Trẻ béo phì nhóm đối tượng có nguy cơ cao
Tại Bệnh viện nội tiết Trung ương không hiếm những trường hợp trẻ nhỏ tuổi đi khám đã được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1 và type 2.
Trường hợp, bệnh nhân T.T.B (13 tuổi), đến bệnh viện gầy còm, sút cân. Trước đó, bé B chán ăn nhưng gia đình tưởng bé gặp vấn đề về tiêu hoá. Gia đình bé B đã đi khám tiêu hóa nhưng không ra bệnh.
Bác sĩ tư vấn gia đình nên đưa bé đi khám nội tiết, kết quả khám bé B bị mắc đái tháo đường khiến cho mẹ bé rất bất ngờ.
Chị A (mẹ bé B) chia sẻ, chị chăm con rất cẩn thận, hạn chế không cho con sử dụng đồ ăn nhanh, nước uống có ga. Khi thấy con có triệu chứng mệt mỏi, sút cân nhanh, chị đưa con đi khám phát hiện bé B mắc tiểu đường.
Qua điều tra bệnh sử, bác sĩ phát hiện gia đình bé B có cả bố và ông nội đều đang điều trị bệnh tiểu đường.
Theo TS.BS Lê Quang Toàn, trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đái tháo đường type 1 và type 2 là do tác động của yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt trong đời sống hàng ngày gây nên.
Trong đó, yếu tố di truyền chỉ chiếm 10%, số còn lại là do nhiều yếu tố tác động đến. Nếu một đứa trẻ sinh ra từ bố và mẹ mắc đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 7 – 20 lần so với đứa trẻ sinh ra từ bố hoặc mẹ bình thường.
Bác sĩ Toàn cho biết, yếu tố dinh dưỡng là yếu hàng ngày và có liên quan tới căn bệnh đái tháo đường. Ở Việt Nam đái tháo đường type 2 hay xuất hiện ở những trẻ thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực.
Béo phì ở trẻ tăng, nguy cơ tiểu đường cũng tăng
Tỷ lệ thừa cân béo, béo phì ở trẻ tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Nhóm trẻ có nguy cơ đái tháo đường cao như: trẻ sinh ra từ bố mẹ mắc tiểu đường, trẻ sinh ra từ mẹ mẹ bị tiểu đường thai kỳ hoặc trẻ có bị thừa cân, béo phì...
Bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ đã có sự thay đổi
Bác sĩ Toàn cho biết, trước đây trẻ bị đái tháo đường gần như 100% là type 1, nhưng giờ đã xuất hiện những cháu ở độ tuổi rất nhỏ mắc tiểu đường type 2.
Tỷ lệ trẻ mắc đái tháo đường type 2 đang gia tăng theo từng năm. Dù tỉ lệ trẻ đái tháo đường có tăng lên, nhưng hiện nay với những phương tiện chẩn đoán sớm và ý thức của phụ huynh ngày càng được cải thiện, vì thế đa phần trẻ phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, ít để lại biến chứng.
"Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ bố mẹ chủ quan không nghĩ con còn nhỏ đã mắc đái tháo đường nên phát hiện bệnh muộn và điều trị gặp nhiều khó khăn", bác sĩ Toàn nói.
Dấu hiệu điển hình nhận biết, đái tháo đường type 1: Khát nước, tiểu nhiều vào ban đêm, sút cân, mệt mỏi…
Với đái tháo đường type 2, dấu hiệu ban đầu rất đa dạng, thậm chí có trường hợp ban đầu không hề có triệu chứng, vì lúc đầu đường máu tăng lên một cách từ từ, không cao đột biến.
Một số biểu hiện khi bệnh tiến triển: Khát nước, sụt cân, tiểu đêm nhiều... bệnh thường gặp ở những trẻ thừa cân béo phì.