Không kích "phá bĩnh" ở Idlib, Syria: Mỹ sẽ phải đón nhận cơn thịnh nộ từ Nga-Thổ vì "đổ dầu vào lửa"?

Quốc Vinh |

Việc Mỹ bất ngờ làm xấu thêm tình hình vốn đã tồi tệ ở Idlib, Syria bằng đợt tấn công mới nhất đã khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng.

Hôm 31/8, Mỹ đã bất ngờ không kích vào một cứ điểm được cho là nơi ẩn náu của các chiến binh khủng bố có liên kết với Al-Qaida ở Idlib.

Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời được Nga và phe đối lập đồng ý, trong nỗ lực chấm dứt bốn tháng giao tranh liên tục. Moscow đã lên tiếng chỉ trích Washington vì đã phát động cuộc tấn công bất ngờ mà không thông báo cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía Mỹ giải thích rằng, cuộc tấn công nhằm vào "những kẻ có khả năng đe dọa công dân Mỹ, các đối tác và thường dân vô tội". Ngoài ra, việc phá hủy cứ điểm sẽ làm giảm các nguy cơ tấn công của khủng bố trong tương lai và gây mất ổn định khu vực.

Cuộc không kích lần thứ hai trong hai tháng qua của Mỹ đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong chính sách Syria, phá vỡ vùng cấm bay do Nga áp đặt.

Theo Middle East Monitor, động thái này cũng được coi là bước ngoặt giúp phá vỡ sự bế tắc chính sách của Mỹ ở Syria trong nhiều tháng qua, nơi Tổng thống Donald Trump bày tỏ mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi khu vực nhưng vấp phải sự phản đối.

Trước đó, Washington vẫn còn loay hoay trong việc "đi hay ở" trong cuộc chiến Syria. Với cuộc tấn công mới nhất, dường như Mỹ muốn gửi một thông điệp rằng họ sẽ tái khẳng định cam kết chống khủng bố trong khu vực và thiết lập tương lai chính trị lâu dài tại đây.

Vì sao Mỹ không kích ở Idlib?

Trong tuyên bố của mình, Mỹ nói đã thực hiện một cuộc tấn công vào nhóm Hurras Al-Deen, một nhánh của Al-Qaida ở phía tây bắc Syria. Nhóm được thành lập vào tháng 2/2018 và có khoảng 1.800 chiến binh. Về cơ bản, Hurras Al-Deen chỉ là một lực lượng nhỏ ở quốc gia Trung Đông.

Trong khi đó, Chính phủ Damascus và Nga thường nhằm mục tiêu vào nhiều nhóm khủng bố, mà mục tiêu lớn nhất là Hayaat Tahrir Al-Shaam (HTS) – lực lượng chính đang kiểm soát Idlib.

Về điều này, có thể thấy cả Mỹ và Nga đang có những hướng đi khác nhau. Hiện chưa rõ Mỹ có mở rộng các mục tiêu không kích sang các nhóm cực đoan khác hay không. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khả năng này chưa xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Trong báo cáo năm 2019 , tình báo Mỹ chỉ xác định Hurras Al-Deen là chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, loại trừ các nhóm khác như HTS.

Không kích phá bĩnh ở Idlib, Syria: Mỹ sẽ phải đón nhận cơn thịnh nộ từ Nga-Thổ vì đổ dầu vào lửa? - Ảnh 2.

Các cuộc giao tranh vẫn xảy ra khốc liệt ở Idlib.

Các quan chức Mỹ trước đây cũng ám chỉ rằng, chỉ những nhóm có kế hoạch tấn công các mục tiêu bên ngoài Syria mới khiến nước này cần phải có hành động trực tiếp. Do đó, cuộc tấn công mới nhất vào Hurras Al-Deen của Washington được cho là nhằm mục đích ngăn chặn mối nguy hiểm tiềm năng.

Sự tham gia bất ngờ của Mỹ sẽ làm phức tạp mối quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow hiện đang ủng hộ các cuộc tiến công ở Idlib và phía Bắc Hama, trong khi Ankara đang muốn giữ nguyên trạng để tìm kiếm một giải pháp không bạo lực.

Việc Mỹ làm xấu thêm tình hình vốn đã tồi tệ bằng các cuộc tấn công mới nhất dường như sẽ không được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dung thứ, tờ Middle East Monitor nhận định.

Chính sách bấp bênh

Cuộc tấn công đầy tự tin của Mỹ hôm 31/8 ở Idlib dường như trái ngược hoàn toàn với sự bối rối về mặt chiến lược của nước này thời gian qua.

Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố bắt đầu các bước rút quân khỏi Syria vào năm ngoái, các cuộc tranh luận đã nổ ra về chính sách bấp bênh của Mỹ và những mối lo ngại khủng bố vẫn còn đó.

Trong gần một năm qua, Mỹ đã gần như lặng thinh ở Syria, để lại dấu hỏi các giải pháp chính trị của cuộc xung đột và về tương lai của người Kurd giữa nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Điều này đã cho phép Nga khẳng định vai trò lãnh đạo của mình nhiều hơn thông qua tiến trình Astana, kết hợp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để loại bỏ ảnh hưởng của châu Âu và Mỹ.

Để hàn gắn mối quan hệ ngày càng chia rẽ, Washington đã xuống nước một phần trong cuộc khẩu chiến với Ankara về sự ủng hộ đối với các chiến binh người Kurd ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến nay, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đồng ý thành lập một khu vực an toàn với các cuộc tuần tra chung, tạo điều kiện cho người tị nạn trở lại quê hương.

Tuy nhiên, sự khác biệt vẫn tồn tại; Ankara đã yêu cầu một số khu vực nhất định không có chiến binh người Kurd, trong khi Mỹ muốn có toàn quyền kiểm soát khu vực này.

Sự bế tắc tiếp tục đi kèm với lời đe dọa của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về việc mở thêm một hoạt động quân sự mới đến phía Đông sông Euphrates, đe dọa người Kurd.

Các mục tiêu của Mỹ tại Syria hiện tại là tiêu diệt khủng bố, loại bỏ tất cả các lực lượng Iran khỏi Syria; và một giải pháp chính trị có ý nghĩa cho cuộc xung đột.

Chín tháng sau khi Tổng thống Trump cam kết rút quân, có rất ít hành động đã được thực hiện để xác định một hướng đi mới sẽ đáp ứng các mục tiêu đó. Thay vào đó, người Mỹ dường như sa lầy sâu hơn vào những thứ không liên quan.

Theo Middle East Monitor, tạm thời, Washington chỉ có thể tiếp tục sứ mệnh chống khủng bố, trong đó hoạt động mới nhất ở Idlib là một ví dụ.

Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thực hiện ít nhất một trong những mục tiêu đã nêu ở Syria, giấc mơ về việc rút quân khỏi Syria sẽ không thể thành hiện thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại