Xét nghiệm máu không thể tìm được ung thư dạ dày: Đây mới là 4 bước sàng lọc cần làm

Bảo Thy |

Ung thư dạ dày là căn bệnh thường gặp thứ 3 trong các loại ung thư ở cả giới, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi.

Không thể đánh giá qua xét nghiệm

Theo thạc sĩ Phạm Anh Tuấn – phó khoa Điều trị tự nguyện A, Bệnh viện K nhiều bệnh nhân đến khám xin được làm các gói tầm soát ung thư chỉ vì đi xét nghiệm máu và được thông báo chỉ số chỉ điểm ung thư cao hơn bình thường.

Bà Nguyễn Thị Mâu (60 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) được con trai đưa đến Bệnh viện K trung ương với gương mặt thất thần, lo lắng. Bà Mâu cho biết cách đây 2 hôm bà đi khám bệnh thông thường vì hay mệt mỏi.

Kết quả xét nghiệm ngoài mỡ máu cholesterol tăng hơn bình thường thì chỉ số CEA cũng tăng gấp đôi. Bác sĩ tư vấn cần làm nội soi dạ dày vì nghi ngờ ung thư dạ dày. Do bà Mâu vừa ăn trưa nên không làm nội soi được, bác sĩ hẹn hôm sau tới làm.

Gia đình còn ngồi bàn nhau cho bà đi khám ở đâu và kế hoạch mổ như thế nào, điều trị ra sao. Còn bà Mâu cả đêm bà ngủ nghĩ sẽ chia tài sản cho các con như thế nào rồi đủ mọi lo lắng.

Ngay hôm sau, con trai đưa bà đến Bệnh viện K trung ương. Khi nội soi dạ dày, bác sĩ kết luận dịch dạ dày đục, không có viêm loét, niêm mạc phù nề và cho rằng bà bị viêm dạ dày. Lúc này, bà Mâu khóc, vì nghĩ bác sĩ giấu bệnh của mình không cho bà biết.

Bác sĩ hỏi ra bà mới nói hôm qua đi khám ở một cơ sở khác người ta bảo bà bị ung thư dạ dày và kết quả khám đưa ra chỉ duy nhất tờ giấy xét nghiệm.

Xét nghiệm máu không thể tìm được ung thư dạ dày: Đây mới là 4 bước sàng lọc cần làm - Ảnh 1.

Thạc sĩ Tuấn Anh đang cùng chuyên gia nước ngoài tư vấn cho bệnh nhân.

Bác sĩ lại tư vấn việc xét nghiệm chỉ số ung thư không thể khẳng định mình bị ung thư mà chỉ là tham khảo. Chỉ số CEA tăng cao có thể do bà Mâu bị viêm dạ dày chứ hoàn toàn không có ung thư.

Thạc sĩ Tuấn Anh cho biết, không riêng bà H. mà rất nhiều người chỉ ôm tờ xét nghiệm máu nghi ngờ ung thư rồi nghĩ mình đã bị án tử gõ cửa và suy nghĩ, lo lắng.

Khám ung thư dạ dày như thế nào?

TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K trung ương cho biết ung thư dạ dày là 1 trong 3 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta. Chỉ tính riêng năm 2018 có 11.161 ca mắc mới ung thư dạ dày. Tỉ lệ này cao hơn nhiều lần so với nữ giới: 6.366 ca mắc.

Yếu tố gây ung thư dạ dày là chế độ ăn nhiều muối và thức ăn xông khói; ăn thức ăn nấm mốc; ăn uống ít trái cây và rau; ăn quá nhiều đồ nóng, nhiều dầu mỡ… Gia đình có tiền sử bị ung thư dạ dày: nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ con cháu mắc bệnh rất cao.

Ngoài ra, nhiễm khuẩn HP là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư dạ dày.

Dạ dày là bệnh ung thư phổ biến nhưng TS Bình nhấn mạnh để chẩn đoán ung thư dạ dày phải qua trình tự các bước khám, sàng lọc, sinh thiết rất kỹ chứ không phải chỉ là một chỉ số đã được chẩn đoán.

Xét nghiệm máu không thể tìm được ung thư dạ dày: Đây mới là 4 bước sàng lọc cần làm - Ảnh 2.

Các dấu hiệu của ung thư dạ dày

Bước 1: Khi bệnh nhân đến khám sàng lọc ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, tiểu sử người bệnh bị viêm loét dạ dày, gia đình như thế nào, thói quen ăn uống…

Bước 2: Nội soi dạ dày, bệnh nhân được nội soi ống mềm đánh giá tổn thương trên hình ảnh. Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn.

Ngoài ra, các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến, vi khuẩn HP.

Bước 3: Chụp scan CT, đây là bước thực hiện khi có chẩn đoán trên các tổn thương qua hình ảnh ở bước 2. Bước này bác sĩ cũng thực hiện để đánh giá các tổn thương, di căn phúc mạc của ung thư dạ dày và các bộ phận khác, hạch.

Bước 4: Đây là bước chẩn đoán vàng trong ung thư nói chung và ung thư dạ dày cũng tương tự. Bác sĩ sẽ bấm sinh thiết ngay lúc tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh.

Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không. Một số trường hợp qua nội soi bấm sinh thiết không đúng vị trí tổn thương đặc biệt vùng hang vị thì sẽ thực hiện khi phẫu thuật.

Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất thế giới.

Tuy nhiên nhờ có các chương trình sàng lọc giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm cao và điều trị dự phòng thành công từ đó giảm bớt kinh phí điều trị và quá trình điều trị trở nên đơn giản hơn.

TS Bình khuyến cáo mọi người nên có kế hoạch tầm soát ung thư dạ dày nhất là những người trên 40 tuổi, có tiền sử viêm loét dạ dày.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại