Mới đây, thông tin cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó đang khiến dư luận hết sức hoang mang và bất bình trước hành vi kinh doanh vô lương tâm này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, không chỉ cà phê nhuộm pin, mà rất nhiều đồ ăn khác cũng được dùng pin để làm chín như ngô, khoai hay bánh chưng.
Cà phê nhuộm đen bằng pin con Ó khiến dư luận phẫn nộ
Ngày 15/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN - PTNT tỉnh Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện chủ cơ sở này đang cho nhân công dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
Lõi pin được dùng để nhuộm cà phê. Ảnh: Người Lao Động
Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ pin.
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết quá trình điều tra, bà Loan thừa nhận đã có hành vi sử dụng pin đập dập hòa vào nước sau đó ngâm tẩm vỏ cà phê, cà phê phế liệu rồi phơi khô đóng bao. (Xem tin chính)
Dùng pin luộc bánh chưng cho nhanh chín
Hồi năm 2007 rộ thông tin một số người dùng pin để luộc bánh chưng cho nhanh chín và lá xanh mướt hơn. Theo tiết lộ của nhiều người bán hàng, để rút ngắn thời gian luộc và làm cho bánh có màu sắc bắt mắt hơn, một số người kinh doanh vô đạo đức luộc bánh chưng bằng pin thay vì luộc theo cách truyền thống mất tới cả chục tiếng đồng hồ.
Bình thường, để có thể "ra lò" một mẻ bánh chưng, người ta cần luộc trong vòng từ 10-12 tiếng. Nhưng chỉ với 1 lõi cục pin cho vào, người ta đã rút ngắn thời gian luộc bánh chỉ trong vòng 2 tiếng.
Luộc bánh chưng với pin.
Tuy nhiên, luộc bánh chưng bằng pin để lại những nguy hại tiềm ẩn cho người sử dụng. Bởi lẽ các kim loại nặng chứa trong pin như thủy ngân, thạch tín, chì… đều là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, tim mạch, thận và ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nếu bạn nhiễm độc chì ở mức độ nặng có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, vô sinh và sảy thai. Chưa kể các hóa chất độc hại khác chứa trong pin nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể với nồng độ lớn có thể dẫn đến bị tử vong. (Đọc tin chính)
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, cho pin vào nồi bánh chưng không hề có tác dụng làm cho bánh nhanh nhừ và giữ lá còn xanh như tin đồn mà còn gây rất nhiều tác hại bởi những hóa chất độc hại trong pin. Không có cơ sở khoa học cho việc này.
Trong trường hợp người dân không hiểu biết cho pin vào nấu bánh chưng sẽ rất tai hại. Ông cho hay, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.
"Chì, Magie, Mangan trong pin sẽ thôi ra khiến người ăn bị ngộ độc. Nhẹ, tức thời sau khi ăn ít, chúng ta sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy trường diễn và tiềm ẩn ung thư.
Người ta đã khuyến cáo trẻ con không được chơi pin bởi thực tế, có nhiều trẻ cầm pin chảy nước đã bị bong da. Điều đó cho thấy nó là chất độc. Nếu dùng trong thực phẩm thì quả thực rất tai hại", PGS Thịnh cảnh báo.
Xem video luộc bánh chưng bằng pin:
Luộc bánh chưng bằng pin (Nguồn: VTV1)
Ngô luộc bằng pin
Tương tự như luộc bánh chưng, để ngô nhanh chín khi luộc, người ta cho 1-2 cục pin vào nồi luộc chung, ngô sẽ chín rất nhanh. Theo những người bán ngô luộc lâu năm, khi lấy ngô ở chợ đầu mối ngô không còn tươi vì để lâu ngày, hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường sẽ rất lâu và rất tốn nhiên liệu.
Bà Tám vừa nấu bắp bán, vừa bán bắp sống, cho biết, chợ ngã ba Bầu là nơi cung cấp bắp sống cho toàn thành phố. Chợ bắp lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Bà nói với người mua bắp: "Đừng có dùng mấy thứ hóa chất mà nấu rồi có ngày bị công an 'hỏi thăm' đấy".
Ở khu vực này vừa rồi có một số chủ lò dùng hóa chất nấu bắp đi bán nên đã bị công an bắt, đến nay họ không hoạt động lại được nữa.
Người phụ nữ này nói rằng nấu bắp không sử dụng hóa chất mất nhiều công sức và thời gian nhưng "cần phải có lương tâm của người làm nghề. Còn nếu không có lương tâm thì chỉ việc dùng hóa chất và dùng pin để nấu, bắp chín rất nhanh".
Bà Tám hướng dẫn, để bắp nhanh chín, khi luộc, người ta cho một hai cục pin vào nấu chung và phải canh chừng, nếu để quá lửa bắp sẽ bị nhão. Luộc như thế, bán mới có lãi.
Lý do là giá bắp tại chợ đầu mối đã 1.400 đến 3.000 đồng một trái, lại không còn tươi, để lâu ngày hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường rất lâu và rất tốn nhiên liệu. Trong khi đó giá bắp luộc 2.500 đồng đến 5.000 đồng một trái. (Đọc tin chính)
Xem thêm:
Dùng lõi pin nhuộm cà phê: "Ác đến vậy là cùng"