"Đứa con lắm tật" F-35 Mỹ muối mặt tránh xa tọa độ lửa Syria: Quyết định chóng vánh

Chỉ Nhàn |

Thử sức với tên lửa S-300 là quá nguy hiểm với “tân binh”, không kích vào lực lượng phòng không yếu xem ra là điều tốt nhất với tiêm kích “lắm tiền nhiều tật” như F-35B.

Giữa lúc thế giới "sục sôi" trước thông tin Nga chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria trong vòng 2 tuần tới, mới đây Quân đội Mỹ bất ngờ thông báo tiêm kích F-35B đã có chiến công đầu tiên.

Kênh CNN dẫn nguồn tin Thủy quân Lục chiến Mỹ cho hay, tiêm kích tàng hình F-35B cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ USS Essex đã thực hiện một cuộc không kích vào hôm 27/9.

Tuy nhiên, mục tiêu mà chiếc F-35B tấn công không phải xảy ra tại Syria mà là ở Afghanistan. Vụ tấn công được xác định là thành công mỹ mãn.

Đây được coi là lần đầu tiên F-35B được sử dụng trong nhiệm vụ thực chiến và là lần thứ 2 của dòng máy bay F-35 nói chung.

S-300 đã tới, F-35B không còn cơ hội ra oai

Điều đáng nói, trước đó USS Essex chở theo tiêm kích tàng hình F-35B được giới phân tích tin rằng sẽ tham gia không kích Syria.

Tuy nhiên, trong khi người ta vẫn còn đang ra sức dự đoán xem liệu F-35B sẽ chiến đấu như thế nào thì hai cuộc không kích "chóng vánh" của Israel và Pháp diễn ra.

Tiếp sau đó lại là thảm kịch phòng không Syria bắn nhầm máy bay IL-20 cũng như "ngòi nổ" Idlib tạm thời được tháo đã khiến cho cuộc không kích mà có thể được liên quân do Mỹ đứng đầu lên kế hoạch "mất tích".

Mặc dù bây giờ để kiếm một cái cớ tấn công Syria không phải quá khó với những "bộ não đầy chiêu trò" của Mỹ. Dẫu vậy việc Nga quyết định chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria chắc hẳn khiến Washington phải suy nghĩ thật kĩ trước khi đem F-35B vào tham chiến.

Được cho là xếp vào hàng máy bay chiến đấu thế hệ 5 tối tân, thế nhưng theo các chuyên gia, khả năng tàng hình của dòng F-35 nói chung không thật sự hoàn hảo.

Đứa con lắm tật F-35 Mỹ muối mặt tránh xa tọa độ lửa Syria: Quyết định chóng vánh - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình F-35B cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ.

Trả lời Sputnik hồi tuần trước, chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Vijainder K Thakur cho hay, F-35 không hội tụ đủ tất cả các khía cạnh tàng hình. Chiếc máy bay này được tối ưu hóa để tàng hình ở mặt trước, khiến loại radar X-band của đối phương không thể phát hiện ra nó khi đối diện.

"Tuy nhiên mặt bên và mặt sau của máy bay vẫn hạn chế về khả năng tàng hình. Các radar của hệ thống S-400 có thể phát hiện và theo dõi F-35 bởi chúng hiếm khi ở vị trí đối diện với máy bay này.

Chẳng hạn, radar 91NE6 có thể thu được nhiều tín hiệu khác nhau từ radar của F-35 và lưu trữ chúng trong một thư viện điện tử. Những dữ liệu này sau đó sẽ được dùng để xác định đường quét của radar F-35 hoặc cấu hình máy bay", ông Vijainder K Thakur cho biết.

Trước khi xảy ra thảm kịch IL-20, dẫu rằng S-400 đã có mặt ở Khmeymim từ lâu nhưng Không quân Nga không thể khai hỏa vào máy bay Israel hay Mỹ vì các thỏa thuận giữa hai bên.

Còn bây giờ tình hình đã khác, tên lửa S-300 được chuyển giao cho Quân đội Syria cho phép khai hỏa tấn công bất kỳ máy bay nào dù của Mỹ hay Israel.

Một điều rất thuận lợi, các tên lửa S-300 mà Nga chuyển sang cho Syria nhiều khả năng là các khí tài "chuẩn" dành cho phòng không Nga thay vì phiên bản xuất khẩu phù hợp cho Syria. Như vậy, nó có thể liên kết dữ liệu với các hệ thống S-400 có mặt tại Khmeymim.

Có thể mường tượng, S-400 ở Khmeymim với hệ thống radar cực mạnh phát hiện các mục tiêu nguy hiểm, chuyển dữ liệu cho S-300 của Quân đội Syria được các cố vấn Nga hỗ trợ ra đòn "kết liễu".

Rõ ràng, việc không kích Syria sử dụng máy bay tàng hình F-35B vào lúc này đối với nước Mỹ là một điều không nên. Đó là canh bạc "50-50", nếu thắng lợi thì danh tiếng dòng máy bay này sẽ như "diều gặp gió", nhưng nếu bị bắn rơi thì đó sẽ là dấu chấm hết cho "đứa con lắm tật" của công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Đứa con lắm tật F-35 Mỹ muối mặt tránh xa tọa độ lửa Syria: Quyết định chóng vánh - Ảnh 2.

F-35 ném bom thông minh GBU-12.

Quyết không về tay không, phải có chiến thắng cho "đỡ ngượng"

Thế nhưng, đã tốn công đưa các tiêm kích F-35B tới khu vực Trung Đông "nóng hầm hập" mà lại "ra về tay không" thì thật xấu hổ. Điều đó là không tốt cho chương trình F-35 vốn đã bị chê bai "lắm tiền nhiều tật".

Đó có lẽ là lý do khả thi nhất lý giải cho việc Thủy quân Lục chiến Mỹ quyết định triển khai F-35B cho nhiệm vụ chiến đấu chống khủng bố Taliban ở Afghanistan.

Trước một đối thủ không có lực lượng phòng không, nếu có thì chỉ là vài khẩu pháo cao xạ hay tên lửa vác vai tầm thấp thì "quá ít mối đe dọa" cho F-35B. Đã đánh là thắng chắc!

Mà thực tế, như đã đề cập ở trên, cuộc không kích tại Afghanistan đã thành công mỹ mãn, không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Chiến công này dù chẳng mang được nhiều tiếng vang lớn nào cho Quân đội Mỹ bởi hầu như giới quan sát đều kỳ vọng F-35B sẽ đối đầu với S-300, S-400 tại Syria. Tuy vậy, nó là sự an ủi đáng kể cho chương trình vũ khí đắt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Thực tế khi USS Essex mang theo F-35B hiện diện gần các "điểm nóng", Quân đội Mỹ không hề đả động về việc nó sẽ được sử dụng không kích Syria hay không. Cho nên, cũng khó trách tại sao họ không chấp nhận "thách thức" phòng không Nga-Syria.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Mục kích máy bay tàng hình F-35 bắn tên lửa, ném bom.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại