Tinh hoa vũ khí Việt: Tàu hộ vệ săn ngầm 18 từ Hàn Quốc của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế quan trọng

Trà Khánh |

Đối với Tàu 18 cùng thủy thủ đoàn tham dự diễn tập hải quân chung Mỹ-Asean là thử thách quan trọng để chứng minh năng lực tác chiến của tàu sau khi được biên chế chính thức.

Nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của tàu hộ vệ săn ngầm Pohang

Theo TTXVN, ngày 2/9 tại căn cứ hải quân Sattahip, Thái Lan, Lễ khai mạc cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên giữa Mỹ-Asean (AUMX) đã chính thức khai mạc dưới sự đồng chủ trì của Phó Đô đốc Hải quân Thái Lan Charoen Ponkumratsi và Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Kenneth Whitesell, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.

Diễn tập hải quân chung Mỹ-Asean dự kiến sẽ diễn từ ngày 2/9 cho đến 6/9 tại khu vực biển Vịnh Thái Lan và ngoài khơi mũi Cà Mau, Việt Nam, với chủ đề "Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và năng lực tác chiến hàng hải hỗn hợp".

Cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia, 1.250 quân nhân của Mỹ và tất cả 10 nước ASEAN. Đại diện Hải quân Nhân dân Việt Nam tham gia diễn tập hải quân AUMX năm nay là Tàu Hải quân 18, thuộc Lữ đoàn 172, Vùng 2 Hải quân.

Tinh hoa vũ khí Việt: Tàu hộ vệ săn ngầm 18 từ Hàn Quốc của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế quan trọng - Ảnh 1.

Chiều 1/9, tại quân cảng Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân, Tàu 18 cùng đoàn cán bộ Hải quân nhân dân Việt Nam đã xuất phát lên đường tham gia Diễn tập Hàng hải ASEAN-Hoa Kỳ 2019 (AUMX-2019). Ảnh: VOV.

Tham dự diễn tập hải quân chung AUMX là nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của Tàu Hải quân 18 – một trong hai tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang được Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa vào biên chế trong thời gian gần đây.

Việc Quân chủng Hải quân quyết định cử Tàu 18 tham gia AUMX thay vì các tàu hộ vệ tên lửa Gepard như các sự kiện đối ngoại quốc phòng trong năm nay cho thấy, Hải quân Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn các tàu hộ vệ săn ngầm Pohang và đưa chúng vào trạng thái sẵn chiến đấu ở mức cao nhất.

Mặt khác việc sở dụng một tàu chiến có hệ thống tác chiến trên hạm theo chuẩn NATO như Tàu 18 để tham gia diễn tập hải quân chung với Mỹ và một số nước Đông Nam Á có hệ thống tác chiến tương tự đối với Hải quân Việt Nam sẽ là một lợi thế trong việc phối hợp với các tàu chiến bạn trong diễn tập trên biển.

Tuy nhiên, đối với Tàu 18 cùng thủy thủ đoàn tham dự diễn tập hải quân chung Mỹ-Asean lần này cũng sẽ là một thử thách quan trọng để chứng minh năng lực tác chiến của tàu sau khi được biên chế chính thức.

Nhất là sau khi Tàu 18 đã hoàn toàn quá trình nâng cấp để phù hợp hơn với yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong nước.

Bởi ở thời điểm hiện tại các tàu hộ vệ săn ngầm Pohang là lớp tàu chiến duy nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam sử dụng hệ thống vũ khí cũng như tác chiến trên hạm theo chuẩn NATO, do đó để đồng bộ các tàu Pohang với các tàu chiến có sẵn trong biên chế là một thử thách không hề nhỏ.

Tàu Hải quân 18 trước đó có tên là Gimcheon "PCC-761" là một trong các tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang Flight III của Hải quân Hàn Quốc, được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trong năm 2018. Tuy nhiên, Tàu 18 không được đưa vào biên chế ngay thời điểm đó mà trải qua quá trình đại tu và nâng cấp lớn tại nhà máy X46 thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân.

Có thể thấy Quân chủng Hải quân đã có những bước chuẩn bị chắc chắn để đưa vào vận hành các tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang, với mục tiêu khai thác tối đa năng lực tác chiến của lớp tàu chiến này trong nhiệm vụ chống ngầm cũng như tuần tra bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc.

Sức mạnh hỏa lực đáng gờm trên các tàu hộ vệ lớp Pohang

Sau khi được đưa vào biên chế chính thức, các Tàu Hải quân 18 (Lữ đoàn 172, Vùng 2 Hải quân), Tàu Hải quân 20 (Lữ đoàn 171, Vùng 3 Hải quân) đã giúp cải thiện đáng kể năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Việt Nam, cùng các tàu hộ vệ săn ngầm Petya và tàu hộ vệ tên lửa Gepard.

Tuy nhiên, năng lực tác chiến chống ngầm giữa Tàu 18 và Tàu 20 lại không đồng đều do hệ thống vũ khí của các tàu chiến này khi Hàn Quốc chuyển giao cho Hải quân Việt Nam là khác nhau.

Tinh hoa vũ khí Việt: Tàu hộ vệ săn ngầm 18 từ Hàn Quốc của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế quan trọng - Ảnh 3.

Hình ảnh Tàu Hải quân 20 trực chiến trong biên chế Lữ đoàn 171, Vùng 3 Hải quân. Ảnh: Báo Hải quân.

Theo đó ở Tàu 18, hệ thống vũ khí chính trên tàu gồm, một hải pháo chính OTO Melara 76mm, một hải pháo phòng không hai nòng Nobong 40mm (phía sau đuôi tàu) và một pháo Gatling 6 nòng 20m Sea Vulcan (phía trên pháo chính). Trong khi đó hệ thống vũ khí chống ngầm của tàu đã bị gỡ bỏ.

Trong khi đó ở Tàu 20, hệ thống vũ khí của tàu được giữ nguyên như khi còn trong biên chế Hải quân Hàn Quốc gồm, hai tháp pháo OTO Melara cỡ nòng 76mm, 2 pháo Nobong nòng đôi cỡ 40mm cùng với đó là 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ Mk 32 cỡ 324 mm, cùng một số vũ khí hỗ trợ khác chưa thể thống kê.

Như vậy với cấu hình vũ khí trên Tàu Hải quân 20 là tàu hộ vệ được trang bị nhiều hải pháo nhất của Hải quân Việt Nam.

Nếu như phía Hàn Quốc giữ nguyên hệ thống thiết bị điện tử hàng hải trên các tàu Pohang khi chuyển giao cho Việt Nam thì chúng sẽ được trang bị radar trinh sát bề mặt Marconi ST-1810, hệ thống điều khiển hỏa lực ST-1802, thiết bị ngắm bắn quang học Radamec 2400 cùng thiết bị định vị thủy âm (sonar) gắn liền Signaal PHS-32.

Đối với khả năng chống ngầm của Tàu 18 hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể tự bổ sung hệ thống vũ khí chống ngầm trong nước cho tàu chiến này hoặc sử dụng hệ thống vũ khí chống ngầm tương tự như Tàu 20 với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc phòng nước ngoài để nó có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình.

Hy vọng trong tương lai với các chương trình hợp tác quân sự nước ngoài, Quân chủng Hải quân sẽ tiếp tục đón thêm các tàu chiến mới phục vụ cho quá trình tái trang bị và mở rộng biên đội tàu chiến săn ngầm hiện có.

Tàu hộ vệ tên lửa 016 - Quang Trung tới Nga dự duyệt binh hải quân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại