tiêu thụ đường
Điều đầu tiên khiến bác sĩ Malhotra ngạc nhiên về người dân ở làng Pioppi là họ rất hiếm khi mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mặc dù chế độ ăn của họ chứa nhiều chất béo.
Qua tìm hiểu thực đơn của người dân địa phương, bác sĩ Malhotra thấy họ ăn rất ít đường. Tần suất là 1 lần/tuần.
Dành nhiều năm nghiên cứu về bệnh tim và bệnh béo phì đang gia tăng ở Anh, bác sĩ Malhotra cho rằng chính việc ăn nhiều đường và carbohydrate tinh luyện đã tiếp tay cho tình trạng gia tăng bệnh tim, béo phì và tiểu đường type 2.
"Tôi đã đọc rất nhiều nghiên cứu và có kết luận rằng những thay đổi trong lối sống đơn giản như hạn chế tiêu thụ đường có sức mạnh hơn bất kỳ loại thuốc nào trong phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim", ông nói.
Đường được xem "chất gây nghiện nguy hiểm nhất trong thời đại của chúng ta". Ông ước tính nếu người dân Anh thay đổi cách sống, họ có thể đạt được các kết quả khả quan chỉ trong vòng 3 tuần và có khi còn đảo ngược tình trạng tiểu đường type 2 trong một số trường hợp.
Là một thành viên sáng lập nhóm Action on Sugar (Hành động với Đường), bác sĩ Malhotra đang kêu gọi "đánh thuế đường" vào các sản phẩm bánh kẹo và nước ngọt.
Chế độ ăn giàu thực vật và "nhịn ăn liên tục"
Ngôi làng Pioppi không có siêu thị. Người dân thường chỉ ăn nhiều rau, cá và dầu ô liu, ít đường, sữa, thịt và carbohydrate tinh chế. Họ ăn mì ống và bánh mì, nhưng với số lượng hạn chế.
"Xét về mặt lịch sử, Pioppi nằm trong một khu vực nghèo của Italy, nhưng sức khoẻ của con người nơi đây thì thật sự dồi dào.
Chúng tôi thấy rằng người dân Pioppi không có chế độ ăn uống giàu các sản phẩm từ sữa khác ngoài phô-mai nhưng điều này là do họ không có sự lựa chọn nào khác. Đơn giản là các sản phẩm từ sữa khác không có sẵn.
Ngôi làng Pioppi được xem là cái nôi của chế độ ăn Địa Trung Hải.
Họ cũng không ăn nhiều thịt do loại thực phẩm này rất đắt. Một chế độ dinh dưỡng ít đường, nhiều loại rau tự trồng với cá, dầu ôliu trong mỗi bữa ăn đã mang lại cho họ những lợi ích về sức khoẻ tuyệt vời", bác sĩ Malhotra nhận định.
Ông cũng chỉ ra rằng người dân nơi đây chỉ ăn món tráng miệng vào ngày Chủ nhật và ăn pizza một hoặc hai lần mỗi tháng.
Và mặc dù có thể không phải cố ý, việc "nhịn ăn liên tục" giống như một điều bình thường và tự nhiên của cuộc sống trong làng.
Bác sĩ Malhotra nói rằng điều này có tác dụng chống lão hóa khi cơ thể phản ứng với "cơn bão hoóc-môn lành mạnh". Do đó, nhịn ăn có thể làm trì hoãn sự suy giảm hoóc-môn tăng trưởng của người (HGH) xảy ra tự nhiên khi chúng ta già đi.
Và mặc dù không tập thể dục theo kiểu phương Tây, nhưng người dân Pioppi vẫn luôn "vận động". Ông cũng lưu ý rằng tất cả dân làng đều có giấc ngủ ngắn truyền thống vào mỗi buổi chiều.
Cân bằng hợp lý các chất béo
Bác sĩ Malhotra nói chế độ ăn là vấn đề số một với sức khỏe, quan trọng hơn cả việc lười hoạt động thể chất, hút thuốc và uống rượu, trong việc góp phần gây ra bệnh tật và tử vong.
Ông kêu gọi mọi người ngừng tính số calo, không quá quan tâm đến cân nặng và bảo đảm ăn rau xanh mỗi ngày.
Nên cân bằng chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Chúng ta cũng nên gạt bỏ nỗi sợ về chất béo bão hòa, thay vào đó hãy tập trung vào việc cân bằng giữa omega-3 và omega-6, hai loại axít béo không bão hòa chuỗi đa.
Bác sĩ Malhotra nói rằng các loại thực phẩm mang nhãn hiệu "ít chất béo", "không chứa gluten" hoặc "tốt cho tim" dễ có khả năng gây hại cho sức khoẻ của bạn.
Mọi người nên nhớ rằng omega-6 cũng là một axit béo thiết yếu, vì nó đóng một vai trò trong đáp ứng miễn dịch với nhiễm trùng.
Vấn đề của chế độ ăn kiểu phương Tây là đang nhận quá nhiều chất này từ thực phẩm chế biến sẵn và không nhận đủ omega-3. Những thực phầm giàu omega-3 gồm cá, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó và đậu nành.
8 bước để sống thọ của bác sĩ Malhotra
1. Đừng sợ chất béo. Đường và carbonhydrat tinh chế mới là kẻ thù.
2. Luôn vận động. Tập thể dục vì sức khoẻ chứ không phải để giảm cân (đi bộ là tốt nhất).
3. Dầu ôliu nguyên chất là thuốc, các loại hạt có vỏ cứng cũng vậy. Hãy ăn 2 thứ này hàng ngày.
4. Ngủ 7 giờ/đêm.
5. Dừng tính số calo. Không phải tất cả các calo đều được tạo ra như nhau.
6. Ăn 10 quả trứng/tuần - chúng giàu đạm và giúp no bụng.
7. Ăn 2 phần rau trong ít nhất 2 bữa trong ngày.
8. Nhịn đói trong 24 giờ trong 1 lần/tuần. Ăn tối, sau đó không ăn sáng hoặc ăn trưa vào ngày hôm sau.
* Theo Telegraph, Daily Mail