Ký ức và chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp

VƯƠNG HÀ |

Tối 4-1 tại Nhà hát Quân đội, Hà Nội, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội đã tổ chức chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử có chủ đề: “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp.

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/7-1-2019), truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Đến dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (TCCT).

Cùng dự có các đồng chí: Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia; Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm TCCT.

Ký ức và chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp - Ảnh 1.

Tiết mục hát múa truyền thống Campuchia "Buôn-đam-vap-bơ-thoa" của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.

Qua các phóng sự ngắn đã gợi lại kí ức mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân vùng biên giới Tây Nam, không ai có thể quên được những cuộc thảm sát đẫm máu mà Tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt đã gây ra như ở Ba Chúc, Thổ Chu và nhiều địa phương khác.

Trước tội ác ấy, Việt Nam đã quyết định phải nổ súng, để chống lại tội ác diệt chủng và xâm lược. Và cũng là để giúp nhân dân Campuchia lật đổ một chế độ đã gây ra những đau thương không gì bù đắp nổi với hàng triệu người dân vô tội…

Chương trình đã mở ra hình ảnh một đất nước Campuchia tươi đẹp với nền văn hóa Ăng-ko huy hoàng bỗng trở thành đống đổ nát, chùa chiền, bệnh viện, trường học hoang tàn… Gần 3 triệu người dân vô tội đã bị cướp đi sinh mạng.

Tất cả, đều do tội ác của đội quân phản động Pôn Pốt. Nhưng từ những cánh đồng chết, Campuchia đã hồi sinh mạnh mẽ với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam mà trực tiếp là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn 10 năm đồng cam cộng khổ, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng với Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia để hồi sinh đất nước Chùa Tháp từ hoang tàn, đau thương. Bộ đội Cụ Hồ đã được nhân dân Campuchia biết ơn, trìu mến gọi là "Đội quân nhà Phật".

Ký ức và chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp - Ảnh 2.

Đại tá Lã Văn Nho và đồng chí Nguyễn Hữu Lộc kể lại 10 năm chiến đấu và giúp nước bạn hồi sinh.


Điểm nhấn của chương trình là phần giao lưu với các nhân chứng qua những câu chuyện, hồi ức của Đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn 309, Mặt trận 479 Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4.

Không chỉ trực tiếp chiến đấu, Đại tá Nguyễn Văn Hồng đã có 4 cuốn sách về chiến trường Campuchia, trong đó cuốn hồi ức "Cuộc chiến tranh bắt buộc" viết năm 2004 đã khắc họa đậm nét cuộc chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Campuchia.

Cuốn sách đã được dựng thành 10 tập phim. Đại tá Nguyễn Văn Hồng cũng là diễn viên trong một số tập phim này.

Tiếp đó là câu chuyện của hai nhân chứng lịch sử đã có mặt ở Campuchia trong 10 năm chiến đấu và giúp nước bạn hồi sinh là Đại tá Lã Văn Nho, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, nguyên Trung đoàn phó-tham mưu trưởng Trung đoàn 271, Sư đoàn 302, cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 và đồng chí Nguyễn Hữu Lộc, nguyên cán bộ Trung đoàn 726, Đoàn 7704, Mặt trận 479 đã chia sẻ với chương trình rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, thú vị trong hành trình 10 năm chiến đấu và công tác trên đất nước Chùa Tháp…

Ký ức và chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp - Ảnh 3.

Tiết mục "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara".


Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến đấu chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hơn 5 vạn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ngã xuống, máu các anh thấm đỏ đất đai, ruộng đồng xứ bạn để cuộc sống hồi sinh...

Nhiều năm qua, cả Việt Nam và Campuchia đều huy động mọi nguồn lực và phối hợp rất chặt chẽ để tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia, để đưa các anh-những con người được hai đất nước ghi công, được trở về với đất mẹ Việt Nam…

Đó là Trung úy K’Hiêu Rưm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Rattanakiri, Campuchia đã có 14 năm tham gia công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ rất vất vả và Thiếu tá Trần Đức Độ, Phân đội trưởng Đội K53, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã chia sẻ trong phần giao lưu trực tiếp trên sân khấu.

Ký ức và chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp - Ảnh 4.

Phần giao lưu của Trung úy K’Hiêu Rưm và Trung tá Trần Đức Độ.


Xen kẽ trong các phóng sự là những ca khúc đã đi cùng năm tháng và lắng sâu trong tâm hồn của người dân hai nước Việt Nam-Campuchia, như: "Ở hai đầu nỗi nhớ", "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara", "Nụ hoa và cây súng", "Đồng đội", "Bài ca hữu nghị Việt Nam-Campuchia"…

Những năm tháng gian lao chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng đã lùi vào lịch sử.

Nhưng thời gian không thể xóa nhòa những kí ức và chiến công bi hùng ấy. Và càng không thể xóa nhòa trong lòng nhân dân Campuchia về hình ảnh một "Đội quân nhà Phật" đã chiến đấu với tinh thần vô tư, trong sáng.

Những điều đó là nền tảng vững chắc giúp cho quan hệ "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia sẽ ngày càng được vun đắp và phát triển hơn nữa.

Ký ức và chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp - Ảnh 6.

Đại tá Rem Kan, Tuỳ viên Quốc phòng Campuchia tại Việt Nam trao tặng quà tới Đại tá Nguyễn Dĩnh, cựu quân tình nguyện cơ quan chính trị Bộ tư lệnh 719 Việt Nam tại Campuchia.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại