Khi trẻ sốt đừng chủ quan: Có bất cứ dấu hiệu nào sau đây hãy đưa đi cấp cứu lập tức!

Nguyễn Quốc Khánh |

Hiện tại, các biện pháp điều trị bệnh sốt siêu vi mới chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng sốt, cảm lạnh và ho mà thôi, chưa có loại thuốc nào có thể chữa các bệnh nhiễm virus cả.

Đã là trẻ em thì phải do người lớn sinh ra, vì thế để cho có đầu đuôi, chúng ta hãy nói về chuyện người lớn trước.

Hỡi các mẹ bỉm sữa đang vô cùng lo lắng vì con sốt nóng cao quá, các mẹ hãy nhớ lại năm 16 tuổi, anh người yêu dẫn ra bụi chuối sau hè nắm bàn tay rồi thơm lên má. Có phải các mẹ đỏ ửng mặt lên đẩy ra, miệng lẩm bẩm đừng đừng... hay không?

Năm 36 tuổi, anh chồng cả tháng trời cứ tối là ngáy o o, các mẹ trở trăn khó ngủ quay sang ôm nồng nàn thì "nó" lầm bầm bảo mệt quá để anh ngủ. Có phải các mẹ cũng mặt đỏ tía tai vì bức rứt hay không?

Đấy, nếu hiện tượng nóng mặt đó là phản ứng của cơ thể thì "sốt" cũng vậy.

Sốt là khi có sự tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời do phản ứng lại với bệnh. Nếu nhiệt độ vượt quá 38oC sau nhiều lần đo trong ngày, xin chúc mừng, bạn đã bị sốt.

Vì sao lại chúc mừng thì bạn hãy đọc tiếp.

Với người lớn, sốt siêu vi thường chỉ dừng ở mức làm cho rã rời cơ thể vài ngày rồi tự hết, hầu như không nguy hiểm tính mệnh. Do vậy bài viết này chỉ bàn đến sốt siêu vi ở trẻ em.

Khi con ốm, đừng chủ quan: Trẻ có bất cứ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa đi cấp cứu lập tức! - Ảnh 1.

Sốt siêu vi là từ chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại virus khác nhau.

Khi hệ thống đề kháng của cơ thể chống lại nhiễm trùng, nhiệt độ sẽ tăng cao. Vì thế trong đa số trường hợp, sốt chỉ là "phản ứng phụ" trong "trận chiến chống quân thù", không thể tránh khỏi. Nên hiểu là khi sốt càng cao, sức đề kháng và trận chiến tranh bảo vệ cơ thể càng khốc liệt.

Một số bệnh nhân liệt kháng như bệnh AIDS lại thiếu khả năng… sốt, đấy chính là lý do tôi chúc mừng khi các bạn vẫn còn bị sốt ở trên kia.

Trẻ em dễ bị sốt cao hơn người lớn vì đây là những trận chiến đầu tiên trong đời của cơ thể con chống lại nhiễm khuẩn. Nhiệt độ cao hay thấp chưa hẳn tỉ lệ thuận với mức độ trầm trọng của cơn bệnh. Vì thế các mẹ cứ yên ả, đừng bao giờ tin lời ai nói sốt cao là bệnh nặng, sốt nhẹ là bệnh nhẹ đấy nhé.

Sốt siêu vi là từ chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại virus khác nhau. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm sốt siêu vi. Thời tiết nắng nóng là thiên đường cho sốt siêu vi phát triển. Khác với sốt xuất huyết chỉ do muỗi vằn lây truyền thì sốt siêu vi rất dễ lây. Ho, hắt hơi, bắt tay, hôn hít, tiếp xúc cơ thể... nó cũng lây.

Đặc biệt, khi đã thành dịch thì mỗi cái điều hoà nhiệt độ không được vệ sinh kỹ càng ở nơi công cộng sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm bởi lẽ đây chính là chính là "pháo đài không thể công phá" của "đội quân" hùng hậu vi khuẩn, virus và nấm mốc… sẵn sàng tấn công sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ em.

Hiện tại, các biện pháp điều trị bệnh sốt siêu vi mới chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng sốt, cảm lạnh và ho mà thôi. Tức là rất buồn phải thông báo đến các bạn, hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể chữa các bệnh nhiễm virus cả.

Tuy vậy, những phương pháp điều trị triệu chứng đúng cách và khoa học có thể giúp con cái chúng ta mau khỏe và không bị biến chứng.

Những triệu chứng của sốt siêu vi

Dấu hiệu đầu tiên của sốt siêu vi là ớn lạnh và sốt 38 – 40 độ C, mặt bé chợt đanh lại, lúc thì tái nhợt, lúc lại đỏ ửng lại nhìn rất thương, ba mẹ phải kiên nhẫn vì bé quấy gấp cả ngàn lần ngày thường do bị đau nhức khắp cơ thể, đặc biệt là ở lưng và chân.

Khi con ốm, đừng chủ quan: Trẻ có bất cứ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa đi cấp cứu lập tức! - Ảnh 2.

Dấu hiệu đầu tiên của sốt siêu vi là ớn lạnh và sốt 38 – 40 độ C

Có vô số dạng bệnh nhiễm virus khác nhau, vậy nên các triệu chứng có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại virus mà em bé mắc phải, xuất hiện một hoặc nhiều trong số các triệu chứng sau: ho, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng đi vệ sinh ra phân KHÔNG đen (khá quan trọng để phân biệt với sốt xuất huyết).

Chữa thì không có thuốc vậy quan trọng nhất là phòng ngừa

1. Nếu có em bé dưới hai tuổi, phải cho bé tiêm chủng hàng năm.

Rẽ ngang một chút để nói đến phong trào "anti vắc xin" của không ít bà mẹ. Thật lòng mà nói, cứ nghe đến "anti vắc xin" thì không bác sĩ nào lại không sôi máu lên rừng rực.

Các ông bố bà mẹ phải biết, vắc xin là vũ khí quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi một số loại virus phổ biến nhất đang lây lan trong năm và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Nó thường được sản xuất mỗi năm một lần chính vì lý do đó.

Và vì thế nhất định bố mẹ phải cho bé tiêm vắc xin hàng năm. Đừng vì những thông tin tầm phào trên Internet mà xem thường phát minh vĩ đại của Y học- chính là vắc xin.

2. Giữ trẻ tránh xa những người đang mắc bệnh và đám đông. Rửa tay và vệ sinh cơ thể, đồ chơi, nhà cửa thường xuyên.

3. Chăm sóc trẻ bị sốt theo đúng lời khuyên của bác sĩ.

"Chuyện không của riêng" ai ở đa số gia đình Việt là luôn bị các bậc bô lão trong nhà tư vấn và áp đặt cách phải chăm con như thế nào, phải dạy con ra sao.

Các cụ "gia truyền" luôn luôn mang cái chân lý "ngày xưa chúng tôi nuôi anh chị nên người như thế đấy, giờ anh chị không cần phải dạy khôn chúng tôi" để chống lại tất cả biện pháp chăm sóc hiệu quả và hiện đại mà không nghĩ rằng tiến bộ khoa học đã mang lại rất nhiều điều tốt đẹp và đã đến lúc kinh nghiệm không còn là cẩm nang vô giá.

Khi con ốm, đừng chủ quan: Trẻ có bất cứ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa đi cấp cứu lập tức! - Ảnh 3.

Vắc xin là vũ khí quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi một số loại virus phổ biến nhất

Một trong các thói quen kinh nghiệm của các cụ là sốt là tấp kháng sinh dồn dập. Thế nhưng thuốc kháng sinh không có hiệu lực với các bệnh nhiễm virus như cảm lạnh hay cảm cúm.

Vậy nên việc sử dụng kháng sinh sẽ không giúp được cho bệnh tình nhiễm virus của trẻ. Với sức khỏe của trẻ, tuyệt đối không nhân nhượng với "kinh nghiệm y học truyền miệng", các bố mẹ nhớ lấy.

Hãy cho bé uống bù nước, ăn các loại thức ăn mềm và có nước như súp, cháo. Nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây bệnh cho bạn khác. Mở thông thoáng các cửa sổ (đừng sợ trúng gió). Lau mát cho bé khi sốt và uống thuốc hạ sốt cho trẻ em đúng liều lượng và thời gian giữa mỗi lần uống.

Nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa bé cấp cứu ngay lập tức:

- Ho và tiêu chảy kéo dài hơn nửa tháng.

- Có máu trong phân (cái này là nghiêm trọng rồi đó nhá).

- Sốt kéo dài một tuần hoặc lâu hơn.

- Những cơn đau cấp tính.

- Không ăn uống.

- Nôn liên tục.

- Khó thở.

- Buồn ngủ bất thường.

- Hai chân sưng phù.

Đừng chủ quan với bất cứ chi tiết gì dù là nhỏ nhất khi con bạn đang ốm. Vì trong cuộc đời này vì suy cho cùng đâu có cái gì là không thể xảy ra? Nếu ai gân cổ cãi chân lý ấy hãy mở hình sau phẫu thuật của Lệ Rơi cho người ta xem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại