Không ngại chọc giận Nga để bơm vũ khí cho Ukraine, ông Trump đang nghĩ gì?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Theo Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao Mỹ, chính quyền tổng thống Donald Trump đã thông qua kế hoạch cung cấp vũ khí, trong đó có tên lửa chống tăng Javalin, cho quân đội Ukraine.

Người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng, ông Barack Obama, cũng từng tính đến khả năng cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, bất chấp sự phản đối của các đồng minh NATO bên kia Đại Tây Dương. Nhưng ông Obama cuối cùng cũng không xúc tiến kế hoạch. 

Lý do khiến chính quyền Obama từ bỏ kế hoạch này không hẳn là sự phản đối của các đồng minh, mà trước hết là hoài nghi về tác dụng thực tế của việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Ukraine. 

Washington khi ấy không tin vũ khí Mỹ trong tay chính quyền tổng thống Petro Poroshenko sẽ đưa lại sự xoay chuyển tình thế trên thực địa ở miền Đông Ukraine, không giúp quân chính phủ giành lại được những phần lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát. 

Những lo ngại khác nữa của Mỹ là vũ khí mà Mỹ cung cấp rồi sẽ bằng cách này hay theo cách khác rơi vào sở hữu của không đúng đối tượng, sẽ khiến Nga cũng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, và làm cho quan hệ Mỹ-Nga càng thêm xấu đi. 

Hiện nay, chính quyền Trump quyết định thực thi kế hoạch ấy, không phải vì không biết gì về những lo ngại trước đây, mà bởi Mỹ lúc này bất chấp những rủi ro ấy để nhắm tới mục tiêu khác.

Từ hơn hai năm nay, tình hình ở khu vực miền đông Ukraine cơ bản yên ắng. Thỉnh thoảng vẫn có súng nổ và pháo bắn, nhưng hoàn toàn không còn giao tranh trực diện quyết liệt và trên quy mô lớn giữa quân chính phủ Ukraine với phe ly khai ở Donetsk và Luhansk. 

Dù phía Mỹ và chính quyền Kiev quả quyết việc mua sắm và được cung ứng thêm vũ khí cho quân chính phủ chỉ để phòng thủ và tăng cường tiềm lực quốc phòng, nhưng thực tế Ukraine hoàn toàn không có nhu cầu phải tăng cường vũ trang như thế. 

Nga có tiếng nói và vai trò quan trọng trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng lực lượng Nga ở khu vực biên giới hết sức tránh đụng độ vũ trang với quân đội Ukraine. Thoả thuận Minsk 2.0 ký vào năm 2015 vẫn được thực thi trong chừng mực nhất định. 

Do đó, Moskva có cái lý của mình khi chỉ trích kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine của Mỹ, đặc biệt là vũ khí chống xe tăng Javalin, sẽ khích lệ chính phủ Ukraine theo đuổi cách thức dùng vũ lực quân sự để giải quyết xung đột ở Ukraine, đồng nghĩa với nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc xung đột, và trái ngược với tinh thần của Thoả thuận Minsk.

Không ngại chọc giận Nga để bơm vũ khí cho Ukraine, ông Trump đang nghĩ gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thị sát một căn cứ quân sự của quân chính phủ vào tháng 10/2014 (Ảnh: Newsela)

Một mũi tên trúng nhiều đích

Không phải phía chính quyền ông Trump không xét đến những tác động trên. Nhưng Mỹ vẫn xúc tiến bán vũ khí sát thương cho Ukraine, bởi trù liệu rằng bỏ một công mà đồng thời có thể đạt luôn được đôi ba việc.

Thứ nhất, ông Trump và cộng sự dùng việc này để xoa dịu áp lực nội bộ và đánh lạc hướng sự chú ý, quan tâm của dư luận Mỹ tới những chuyện bất lợi cho ông Trump. Trong thời gian cầm quyền ở Mỹ gần một năm đến nay, ông Trump đã nhiều lần sử dụng chiêu sách dùng đối ngoại phục vụ đối nội. Mới đây nhất là quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. 

Cung cấp vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine, chính quyền Mỹ sẽ làm cho quan hệ của Mỹ với Nga xấu thêm, và Washington hoàn toàn nhận thức điều này. Thái độ như thế rất phù hợp với tông điệu về Nga trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) được ông Trump công bố mới đây, hay với việc Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga. 

Tỏ ra "găng" với Nga giúp tổng thống Trump và cộng sự vô hiệu hoá mọi cáo buộc và đồn thổi về việc ông quá thân thiện Nga và các lời đồn thổi Nga can thiệp bầu cử Mỹ để "hậu thuẫn" cho ông.

Thứ hai, Mỹ gây dựng được thêm con chủ bài mới cho mối quan hệ với Nga. So sánh luôn khập khiễng, nhưng chiêu thức này của Mỹ ở Ukraine khiến liên tưởng đến việc Nga can thiệp quân sự vào diễn biến tình hình chính trị an ninh ở Syria.

Thứ ba, Mỹ không muốn bị hoàn toàn mất vai trò trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, đặc biệt khi nước này không có vai trò trong thỏa thuận Minsk, nên mới phớt lờ quan ngại của các đồng minh châu Âu, rằng bơm thêm vũ khí vào xung đột Ukraine sẽ không tránh khỏi làm chiến sự trở nên ác liệt và đẫm máu hơn. 

Cho tới nay, kênh đa phương xử lý vấn đề Ukraine vẫn là khuôn khổ diễn đàn "Bộ tứ Normandy" ở thủ đô Minsk (Belarus) giữa Đức, Pháp, Nga và chính phủ Ukraine. Mỹ muốn có phần trong đó và đang gây dựng phần cho mình.

Trả lời trong cuộc họp báo thường niên 2017 ở Moskva hôm 14/12 vừa qua, tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, "Mỹ là một đối tác đầy đủ, đối tác tham gia tiến trình giải quyết vấn đề Ukraine, không phân biệt việc Mỹ có ở trong nhóm Normandy hay không. Tôi không bao giờ phản đối việc Mỹ có thể tham gia nhóm này, nhưng việc đó không phải do chúng ta quyết định." 

Thứ tư, không loại trừ ý đồ của Mỹ thử nghiệm trên thực địa các loại vũ khí mới, đặc biệt cọ sát về vũ khí mới giữa Mỹ và Nga. Ukraine hiện là nơi duy nhất trên thế giới mà Mỹ tin là có thể làm được việc này, bởi từ chính quyền Obama cho đến các cơ quan trong chính quyền Trump vẫn cáo buộc Nga hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho phe ly khai miền Đông, dù Moskva nhiều lần bác bỏ.

Với quyết định mới của tổng thống Trump, Mỹ có thể đạt được nhiều mục đích, nhưng xung đột ở Ukraine sẽ trở nên khó được giải quyết hoà bình hơn trước rất nhiều.

Pháo binh Ukraine tham gia trong cuộc nội chiến với các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại