Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!
Phần 3: Chiến tranh để có Hòa Bình
Đúng 40 năm trước, những ngày cuối năm 1978, những người lính tình nguyện Việt Nam bắt đầu cuộc chiến đấu giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Polpot - Khmer Đỏ. Ngày 07/01/1979, thủ đô PhnomPenh được giải phóng, đánh dấu ngày tàn của chế độ Khmer Đỏ.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Polpot, giải phóng thủ đô Phnom Penh và đất nước Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Xem lại Phần 1: Dù rằng đời ta thích hoa hồng
Xem lại Phần 2: Tây Nam: Cuộc chiến không hề mong muốn
Nhân nói về chuyện rút quân, cho đến nay vẫn có một số ý kiến cho rằng sau khi giải phóng Phnompenh năm 1979, Việt Nam vẫn đóng quân ở lại tới 10 năm là quá lâu và hậu quả là Việt Nam phải trả những cái giá tương đối nặng nề do sự bao vây, cấm vận của quốc tế. Tại sao mình không rút quân sớm hơn, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đơn giản là Khmer Đỏ vẫn còn tồn tại và chưa có một giải pháp hòa bình cho Campuchia.
Nếu chúng ta rút quân sớm hơn, Campuchia sẽ có nội chiến, cuộc cách mạng của nhân dân Campuchia sẽ bị dập tắt và một lần nữa Campuchia sẽ bị dìm trong biển máu. Cần phải cô lập được Khmer Đỏ và có giải pháp hòa bình là một yêu cầu bắt buộc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Những gì Campuchia có được ngày hôm nay chính là kết quả của việc chúng ta đã giải phóng Campuchia và gồng mình ở lại, dù biết rằng sẽ gặp muôn vàn hy sinh, gian khó. Chúng ta hiểu rằng, chưa thể giải quyết ngay Polpot vì nó được một số nước lớn, một số nước láng giềng ủng hộ.
Nhưng rồi khi 28 nước cùng phải ngồi xuống và ký vào Hiệp định Paris có nghĩa là Việt Nam đã buộc cả cộng đồng quốc tế phải công nhận sự tồn tại của chính quyền Campuchia do Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia lãnh đạo và cam kết chấm dứt chiến tranh, chấm dứt viện trợ chiến tranh.
Nếu ta chỉ rút cho "rảnh thân" và tìm cách bảo vệ biên giới thì đất nước Campuchia sẽ rơi vào thảm họa diệt chủng một lần nữa. Và nếu Campuchia rơi vào nội chiến thì Việt Nam liệu có tránh được khỏi chiến tranh một lần nữa hay không?
Biên giới của chúng ta liệu có yên không? Với một nước láng giềng như thế, Việt Nam có thể yên tâm mà phát triển hay không?
Nói một cách hình tượng hơn, khi mà chúng ta đã nhẫn nhịn hết mức mà có kẻ vẫn cầm dao xông vào nhà mình, giết dân mình thì buộc lòng chúng ta phải đánh trả. Đã đánh thì phải đánh cho tiệt nọc. Chỉ đến khi Hiệp định Paris được ký kết thì Việt Nam mới có thể yên tâm rút quân về nước.
Nói như thế để thấy rằng, tất cả mọi việc của chúng ta đều có sự chuẩn bị, từ việc đưa quân sang hay việc rút quân về. Tất cả đều mạch lạc, có sự tính toán và chuẩn bị thấu đáo chứ không hề bị động.
Không chỉ có thế, ngay cả khi đã rút quân về chúng ta vẫn giữ được mối quan hệ tốt cho dù sau đó có rất nhiều biến cố khác xảy ra ở Campuchia như UNTAC (Cơ quan chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại Campuchia) vào tiếp quản Campuchia hay đảng FUNCINPEC (Đảng bảo hoàng) giành thắng lợi trong bầu cử năm 1993, Đảng Nhân dân Campuchia gặp khó khăn hay đảo chính năm 1996.
Và phải đến năm 1998, Đảng Nhân dân Campuchia mới thắng cử, thực sự quay trở lại nắm chính quyền và đúng một năm sau thì bạn giải giáp được Khmer Đỏ. Khi đó, nhiệm vụ của chúng ta đã thắng lợi, mục tiêu chiến lược đã hoàn thành.
Có điều, cái giá chúng ta phải trả cũng là quá đắt. Vậy ai là người phải biết ơn những sự hy sinh này? Rõ ràng, trước hết là nhân dân Campuchia, nhưng ngay chính người dân Việt Nam, từng người một phải biết ơn cuộc chiến tranh đó, bởi nếu không có cuộc chiến này, chúng ta cũng không thể có được sự ổn định và phát triển ngày hôm nay.
Phán quyết mới nhất của tòa án quốc tế kết tội chế độ Khmer Đỏ phạm tội ác diệt chủng đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia có thể coi là sự thừa nhận của quốc tế về sự chính nghĩa của Việt Nam đối với cuộc chiến tranh này.
Có ý kiến cho rằng, thế giới đang nợ "một lời nói lại về những công lao và hy sinh của Việt Nam trong cuộc chiến này" . Quan điểm của Thượng tướng về việc này thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi nghĩ thế giới cần có những lời, những hành động thể hiện sự tri ân vì những hy sinh của Việt Nam. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là hòa bình, nhân ái và hòa hợp, con người được đặt ở vị trí trung tâm. Đó cũng chính là xu hướng và là mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Chúng ta đã làm được một việc vĩ đại là cứu cả một dân tộc khỏi họa diệt chủng, chúng ta đem đến hòa bình cho một quốc gia. Đó là một nền hòa bình, độc lập và tự chủ chứ không phải nền hòa bình phụ thuộc vào Việt Nam.
Với tất cả những việc đó, thế giới cần có một lời tri ân đối với Việt Nam vì Việt Nam đã hy sinh để thực hiện trọn vẹn một nhiệm vụ, hoàn thành thắng lợi một mục tiêu cao cả mà cả thế giới hướng đến.
Thượng tướng có thể nói gì về những người lính tình nguyện Việt Nam và vai trò của họ trong cuộc chiến ở Campuchia?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể nói, cuộc chiến ở Campuchia là cuộc chiến vừa bắt buộc vừa là một cuộc chiến hoàn toàn mới đối với Việt Nam.
Đây là một cuộc chiến rất tàn khốc, những mất mát, hy sinh của người lính tình nguyện ở Campuchia là rất lớn và vô cùng khốc liệt. Ví dụ, một loại vũ khí gây thương vong nhiều nhất cho bộ đội ta là mìn. Khmer Đỏ có đủ các loại mìn do nhiều nước cung cấp.
Loại mìn zip mà Polpot sử dụng ở Campuchia được làm bằng giấy nhưng có tẩm hóa chất, cứ dính là bị nhiễm độc và hoại tử, nên cứ sứt da, chảy máu là phải cưa chân. Hơn 50% thương binh Việt Nam ở Campuchia là bị thương ở chân, tay...
Tôi đã từng gặp những chiếc xe ô tô chở thương binh Việt Nam ra sân bay Pochentong về nước điều trị, trên xe có 30 thương binh chỉ còn đúng 30 cái chân.
Cái thứ hai đáng sợ ở Campuchia là khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nên bộ đội mình hy sinh nhiều. Sốt rét ở Campuchia nhanh vô cùng, nước suối rừng già ở Campuchia độc một cách đáng sợ. Bộ đội ta dù uống hay rửa mặt hoặc tắm đều có thể mắc sốt rét ác tính.
Có rất nhiều bộ đội ta đã bị sốt rét lên đến trên 41 độ dẫn đến hoảng loạn thần kinh, đập phá và cuối cùng là suy kiệt, không sống nổi.
Trong quá trình truy quét tàn quân Polpot, có những lần ta mất cả một đại đội vì sốt rét. Có những khu vực cửa rừng ở Campuchia có tượng con voi đá rất to, quay đầu ra.
Người dân Campuchia nói: Đến con voi còn phải quay ra thì người vào rừng đó chỉ có chết. Chỉ có bộ đội Việt Nam là dám vào, vẫn chiến đấu và vẫn đánh thắng - nhưng gian khổ vô cùng.
Quân tình nguyện Việt Nam trên đường rút khỏi Campuchia sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. |
Nhưng dù cho cuộc chiến ấy khốc liệt đến như thế nhưng tính kỷ luật của bộ đội Việt Nam thì không một đội quân nào trên thế giới có thể có được. Cũng có một số ít người vi phạm kỷ luật nhưng tuyệt đại đa số thực hiện rất nghiêm kỷ luật dân vận. Cũng vì tính kỷ luật rất cao này mà bộ đội Việt Nam được dân Campuchia thương thực sự.
Hồi đó bộ đội mình đi làm dân vận thì cũng chỉ giúp dân chứ không có tiền mà cho. Còn chuyện nhường cơm xẻ áo là có thật. Thời đó, nếu bảo một người có tiêu chuẩn 18kg gạo/tháng nhưng cắt đi 5kg để nhường cho người khác là khó nhưng bộ đội Việt Nam chuẩn bị ăn cơm mà thấy trẻ em Campuchia vào bếp thì luôn nhường các em ăn trước.
Có thuốc men gì cũng lo cho trẻ em trước. Mà bộ đội ta làm những việc ấy rất tự nhiên, rất bản năng, với tấm lòng của một CON NGƯỜI chứ không vì một điều gì khác.
Điều mà tôi thấy ấn tượng nhất, tự hào nhất là Việt Nam không chỉ trao cho Campuchia cuộc sống, cơm áo, hòa bình mà quan trọng nhất là trao cho đất nước này quyền độc lập, tự chủ kể cả khi còn mấy chục vạn quân đang đóng trên đất Campuchia và chỉ ở đó để giúp dân, giúp Bạn.
Việt Nam chưa bao giờ có điều gì áp đặt đối với Campuchia. Trong sự giúp đỡ toàn diện, to lớn đó, hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Một phần lớn các cán bộ chỉ huy cấp chiến dịch của Campuchia đều là những người từng học ở Việt Nam. Họ đều thừa nhận học được rất nhiều thứ về nghệ thuật chỉ huy quân đội ở Việt Nam.
Mình đã giúp bạn rất nhiều nhưng tôi vẫn nhớ điều Đại tướng Lê Đức Anh luôn luôn căn dặn cấp dưới: Điều quan trọng bậc nhất là phải tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tuyệt đối tuân thủ điều này, ai mà vi phạm là "chết với ông Sáu".
Sau 40 năm, nhìn lại cuộc chiến này, theo Thượng tướng chúng ta có thể rút ra được bài học hay kinh nghiệm gì cho công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trong hiện tại hoặc tương lai?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nhìn lại cuộc chiến này, điều quan trọng nhất rút ra là: khi đất nước đã có chủ quyền lãnh thổ, hòa bình, độc lập, tự chủ rồi thì hãy làm tất cả để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Không bao giờ để xảy ra chiến tranh.
Nhưng muốn không có chiến tranh thì trước hết mình phải mạnh, mạnh ở ổn định xã hội, mạnh ở kinh tế, mạnh ở tất cả các lĩnh vực. Đất nước phải mạnh, phải giàu mới tránh được chiến tranh. Thứ hai, mình phải giữ cho được xu thế hội nhập và cân bằng chiến lược, không đứng về bên nào và cũng đừng để bên nào kéo mình vào.
Thứ ba, quân đội luôn luôn phải sẵn sàng. Phải sẵn sàng ngay từ thời bình thì mới tránh được chiến tranh. Phải nắm được tình hình, không để Tổ quốc bị bất ngờ.
Nếu hội đủ 3 yếu tố này thì không kẻ thù nào dám động đến mình và nếu có động đến thì kẻ đó chắc chắn sẽ phải chuốc lấy thất bại.
Xin cảm ơn Thượng tướng!