Tại sao họ lại trang bị loại pháo này cho một tàu chỉ làm nhiệm vụ chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển?
Trang bị pháo phòng không 6 nòng lên tàu hải cảnh
Theo như số liệu được công bố, chiếc tàu hải cảnh được trang bị pháo phòng không tầm gần H/PJ-13 6 nòng cỡ 30mm đầu tiên thuộc lớp 818 (đây chính là biến thể của lớp tàu chiến Type 054A của Trung Quốc), có lượng giãn nước 2.500 tấn.
Bên cạnh việc được trang bị hệ thống phòng không tầm gần thì tàu hải cảnh này còn được biên chế 1 pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26. Điều này cho thấy, chính phủ Trung Quốc đang rất quan tâm phát triển lực lượng hải cảnh nhằm nâng cao năng lực chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển.
Theo các chuyên gia kỹ thuật quân sự, các loại pháo đường kính nòng nhỏ trang bị trên các tàu chiến chủ yếu được dùng để đối phó với những loại mục tiêu trong cự ly gần; đây cũng là vũ khí không thể thiếu đối trên tất cả các loại tàu chiến.
Tàu Hải cảnh số hiệu 46301 đang được hạ thủy
Về mặt lý thuyết, việc trang bị pháo phòng không đường kính nhỏ đa nòng có tốc độ bắn nhanh cho các tàu chấp pháp trên biển không thực sự có nhiều ý nghĩa về mặt tác chiến.
Nguyên nhân là bởi vì các tàu này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật chứ không phải làm nhiệm vụ phòng không; ngoài ra các tàu này cũng không phải đối phó với những loại tên lửa chống hạm.
Nhưng tại sao Trung Quốc lại trang bị các loại pháo có tốc độ bắn cực nhanh vốn chỉ thích hợp với nhiệm vụ phòng không (mà chủ yếu là tiêu diệt tên lửa chống hạm) lên những tàu chấp pháp?
Nguyên nhân tàu hải cảnh Trung Quốc trang bị pháo phòng không 6 nòng
Từ khi Trung Quốc chính thức thành lập Cục Hải cảnh (Cục cảnh sát biển) đến nay, trong quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng này đã đóng mới, hạ thủy nhiều loại tàu chấp pháp với các loại trọng tải khác nhau.
Thậm chí, có những tàu có lượng giãn nước lên tới trên 12.000 tấn như tàu Hải cảnh số hiệu 2901 và 3901; đây cũng là lớp tàu tuần duyên lớn nhất trên thế giới.
Trên các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm được trang bị trên các tàu hải cảnh cỡ vừa và lớn, còn pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30mm (loại một nòng) đảm nhiệm vai trò là pháo phụ.
Pháo H/PJ-14 cỡ nòng 30mm lắp trên tàu hải cảnh 1.500 tấn của Trung Quốc.
Pháo H/PJ-17 30mm mới được Trung Quốc nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên.
So với các loại pháo đa nòng, thì pháo đơn nòng H/PJ-17 30mm có hạn chế nhất định về mật độ đạn và tốc độ bắn.
Trong khi đó, pháo H/PJ-13 6 nòng có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây.
Như vậy, với 800 phát đạn thì rõ ràng sẽ khiến các tàu chấp pháp trọng tải lớn của đối phương phải hết sức cảnh giác và sợ hãi.
Do là phiên bản "sao chép" từ khẩu AK-630M nên H/PJ-13 cũng sẽ thừa hưởng nhiều tính năng ưu việt như khẩu AK-630M với việc được biên chế cơ số đạn lên tới 3.000 viên. Rõ ràng đây là điều kiện hết sức thuận lợi để lực lượng chức năng Trung Quốc chế áp toàn diện đối phương khi giải quyết các sự vụ phức tạp trên biển có thể xảy ra.
Nếu như mục tiêu phải đối phó chỉ là tàu cá của nước ngoài thì tốc độ bắn chậm hoặc cơ số đạn ít của pháo H/PJ-17 sẽ không phải là vấn đề quá lớn.
Nhưng khi phải đối phó với các tàu có trọng tải lớn trên 5.000 tấn được vũ trang của đối phương đánh trả, bắn phá quyết liệt thì tàu Hải cảnh Trung Quốc trang bị pháo H/PJ-17 sẽ không đủ sức đối phó.
Đó chính là những hạn chế mà pháo H/PJ-17 hiện nay đang gặp phải. Mặc dù ở phương diện nhất định nào đó pháo H/PJ-17 có thể là lựa chọn tương đối phù hợp, nhưng rõ ràng nó không phải là phương án lựa chọn hiệu quả nhất để đáp ứng đáp ứng tham vọng của Trung Quốc.
Cả hai loại pháo H/PJ-13 và H/PJ-17 mặc dù khác nhau về số nòng nhưng chúng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Mỗi loại sẽ phát huy tối đa ưu điểm khi phải đối phó với những mục tiêu thích hợp.
Pháo Type 630 cỡ nòng 30mm lắp trên tàu hải cảnh Type 818 của Trung Quốc.
Nếu như phải đối phó với các mục tiêu là tàu thuyền dân sự được vũ trang nhẹ hoặc các tàu của cướp biển, buôn lậu thì pháo H/PJ-17 đơn nòng vẫn hoàn toàn phát huy hết sức mạnh của mình, thậm chí còn được đánh giá cao ngang với pháo H/PJ-14 (loại pháo có 11 nòng, dùng chung kiểu đạn).
Với tham vọng về chủ quyền lãnh hải, để đối phó hiệu quả đối với các hành động tranh chấp trên biển, việc các tàu có lượng giãn nước lớn của Trung Quốc hiện nay được trang bị pháo bắn nhanh H/PJ-26 76,2 mm thực sự là cuộc "vũ trang hóa".
Bởi lẽ loại pháo này có tầm bắn xa, tốc độ bắn cao và có năng lực sát thương lớn, thậm chí nhiều chuyên gia quân sự còn coi H/PJ-26 76,2mm là một trong những pháo tốc độ cao hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, loại pháo này vẫn có một hạn chế đó là khi tác chiến phòng thủ tầm gần thì tốc độ bắn của nó chưa đạt được yêu cầu lý tưởng. Từ góc độ này có thể thấy, khi tác chiến trực tiếp giữa tàu với tàu thì yếu tố tốc độ bắn là quan trọng hàng đầu.
Do đó, trang bị pháo hạm có tốc độ bắn lớn nhất đạt 5.000 phát/phút chỉ trong 0,22 giây hoặc loại pháo hạm có thể bắn liên tục 400 phát đạn pháo, rõ ràng sẽ chiếm ưu thế hơn rất nhiều so với các loại pháo hạm của các nước khác chỉ có thể đạt tốc độ bắn 350 phát/phút.
Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào biên chế hàng loạt cho các tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 loại pháo H/PJ-13 6 nòng; đây sẽ là điều kiện thuận lợi để trang bị pháo H/PJ-13 6 nòng trên các tàu hải cảnh có lượng giãn nước lớn, qua đó giúp tiết giảm chi phí nghiên cứu chế tạo và giá thành.
Kích thích thành làn sóng "vũ trang hóa" lực lượng tàu tuần duyên các quốc gia trong khu vực
Như đã phân tích ở trên, mục đích nghiên cứu chế tạo đối với pháo H/PJ-13 6 nòng là rất rõ ràng, đó chính là nhằm nâng cao năng lực đối phó trực diện với các tàu chấp pháp nước ngoài khi tác nghiệp trên biển.
Bởi vì, xuất phát từ góc độ khung pháp lý có thể thấy, chỗ dựa pháp lý để lực lượng chức năng Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển trên phạm vi toàn cầu còn gặp nhiều hạn chế; điều này đã diễn ra trong một thời gian dài.
Chính vì vậy, trong điều kiện chỗ dựa pháp lý còn hạn chế thì việc nâng cao năng lực đối kháng trực tiếp trên biển là điều cần thiết để bổ khuyết các thiếu sót tạm thời hiện tại.
Đương nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, việc "vũ trang hóa" cho các tàu hải cảnh không có nghĩa là lực lượng chức năng Trung Quốc có thể bỏ qua các luật lệ quốc tế để hành xử một cách tùy tiện, không theo khuôn phép.
Tuy nhiên, việc "vũ trang hóa" cho các tàu hải cảnh sẽ kích thích các quốc gia khác cũng sẽ "vũ trang hóa" các tàu làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển của mình, điều đó sẽ tạo ra một cuộc chạy đua rất nguy hiểm, và nếu xung đột xảy ra, sẽ gây thương vong và thiệt hại lớn, nhất là những tàu dân sự không được vũ trang.
Theo quan điểm của các nhà quân sự Trung Quốc, khi thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển, nếu như lực lượng chấp pháp của các nước khác nhìn thấy các pháo 6 nòng phòng thủ tầm gần được trang bị trên tàu hải cảnh Trung Quốc thì chắc chắn sẽ e dè khi hành động, từ đó nguy cơ xung đột giữa hai bên cũng sẽ giảm xuống.
Nhưng đây là nhận định chủ quan, vì khi Trung Quốc vũ trang bằng các loại vũ khí hạng nặng như vậy, các quốc gia khác cũng sẽ làm tương tự, và điều đó sẽ chỉ kích thích một cuộc chạy đua vũ trang mà thôi.
Trong khi đó, nếu như phải sử dụng đến hành động dùng vũ lực để bắn cảnh cáo thì lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ phải hạn chế tối đa sử dụng các vũ khí được trang bị bởi vì có thể gây ra sát thương ngoài ý muốn khiến tình hình trở lên căng thẳng hơn.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, việc trang bị pháo đa nòng H/PJ-13 trên các tàu hải cảnh của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm.
Trong việc giữ gìn an ninh trên biển, các tàu cảnh sát biển chỉ cần trang bị các loại vũ khí thông thường; nhưng việc trang bị cho các tàu chấp pháp pháo phòng không tầm gần 6 nòng H/PJ-13 có nguy cơ dẫn đến xung đột và mất ổn định khu vực.