Sa thải hàng loạt
Nếu như trước đây, nhiều NHTM rầm rộ mở rộng quy mô và mạng lưới hoạt động thì chính những ngân hàng đó nay lại buộc phải cắt giảm nhân sự nhiều nhất.
Đơn cử tại ACB, chỉ riêng quý III/2013, nhà băng này đã cắt giảm 703 vị trí. Thực tế, liên tục trong thời gian qua kể từ khi xảy ra khủng hoảng vào tháng 8/2012, ACB đã nhiều lần tinh giảm bộ máy nhân sự.
Trong 9 tháng đầu năm nay, nhà băng này đã giảm gần 1.300 nhân viên, số lượng nhân viên hiện đã giảm xuống còn 9.005 người. Nguyên nhân được ACB đưa ra là lợi nhuận hoạt động của Ngân hàng đã sụt giảm mạnh trước tình hình khó khăn chung.
Trả lời PV, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, trước đây, khi thị trường thuận lợi và hoạt động của ngành tăng trưởng tốt, Ngân hàng đã lên kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động. Vì thế, ACB có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, nhưng từ năm 2012 đến nay, kinh tế suy giảm, kế hoạch mở rộng mạng lưới chi nhánh cũng bị siết chặt và bản thân Ngân hàng phải tái cơ cấu lại bộ máy, do đó, việc cắt giảm nhân sự là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo ông Toại, những nhân viên đi khỏi ACB trong thời gian qua không phải đều có chung một lý do là Ngân hàng cắt giảm nhân sự, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, có nguyên nhân là mức thu nhập tại ACB hiện không còn hấp dẫn như trước đây, nhiều nhân viên xin nghỉ để tìm kiếm cơ hội việc làm khác tốt hơn.
Thực tế, sau sự cố xảy ra với ACB vào tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng đã cắt giảm hơn 25% lương nhân viên, do tình hình kinh doanh sụt giảm mạnh. Lợi nhuận trước thuế ACB năm qua cũng chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vì phải gánh khoản lỗ tất toán trạng thái vàng lên đến 1.700 tỷ đồng.
ACB không phải là trường hợp duy nhất phải mạnh tay cắt giảm nhân sự trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Techcombank đã giảm hơn 1.000 lao động trong năm 2012 và đang tiếp tục cơ cấu lại bộ máy nhân sự theo hướng tinh giản, bởi lợi nhuận trong quý III vừa qua đã giảm tới 83,9% so với cùng kỳ năm 2012. 9 tháng đầu năm, Ngân hàng lãi 562 tỷ đồng, giảm 66,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua, thông tin sẽ cơ cấu lại nhân sự và giảm biên chế khoảng 30% của Eximbank cũng gây xôn xao dư luận.
Theo Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng, trước tình hình khó khăn, kết quả kinh doanh không đạt chỉ tiêu, Ban điều hành Eximbank đã đề nghị cơ cấu lại bộ máy nhân sự, lên kế hoạch giảm 1.000 nhân viên ở bộ phận gián tiếp, nhằm tăng quỹ lương cho bộ phận bán hàng trực tiếp. HĐQT Eximbank đã đồng ý đề xuất trên của Ban điều hành theo hướng chuyển nhân sự từ bộ phận gián tiếp sang trực tiếp để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ.
Ông Lê Hùng Dũng cho biết, trước mắt, Eximbank chỉ mới chấm dứt hợp đồng với 48 người và điều chuyển hơn 300 nhân viên từ các phòng ban của Hội sở xuống các chi nhánh để tăng cường đội ngũ bán hàng, nhằm đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tạo doanh thu.
“Chúng tôi cố gắng hạn chế việc sa thải nhân sự, mà chủ yếu là điều chuyển công việc, nhằm tạo lợi nhuận và đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động”, ông Dũng nói và cho biết, Eximbank đang thay đổi quy chế lương. Theo đó, nhân viên bán hàng vượt chỉ tiêu sẽ được nhận mức lương cao hơn gấp đôi, gấp ba, thậm chí cao hơn cả trưởng phòng. Ngoài ra, Eximbank cũng đã giảm lương từ cấp cán bộ lãnh đạo với mức giảm từ 20 - 50%, vì dự kiến trong năm nay Ngân hàng chỉ có thể đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận.
… và tiếp tục thanh lọc bộ máy
Trong khi nhiều nhà băng đang sa thải hàng ngàn lao động thì Sacombank lại đang đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân viên. Theo báo cáo tài chính quý III mới công bố, Sacombank tuyển thêm 1.034 nhân sự trong 9 tháng qua, sau khi tuyển dụng 714 người trong năm 2012, đưa tổng số nhân sự lên 11.344 người.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, với các chi nhánh có kế hoạch tăng trưởng tốt, Ngân hàng vẫn sẽ tuyển thêm nhân sự.
Tuy nhiên, theo ông Khang, một khi thị trường có khó khăn, việc thanh lọc nhân sự là khó tránh. Vì thế, bên cạnh việc tuyển mới, Sacombank vẫn đang thực hiện tái cơ cấu và thanh lọc để có bộ máy nhân sự chất lượng hơn, tạo ra được nguồn thu tốt.
Không giống như nhiều nhà băng lớn, nhiều ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ khá ổn định về nhân sự trong 9 tháng qua. Chẳng hạn, SouthernBank không có chính sách cắt giảm nhân sự trong quý III, nhưng cũng gần như không tuyển mới, chỉ có thêm 1 nhân sự, nâng tổng số nhân sự tại Ngân hàng lên 2.960 người. So với cuối năm 2012, nhân sự của SouthernBank giảm 24 người.
Chủ tịch HĐQT một nhà băng có vốn trên 4.000 tỷ đồng tại TP. HCM cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng không cắt giảm số lượng nhân viên, nhưng cũng không có chính sách tuyển thêm, mà chủ yếu là tái cơ cấu lại, điều chuyển vị trí hợp lý hơn.
Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân do các nhà băng nhỏ đã giảm mạnh nhân sự trong những năm trước, khi làn sóng M&A trong ngành ngân hàng nóng lên và nhiều nhân viên của các nhà băng này phải nghỉ việc sau khi ngân hàng thực hiện hợp nhất, sáp nhập.
Nhìn nhận về làn sóng cắt giảm nhân sự, cắt lương trong ngành ngân hàng, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong khó khăn, việc cắt giảm chi phí là hết sức cần thiết đối với DN, và càng cần thiết với ngành ngân hàng, khi nợ xấu tăng cao, tín dụng không tăng trưởng, lợi nhuận giảm.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nếu sang năm sau, tồn kho trong nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, sức mua thị trường vẫn yếu, nhu cầu vốn của DN không tăng thì khả năng làn sóng giảm nhân sự của ngân hàng vẫn tiếp diễn, do không thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng.