Lá bài khôn ngoan giúp TT Putin đẩy S-400 lên đỉnh cao uy quyền giữa sự “chìm nghỉm” của Patriot từ Mỹ

Vũ Thu Hương |

Nhà lãnh đạo Nga đã có cả chiến dịch quảng bá, tiếp cận khôn ngoan cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga trong bối cảnh liên tiếp nổ ra các vụ tấn công tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi.

Theo AsiaTimes, trò chơi của người Saudi Arabia vẫn đang diễn ra và người chiến thắng sẽ thu về khoản thu kếch xù nhờ những thương vụ bán vũ khí đắt đỏ.

Tổng thống Nga Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm Saudi Arabia, quốc gia đã phải gánh chịu nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu một tháng trước.

Nhà lãnh đạo Nga mang một mục tiêu: chào hàng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, trang CGTN.com nhận định.

Trong cuộc họp với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở Ankara tháng trước, ông Putin chỉ ra rằng Saudi Arabia sẽ tránh được rủi ro, thiệt hại từ cuộc tấn công nếu nước này mua hệ thống phòng không của Nga.

"Giới lãnh đạo chính trị Saudi Arabia chỉ cần đưa ra quyết định khôn ngoan", ông Putin cho biết đồng thời lấy minh chứng bằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đã mua S-400 và Iran mua S-300 của Nga.

"Chúng sẽ bảo vệ tất cả các cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia", ông Putin cho biết.

Vậy hệ thống phòng thủ này khác hệ thống của Saudi Arabia đang sử dụng ra sao?

Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của quận Khurais và Abqaiq của Saudi hôm 14/9 đã làm giảm sút đến một nửa việc sản xuất dầu của nước này trong một ngày.

Hoạt động tấn công dường như liên quan đến tên lửa hành trình và máy bay không người lái được cho là sản xuất tại Iran và các vũ khí này có thể đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân đội Saudi trong đó có 6 tiểu đoàn hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do nhà thầu quốc phòng Mỹ sản xuất trị giá nhiều tỷ USD.

Đáng chú ý, hệ thống Patriot được thiết kế để ngăn chặn tên lửa đạn đạo và máy bay từ xa. Khi tên lửa hành trình và máy bay không người lái bay ở khoảng cách gần, độ cong của Trái đất khiến vũ khí này gặp khó trong việc phát hiện kẻ thù.

Một số nhà phân tích cho rằng hệ thống phòng thủ của Nga có thể sử dụng radar linh động hơn nhằm ứng phó kịp thời trong những trường hợp như thế này.

Sức mạnh đặc biệt của S-300 và các phiên bản sau đó, S-400 ngày càng rộng mở. Khả năng linh hoạt của hệ thống vũ khí này có thể tấn công tới mọi mục tiêu khác nhau, từ máy bay cho tới tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo...

S-400 cũng được thiết kế để có thể vận hành tốt trong mọi hướng trong khi đó hệ thống Patriot bị giới hạn trong một số hướng nhất định. Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng nhiều tên lửa Patriot được triển khai tới gần các cơ sở dầu bị tấn công nhưng cũng không thể phát hiện ra kẻ địch chỉ vì lệch hướng quan sát.

Quan chức ngành hàng không đã nghỉ hưu của Thổ Nhĩ Kỳ có tên Marshall Kapil Kak nhận định, xét về khả năng theo dõi và quét radar cũng như độ bao phủ, S-400 là tốt nhất trên thế giới, TRT World báo cáo.

Ông cũng cho rằng việc Mỹ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua Patriot thay S-400 là sự thay thế không khả thi.

Ông Marshall Kapil cho biết: Với S-400, chúng tôi hiểu rõ giá trị của vũ khí này. Nhưng chúng tôi chưa hiểu rõ lắm về những điều người Mỹ nói về Patriot. Vũ khí này được sử dụng từ chiến tranh vùng Vịnh và thường xuyên được cải tiến.

"Nhưng theo như thông số, chúng tôi hiểu vũ khí này không thể vượt trội bằng S-400", một chuyên gia về quốc phòng cho biết.

Dù không rõ các nước sẽ trả bao nhiêu tiền cho một trong hai hệ thống vũ khí của Nga và Mỹ này nhưng thông thường vũ khí Nga rẻ hơn vũ khí Mỹ.

Dù cho S-400 tốt hơn nhiều so với Patriot nhưng vẫn có một số người vẫn lựa chọn vũ khí Mỹ. Sự lựa chọn khí tài quốc phòng cũng một phần phụ thuộc vào áp lực ngoại giao của từng quốc gia.

Sự cạnh tranh trong việc bán vũ khí giữa Nga và Mỹ đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh.

Từ năm 2014 đến 2018, Nga và Mỹ là 2 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Hai nước chiếm đến 57% tổng khối lượng vũ khí xuất khẩu trong giai đoạn này.

Ở Trung Đông, nơi căng thẳng và chiến tranh hiện diện, hẳn nhiên doanh số mua vũ khí ở khu vực này gia tăng và Washington, Moscow thường cạnh tranh ngay cùng một khách hàng.

Nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn mua S-400 thay vì hệ thống phòng thủ Mỹ thậm chí ngay cả khi phải đối mặt với sự trừng phạt từ Mỹ vì mua vũ khí Nga.

Các quan chức Mỹ từng nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ với lệnh trừng lệnh nặng nếu mua vũ khí Nga.

Nhưng sau vụ tấn công dầu mỏ của Saudi, quan chức Nga vẫn kiên trì thuyết phục các khách hàng tiềm năng ở Trung Đông mua vũ khí.

Và khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Ankara vì những hành động quân sự nhằm vào người Kurd ở Syria có thể một lần nữa sẽ đẩy Ankara vào vùng ảnh hưởng của Nga. Và điều này thực sự là thảm họa với người Mỹ, giới phân tích nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại