Không lẽ người dân - không biết đốt than sinh khí độc?

BS Trần Kiên |

Chỉ trong mấy ngày cuối năm 2017 đã xảy ra ba vụ ngộ độc khí thải do sưởi bằng lò than, gây hậu quả đáng tiếc!

Tối 28.12.2017, trời lạnh nên gia đình anh Nguyễn Tiến T., 45 tuổi, ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đốt than củi sưởi ấm. Sáng 29.12, người nhà thấy bất thường nên phá cửa, phát hiện vợ, con anh Tình hôn mê trên giường, dưới sàn nhà, anh Tình sùi bọt mép. 

Ba nạn nhân được tức tốc đưa đi BV thị xã Kỳ Anh. Hiện Vợ và con anh T. đã hồi tỉnh nhưng anh phải chuyển BV tỉnh Hà Tĩnh do tình trạng hết sức nguy kịch: Hôn mê, tím tái toàn thân, huyết áp tụt.

Cùng nhập viện Hà Tĩnh với anh T. là bà Nguyễn Thị C., 67 tuổi, ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên. Con dâu mới sinh 15 ngày, đêm 28.12 trời lạnh, gia đình đốt than để ngủ. 

Sáng hôm sau, người nhà phát hiện cả 3 người bất tỉnh nên nhanh chóng đưa đến BV huyện Cẩm Xuyên. Người con dâu và cháu nhỏ hồi tỉnh trước nên ở lại BV Cẩm Xuyên. Bà C. phải chuyển viện do hôn mê chưa hồi tỉnh...

Khoảng 22 giờ đêm 19.12, vì trời quá lạnh, anh Ngô Văn H., quê Hải Phòng, làm thuê ở Hưng Yên, cho than củi vào chậu sắt, mang vào phòng diện tích khoảng 12m², đóng kín cửa để ngủ. 11 giờ hôm sau, người dân xung quanh thấy bất thường, gọi không thưa, đã phá cửa, thấy anh H. đang hôn mê trên giường. 

Nạn nhân được đưa đến BV Hưng Yên rồi chuyển thẳng Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm chống độc cho biết, khi nhập viện bệnh nhân hôn mê sâu, phải hồi sức, giải độc khẩn trương. Hiện bệnh nhân đã hồi tỉnh, rút ống thở nhưng nguy cơ cao có tổn thương não, hiện chưa đánh giá được!

Hằng năm có nhiều vụ ngạt khí do sưởi than khi trời rét

Tháng 1.2017, cháu bé 4 ngày tuổi ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh, ngạt khí than củi, tử vong sau 5 ngày cấp cứu ở BV Hà Tĩnh.

Tháng 2.2017, khoảng 6h sáng, thời tiết chuyển lạnh nên chồng chị Phan Thị Thu H., 27 tuổi, ở xã Nghi Ân, TP. Vinh, Nghệ An, đốt than củi để “xông” cho vợ vừa sinh và sưởi cho cả nhà. Khoảng 11h, hàng xóm sang chơi, phát hiện chị H. và mẹ chồng khó thở, lơ mơ, đau đầu, vật vã. 

Ba nạn nhân được đưa vào BV Hữu Nghị, Nghệ An. Xét nghiệm thấy chỉ số oxy máu các nạn nhân đều rất thấp, nồng độ carbon monoxide (CO) cao. Sau cấp cứu bằng thở oxy cao áp, truyền dịch, các nạn nhân đã thoát khỏi nguy kịch.

Tháng 9, ở Quảng Bình, hai chị em 21 tuổi và 20 tuổi ở thị xã Ba Đồn, hôn mê do nổ máy phát điện trong nhà kín từ 21h đến 1h đêm. Năm người trong gia đình bà Nguyễn Thị H., 58 tuổi, ở thôn Nội Hải, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch ngạt khí thải nguy kịch do nổ máy phát điện trong nhà kín ban đêm.

Tháng 1.2016, trong 3 ngày liền, BV Hữu Nghị, Nghệ An cấp cứu 7 người ngộ độc khí thải do sưởi than, trong có 3 sản phụ mới sinh ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương và thị xã Cửa Lò. 

Không lẽ người dân - không biết đốt than sinh khí độc? - Ảnh 1.

Khí CO và CO2 làm chết người nhiều nhất trong số các khí độc và ngay từ những năm trung học cơ sở trở đi học sinh đã được học về những khí độc này (ảnh minh họa của mystown.com)

Đặc biệt, 5 người trong một gia đình, ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn cùng ngộ độc, gồm chị Nguyễn Thị N., 20 tuổi, bà Nguyễn Thị T., 40 tuổi, mẹ N., em Đậu Thị H., 17 tuổi, em chồng N. và hai con của chị N., bé gái 18 tháng tuổi và bé trai 1 ngày tuổi; bé 18 tháng tử vong! 

Gia đình đốt than củi để “xông” cho chị N. vừa sinh được một ngày trong phòng chỉ khoảng 15m² với lò than cháy suốt đêm!? Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cả 5 người đều hôn mê, khó thở, sùi bọt mép, bé 18 tháng tím tái...

Gia đình anh Vũ Văn H., chị Nguyễn Thị H. và bé trai gần 2 tháng tuổi ở xóm 5, xã Diễn Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An, bị ngạt khí thải do đốt than sưởi trong phòng kín; bé trai tử vong!

Bà Phạm Thị H., con gái Đoàn Phạm Thị D., 22 tuổi, con trai Đoàn Phạm Ngọc Thanh H., 14 tuổi, ở tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình bất tỉnh trong nhà gần lò sưởi than. Bà H. và chị D. cấp cứu ở BV khu vực Bắc Quảng Bình trong tình trạng nguy kịch; em H. tử vong!

Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 thi thể do Trung Quốc chuyển giao là các nạn nhân Nguyễn Văn V., SN 1980; Nguyễn Văn V., SN 1968; Đặng Thành C., SN 1981, đều ở huyện Phù Mỹ, Bình Định. Nguyên do là khi chờ giao hàng hoa quả ở chợ Pò Chài, Quảng Tây, ba anh đốt lò than hoa sưởi ấm trong cabin xe!

Tháng 2, cháu Lê Thị T., 36 ngày tuổi, ở phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa bị ngạt khí thải do gia đình thường xuyên đốt than sưởi trong phòng kín đợt rét đậm, rét hại. Bé tím tái và có những cơn ngừng thở, phải thở máy cao áp, dùng thuốc vận mạch, nuôi dưỡng tĩnh mạch và sau hai ngày thở máy mới thoát khỏi nguy kịch. 

Trước đó, đầu tháng 1.2016, 8 người ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa, tử vong do ngạt khí thải lò nung vôi, trong đó có người đang mang thai tháng thứ 5.

Tháng 8, bốn người gồm hai vợ chồng, mẹ vợ và dì vợ ở huyện Bình Chánh, TPHCM mở máy lạnh trong căn phòng khoảng 20m2 nhưng lại có lò sưởi than củi do chị vợ 20 tuổi sinh non, em bé mất. Cả bốn nạn nhân đều tím tái, có những cơn ngừng thở, ngừng tim khi nhập viện Nguyễn Tri Phương...

Không lẽ người dân không biết độc hại?

Khi đốt than và nổ máy dùng nhiên liệu hóa thạch sinh ra các khí độc như oxytcarbon (CO); carbon dioxide (CO2, carbonic), dioxit sunfua (SO2), trong đó CO hình thành do đốt cháy than (carbon) không hoàn toàn (thiếu oxy) và là khí độc nhất. 

CO đặc biệt nguy hiểm vì ái lực hóa học của nó với sắt trong Hemoglobin (Hb - chất vận chuyển oxy) của hồng cầu mạnh hơn 240 lần so với ái lực hóa học của oxy với Hb và khi đã thành HbCO (cacboxy hemoglobin) thì liên kết này chậm phân ly hơn HbO2 (oxy hemoglobin) 3.600 lần (gần như không phân ly), nghĩa là vô hiệu hóa chức năng vận chuyển oxy của hồng cầu. 

Nếu không khí có 1% thể tích CO thì máu người sẽ có 50% HbCO, trong khi máu có 40% HbCO các triệu chứng ngộ độc nặng xuất hiện nhanh chóng; có 70% HbCO sẽ chết tức khắc. Hàm lượng CO2 trong không khí bình thường khoảng 0,04%; nếu trong 1m3 không khí có 50 - 60ml CO2, con người chết sau 30 - 60 phút. 

Khi đốt than trong phòng kín, lượng oxy bị quá trình đốt cháy tiêu hao dần và lượng CO, CO2 tăng nhanh tất dẫn đến ngộ độc... Các khí này không màu, không mùi, không kích thích nên không biết mà đề phòng.

Ngộ độc nhẹ có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ù tai, khó nhìn, cảm giác như hai thái dương hay vùng trán bị ép chặt, choáng váng, lợm giọng, buồn nôn, hoa mắt, xây xẩm mặt mày, run chân tay, đau thắt ngực, mệt; nhịp tim và nhịp thở nhanh rồi chậm. 

Do trương lực cơ và cơ lực bị suy giảm trầm trọng nên rất khó cử động chân tay và cơ thể, vì thế khi ý thức chưa bị rối loạn có muốn chạy ra khỏi nơi nguy hiểm cũng không chạy được. Nặng thì thờ ơ, vô cảm, mất nhớ, hoặc lú lẫn mất định hướng, ngủ gà; liệt do giảm trương lực cơ và cơ lực, nhất là hai chân hoặc có những cơn co gồng người; khó thở, thở chậm do trung tâm chỉ huy hô hấp ở hành não bị ức chế; mạch nhanh, yếu, không đều; thân nhiệt giảm; đồng tử giãn; hôn mê hoặc co giật; tăng tiết dịch; phù phổi, suy hô hấp... 

Nếu hôn mê trên 48h, tiên lượng rất xấu, nguy cơ tử vong cao... Phụ nữ mang thai, thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não thường ngộ độc nặng hơn hoặc đột quỵ. 

Khoảng 4 - 40% người thoát chết hay nhiều lần hít phải CO nồng độ thấp bị rối loạn trí nhớ, hoặc rối loạn cảm giác và trí tuệ suy giảm; có triệu chứng giống bệnh Parkinson; giảm thị lực; rung giật cơ; liệt nửa người; bệnh lý thần kinh ngoại biên; thay đổi tính tình, thích bạo lực…

CO và CO2 làm chết người nhiều nhất trong số các khí độc và ngay từ những năm trung học cơ sở trở đi học sinh đã được học về sự phát sinh những khí độc này! 

Những người dân vùng sâu, xa không được học hành nên sử dụng tùy tiện đã đành, nhưng ngay cả không ít người sống ở thành phố cũng thiếu hiểu biết và phải trả giá bằng mạng sống. Cũng không hiểu nổi nhiều vùng ở Hà Tĩnh hiện còn tục “xông” than cho gái đẻ để “tránh hậu sản”!?

Để tránh tai họa chết người, không đốt than, củi; nổ các loại máy dùng nhiên liệu hóa thạch trong nhà kín, không xuống giếng cạn hay hầm lò bỏ hoang vì thường tích tụ CO2, không ngủ cạnh lò vôi, gạch đang đốt... 

Khi phát hiện sự cố, nhanh chóng mở toang các cửa hoặc chuyển ngay nạn nhân ra khỏi nhà. Người ngộ độc nhẹ sẽ hồi tỉnh, người có biểu hiện nặng phải đưa ngay đến trung tâm chống độc hoặc bệnh viện... Tuyệt đối không xuống cứu người trong giếng cạn hay hầm lò nếu không có mặt nạ phòng độc vì sẽ tử vong trong vòng vài chục giây...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại