Sau sự kiện lãnh đạo bốn DN công ích ở TP.HCM có thu nhập tiền tỷ bị xử lý, lại đến lãnh đạo một tổng công ty xây dựng có lương tưởng cả tỷ đồng khi DN khó khăn, công nhân thị bị nợ lương, bảo hiểm.
Chia sẻ mới đây về kết quả thanh tra tập đoàn điện lực Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch hiệp hội năng lượng Việt Nam tiết lộ, những chuyên gia cao cấp nước ngoài, đến từ Nhật, Mỹ, Đức… đang làm việc tại các dự án nhiệt điện ở Việt Nam có thể được chi trả mức lương khoảng 25.000-30.000 USD/tháng, tương ứng 500- 600 triệu đồng. Chưa kể, họ còn được hưởng chế độ như ở nhà biệt thự, tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, cấp xe ô tô riêng, có thư ký phục vụ. Và tất nhiên, mỗi dự án điện cũng chỉ có một vài vị chuyên gia như vậy.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, chức danh tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn lương được trả cũng khoảng 200 triệu đồng/tháng. Tại những công ty dân doanh, giám đốc khu vực, giám đốc bộ phận… cũng có thể ở hưởng mức 4.000-5000 USD/tháng (khoảng 100 triệu đồng).
Tại Việt Nam, lương tiền tỷ là không còn là chuyện lạ. Nhất là ở thời buổi cạnh tranh kinh doanh khốc liệt, vấn đề nhân sự chất lương cao, làm quản lý luôn là bài toán đau đầu cho các ông chủ. Chính sách lương, thưởng để thu hút nhân tài ngày ngày càng được chú trọng.
Ngược lại, khi không hoàn thành công việc, những nhân sự cấp cao kia có thể bị đuổi việc, cách chức tức thì. Lương- thưởng tiền tỷ được thỏa thuận một cách sòng phẳng và minh bạch.
Gần đây, một vài cuộc thanh tra, kiểm toán những DNNN, tập đoàn kinh tế lớn, lại hé lộ ra rằng, nhiều nhân sự lãnh đạo cũng đang hưởng lương, thưởng tiền tỷ.
Nóng ran dư luận gần đây nhất là vụ 4 doanh nghiệp công ích ở TP.HCM, lương một vị giám đốc lên tới hơn 2 tỷ/năm. Ví dụ như tại công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM, ông Giám đốc được duyệt lương 2,6 tỷ đồng/năm, tương đương trên 200 triệu đồng/tháng.
Vị chủ tịch HĐTV và kế toán trưởng tại đây có lương hơn 1,6 tỷ đồng/năm. Tại công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TPHCM, lương giám đốc hơn 2,2 tỷ đồng/năm, chủ tịch 2,4 tỷ đồng/năm, phó giám đốc 1,9 tỷ đồng/năm và kế toán trưởng hơn 1,7 tỷ đồng/năm…
Trong khi đó, khảo sát của Bộ lao động và thương binh xã hội cho biết, đối với các lãnh đạo ở DNNN nói chung, mức tiền lương bình quân cho viên chức quản lý năm 2011 chỉ khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Trong đó, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30-35 triệu đồng/tháng. Thành viên Hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng khoảng 20-28 triệu đồng/tháng. Tính theo năm, mỗi ‘viên chức’ này chỉ hưởng lương từ 240 đến 420 triệu đồng/năm.
Ở 32 công ty mẹ, lương bình quân của các vị lãnh đạo năm 2011 lên tới khoảng 40 triệu đồng/tháng, đối với một số DN có lợi thế, độc quyền thì có tiền lương bình quân lên tới 60-70 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính theo năm, mức lương của khu vực này chỉ từ 480 triệu đến cao nhất là 840 triệu đồng/năm. So sánh ra, mức lương lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích đã gấp tới 5-6 lần, thậm chí chục lần so với mức bình quân chung.
Theo chính sách hiện nay về cơ chế tiền lương, thưởng đối với lãnh đạo các DN 100% vốn Nhà nước, lương, thưởng cũng được trả theo hiệu quả công việc. Tuy nhiên, hiệu quả của một doanh nghiệp công ích không phải tính bằng chuyện lãi- lỗ, mà được xét trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước giao. Thành tích công ty sẽ được đo đếm bằng tổng khối lượng sản phẩm, dịch vụ, hạng mục hoàn thành. Cùng đó, vốn đầu tư cũng là được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đến khi hiệu quả hoạt động không đạt mong đợi, cả tập thể công ty cùng gánh chịu. Các lý do đưa ra thì nhiều vô kể đều là nguyên nhân khách quan… mà ít thấy nguyên nhân từ năng lực quản lý lãnh đạo. Vì thế, chưa nói đến các sai phạm cụ thể thì mức ‘lương’ tiền tỷ cũng đã trở thành điều vô lý.
Vụ lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích nhận lương tiền tỷ không phải là… cá biệt. Một thống kê mới đây của cơ quan quản lý còn cho thấy, ‘lương’ tiền tỷ (theo nghĩa tổng thu nhập), vẫn còn nhiều sếp chưa lộ. Những con chim đầu đàn của ngành dầu khí, dệt may, cao su, lương thực… đều chi thu nhập cho các chủ tịch, Tổng giám đốc trên 100 triệu đồng/tháng, trên 1 tỷ đồng/năm.
Dù cho, nằm trong số đó, có những tập đoàn thường xuyên kêu khó khăn, thua lỗ, nợ nần chồng chất, đầu tư ngành ngoài kém hiệu quả, sai phạm trong tài chính không ít. Nhiều chuyên gia kinh tế bình luận, trên sổ sách, lương của một vị lãnh đạo các tập đoàn kinh tế vẫn nằm trong khung cho phép, chỉ 50-60 triệu đồng/năm, nhưng phần ‘thưởng” khác thì khó mà đếm được.