"Cầu mong lương đừng tăng"

Thanh Thảo |

(Soha.vn) - Một khi lương tăng, đồng nghĩa với việc tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống người dân nhân đà đó mà tăng phi mã.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, thay thế Nghị định 103 ngày 4/12/2012.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 tới đây như sau: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-350.000 đồng/tháng.

Mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Trước đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án tăng cho năm 2014. Với đề xuất này, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thấp nhất là 30% và đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, sau đó, trong phương án Bộ Lao động Thương Binh Xã hội trình Chính phủ thì cơ quan này chỉ đề xuất tăng khoảng 17% , lên mức dao động từ 1,9-2,75 triệu đồng một tháng.

 

Tuy nhiên, trái ngược với những động thái tích cực mà Chính phủ mong muốn, khi nghị định về việc điều chỉnh lương tối thiếu vùng vừa được phát ra, thay vì vui mừng thì hầu hết người lao động đều cảm thấy vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, lương tăng chẳng được là bao thì hầu khắp các mặt hàng tiêu dùng cũng ào ào tăng giá theo. Và hậu quả là, tất cả những khó khăn đó lại vô hình trở thành gánh nặng lên vai người lao động.

“Hic. Cầu mong lương đừng tăng”, Đức Nguyên ngao ngán nói.

“Tăng lương chưa kịp mừng thì lại lo không biết giá cả có tăng vượt cả mức tăng lương hay không? Cứ mỗi năm tăng lương lại lo, chính phủ có cách nào khác hay hơn không?”, bạn Ngoc Dung than thở.

Đồng quan điểm với đó là bạn Lê Văn Tài cho biết: “Lương chưa tăng nhưng các chi phí khác đã bắt đầu tăng, điện tăng, cước điện thoại tăng.. tiếp theo sẽ là nhiều thứ khác nữa... lương tăng hoài mà vẫn không đủ chi tiêu.”

Tăng lương rồi nhé! 3G tăng, điện tăng, nước tăng không được than phiền đâu. Rồi tất cả sẽ tăng. Không biết ai sẽ được hưởng lợi nữa. Vì mỗi lần tăng lương là hình thành mặt bằng giá mới. Kinh tế còn èo uột, tăng thêm gánh năng cho doanh nghiệp tư nhân, thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp nhà nước”, Minh Trung nói giọng đầy châm biếm.

"Mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thấp nhất là 30% và đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu của người lao động" có ai đảm bảo chỉ số tiêu dùng không tăng hay không?, Quang Minh nhận xét.

“Chuẩn bị đón nhận bão giá tăng theo cấp bão”, Bao Ho Loc hài hước ví von.

 

Trước những ý kiến trái chiều đó, có nhiều bạn độc gỉa đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình cũng như đưa ra những phân tích, lập luận cho rằng việc Chính phủ đưa ra nghị định tăng mức lương tối thiểu vùng trong hoàn cảnh này là không cần thiết.

“Lương tối thiểu cứ tăng định kỳ như thế này đâu phải là giải pháp tốt nhất...doanh nghiệp khó khăn điêu đứng vì ngoài chế độ lương còn phải điều chỉnh các chế độ khác theo sau như BHXH....Người lao động cũng chưa chắc được hưởng lợi vì giá cả leo thang theo...vây cuối cùng ai sẽ được lợi?”, bạn có nick name HT Hải than thở.

“Tốt nhất không cần tăng lương. Tăng lương 1 thì thực phẩm tăng 3 thì tăng làm gì”, độc giả Nam đưa ra ý kiến.

Tại sao không chọn thời điểm giữa năm tăng lương, khi nào cũng là đầu năm và trước Tết Nguyên đán, nên cái gì nó cũng đua theo lương để tăng giá, cuối cùng đồng tiền nó lại chảy vào túi người khác”, bạn Quang tỏ ra khó chịu.

Như vậy có thể thấy rằng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng đây không phải là quyết định “hợp thời’ của Chính phủ. Bởi lẽ, một khi lương tăng, đồng nghĩa với việc tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống người dân nhân đà đó mà tăng phi mã.

Thiết nghĩ, việc tăng lương cũng cần phải kết hợp với các chính sách khác nhắm kiểm soát lạm phát và bình ổn giá. Nếu ko làm được điều này thì có tăng lương tối thiểu mà giá cả cũng đội lên theo thì mức sống của người dân cũng ko cải thiện được là bao, rồi lại cái kịch bản lương chưa tăng giá đã tăng chỉ khổ những người lao động nghèo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại