Không chỉ khám sức khoẻ, đây mới là vấn đề lưu ý hàng đầu để phát hiện ung thư sớm

Ngọc Minh |

Ung thư có thể xuất hiện tất cả các bộ phận của cơ thể. Vì vậy để phát hiện ra bộ phận nào trên cơ thể không phải là điều dễ dàng.

Hàng năm khám ung thư nhưng vẫn phát hiện bệnh muộn

Khám định kỳ chỉ là một phần trong phát hiện ung thư sớm. Vì trên thực tế rất nhiều bệnh nhân hàng năm vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đi tầm soát ung thư, nhưng vẫn không phát hiện được ung thư sớm và phải tử vong.

BSCKII Trần Thị Hợp - nguyên giảng viên bộ môn ung thư, Đại học Y Hà Nội; nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngoại A, Bệnh viện K Trung ương chia sẻ câu chuyện bệnh nhân chăm chỉ đi khám sức khoẻ, nhưng vẫn phát hiện ung thư giai đoạn muộn.

Đó là trường hợp của bệnh nhân T, năm nào cũng tầm soát ung thư.

Khi xét nghiệm máu chỉ số CA trong máu của bệnh nhân cao. Bác sĩ Hợp có khuyên bệnh nhân kiểm tra tổng thể từ đầu xuống chân: chụp CT, nội soi ống tiêu hoá… để tìm ra nguyên nhân chỉ số CA cao.

Bệnh nhân đã làm tất cả, nhưng não thì đã không kiểm tra. Khoảng 2 năm sau bệnh nhân ăn cơm, cơm bị rơi ra mép vợ bệnh nhân đã gọi điện cho bác sĩ Hợp.

Không chỉ khám sức khoẻ, đây mới là vấn đề lưu ý hàng đầu để phát hiện ung thư sớm - Ảnh 1.

Bác sĩ Hợp chia sẻ cách phát hiện ung thư sớm.

Bác sĩ Hợp đã khuyên bệnh nhân nên đi chụp CT não, kết quả chụp bệnh nhân bị u não. Sau đó, bệnh nhân có mổ u não và khoảng 1 năm sau bệnh nhân qua đời, chưa kịp điều trị.

Còn trường hợp bệnh nhân N.T.Tr (38 tuổi, Hà Nội) làm nghề kinh doanh, bệnh nhân rất quan tâm tới sức khoẻ. Do có người nhà trong gia đình bị mắc ung thư nên bệnh nhân rất chú trọng khám sức khoẻ.

Hàng năm bệnh nhân Tr bỏ ra cả trăm triệu để tầm soát tất cả các căn bệnh ung thư.

Trước khi tới gặp bác sĩ Hợp, bệnh nhân Tr có một khối u nhỏ trong vú 1-2cm, trước đó được chẩn đoán lành tính. Tuy nhiên, bác sĩ Hợp nghi ngờ khối u đó ác tính, vì khi một khối u có kích thước 1-2cm theo lý thuyết đã phải phát triển cách đây 5 năm

Sau khi khám cho bệnh nhân Tr, bác sĩ đã khuyên bệnh nhân mổ. Khi mổ ra kết quả giải phẫu bệnh, chị Tr bị ung thư vú thể nhầy.

Phát hiện ung thư sớm bằng cách lắng nghe cơ thể

Bác sĩ Hợp cho hay, hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư vẫn chưa xác định, nhưng có 2 yếu tố được nhắc tới bên trong cơ thể (gen), bên ngoài cơ thể (ăn uống, tập quán sinh hoạt, môi trường…).

Tất cả các nguyên nhân gây ra ung thư hiện nay vẫn chỉ là giả thiết. Để phòng ung thư hiệu quả nhất đó chính là lắng nghe cơ thể mình và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường của cơ thể.

"Khi cơ thể cảm thấy hơi mệt nên đi khám ngay, không nên để mệt nhiều mới đi khám. Trên thực tế có những bệnh nhân cảm thấy mệt đi khám đã mắc ung thư dạ dày, ung thư gan", bác sĩ Hợp nói.

Bên cạnh, việc lắng nghe cơ thể và đi khám định kỳ cần phải xây dựng cho mình thói quen sinh hoạt tốt như:

Tăng cường vận động thể chất, thể dục, chơi thể thao

Chọn ăn nhưng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Hạn chế ăn đồ chiên rán, thay vào đó ăn nhiều rau xanh và hoa quả

Từ bỏ các thói quen xấu như: hút thuốc, rượu, bia

Bác sĩ Hợp cho hay, trong trường hợp không may mắn bị mắc ung thư thì cần tin tưởng vào y học hiện đại. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Điều trị ung thư về cơ bản sẽ phẫu thuật – xạ trị - hóa chất, tuy nhiên có một số bệnh chỉ có thể điều trị hóa chất như: ung thư máu, ung thư hạch.

Đầu tiên bệnh nhân cần phải phẫu thuật lấy khối u ra khỏi cơ thể. Khi phẫu thuật xong vùng ranh giới quanh khối u còn tế bào ung thư nên phải xạ trị. Do khối u sẽ được nuôi dưỡng bằng mạch máu, vì vậy tế bào ung thư cũng theo mạch máu phát triển xa vị trí ban đầu.

Bệnh nhân cần phải điều trị hóa chất để tiêu diệt tế bào đi sang các cơ quan bên cạnh gây ung thư.

Điều trị ung thư là điều trị phối hợp gồm phẫu thuật, tia xạ, hóa chất. Nếu như chỉ xạ trị, sẽ chỉ điều trị được một số bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại