Như đã thông tin trước đó, Hàn Quốc vừa viện trợ cho Việt Nam một tàu hộ vệ săn ngầm thuộc lớp Pohang đã qua sử dụng, con tàu đã về tới Dải đất hình chữ S vào năm ngoái và được đánh số hiệu mới là 18.
Tàu hộ vệ săn ngầm 18 lớp Pohang được Hàn Quốc tặng Hải quân Việt Nam. Ảnh: Sputnik tiếng Việt.
Qua quan sát bức ảnh trên, dễ nhận thấy rằng con tàu đã bị tháo bỏ dàn phóng ngư lôi 324 mm cùng với 1 ụ pháo Oto Melara Compact 76 mm phía sau và 1 ụ pháo Nobong 40 mm phía trước, thay thế vào đó là khẩu Sea Vulcan cỡ 20 mm.
Vấn đề được quan tâm sau khi hình ảnh con tàu xuất hiện đó là liệu Việt Nam có thể nâng cấp cấu hình vũ khí cho chiếc Pohang này hay không, vì nền tảng chiến hạm trên của Hàn Quốc đủ khả năng cải tạo thành tàu hộ vệ tên lửa đa năng.
Tàu hộ vệ săn ngầm 18 lớp Pohang đang được sửa chữa và nâng cấp tại Nhà máy X46 - Cục Kỹ thuật Hải quân. Ảnh: QPVN.
Mới đây nhất, hình ảnh chiếc tàu hộ vệ săn ngầm 1.200 tấn này đã được công khai chi tiết trong một phóng sự của Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, đồng thời cũng là lời giải đáp về hoạt động của chiếc chiến hạm trên sau khi vào biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam.
Hiện tại tàu 18 đang nằm trong khu nhà xưởng của Nhà máy X46 - Cục Kỹ thuật Hải quân. Trong quý I/2018, nhiệm vụ quan trọng của đơn vị là sửa chữa và nâng cấp chiếc tàu hộ vệ săn ngầm cỡ lớn trên để sớm bàn giao nó cho Vùng 2 Hải quân.
Như vậy là chiếc chiến hạm này sẽ không chỉ được sửa chữa, đại tu mà nội dung công việc còn bao gồm cả công đoạn "nâng cấp".
Bầu thiết bị định vị thủy âm của tàu 18. Ảnh: QPVN.
Mặc dù các ống phóng ngư lôi hạng nhẹ 324 mm đã bị tháo bỏ tuy nhiên rất đáng mừng là bầu chứa thiết bị định vị thủy âm của tàu vẫn còn.
Nếu khí tài này vẫn nguyên vẹn thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều, nhưng nếu trường hợp thứ hai xảy ra đó là phần kết cấu trên bị để trống thì Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng bổ sung cho nó sonar BELL HMS-X2 của Ấn Độ - loại được nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá khá cao.
Hơn thế, nếu điều kiện cho phép, chúng ta có thể tận dụng khoảng không gian phía sau tàu vốn đã trống trải hơn trước vì không còn 1 khẩu Oto Melara 76 mm để nghiên cứu phương án lắp đặt những vũ khí tiên tiến.
Cụ thể, với khoảng không gian mở, Hải quân Việt Nam có thể lắp thêm cho tàu các ống phóng ngư lôi hạng nhẹ cỡ 400 mm cùng với bệ phóng KT-184 để mang phóng tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran-E vào vị trí đó, radar dẫn bắn cho tên lửa sẽ là loại Garpun-Bal tích hợp trên nóc cabin chỉ huy.
Phương án trên sẽ giúp cho Hải quân nhân dân Việt Nam sở hữu một chiếc tàu hộ vệ cỡ 1.200 tấn đa năng, được trang bị cả vũ khí chống ngầm lẫn tên lửa diệt hạm để cấp tốc nâng cao sức mạnh hạm đội tàu mặt nước.
Xem video: Phát huy sức sáng tạo của người lính thợ hải quân. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Phát huy sức sáng tạo của người lính thợ hải quân