Suýt chết vì lòng nướng, chết thật vì thịt cóc: Hiểm hoạ đến từ sự thiếu hiểu biết

Linh Chi |

Sau khi ăn món thịt cóc chữa bệnh ung thư, bà Nguyễn Thị N. có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, khó thở, tím tái và tử vong ngay sau đó.

Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 26:

• Kinh hãi giòi bò lổm ngổm trong đĩa sụn gà

• Suýt chết vì mắc liên cầu khuẩn do ăn lòng nướng

• Chuyên gia lưu ý 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn

• Tử vong sau khi ăn thịt cóc chữa ung thư

• Bê bối trứng nhiễm thuốc trừ sâu lan rộng tại châu Âu

• Bộ Y tế chính thức phân biệt rõ tên gọi sữa nước

• Phanh phui hàng loạt vụ vi phạm ATTP tuần qua

Kinh hãi giòi bò lổm ngổm trong đĩa sụn gà

Cụ thể, ngày 7/8, trên trang facebook cá nhân của bà Trần Thị Thanh Trà (trú Đà Nẵng) phản ánh việc đoàn khách của bà gồm đại diện nhiều công ty du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng đang dùng bữa tại quán C.B (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thì tá hỏa phát hiện giòi bò lúc nhúc trong món ăn.

"Khi đem món ăn ra, ai cũng ăn. Rồi chúng tôi bất ngờ phát hiện 5 con giòi đang bò lổn ngổn. Trời, ai cũng nuốt vào bụng rồi. Sợ quá nhưng không biết làm sao bây giờ nữa. Mọi người hãy cẩn thận", bà Trà viết cùng clip trên trang facebook cá nhân.

Suýt chết vì lòng nướng, chết thật vì thịt cóc: Hiểm hoạ đến từ sự thiếu hiểu biết - Ảnh 2.

Đĩa sụn gà có giòi. (Ảnh: Vnexpress)

Ngay sau khi phát hiện món ăn có giòi, bà Trà và các thực khách đã gọi cho quản lý quán để phán ánh vụ việc. "Quản lý họ ra xin lỗi rất đàng hoàng nhưng không giải thích được vì sao món ăn lại xuất hiện giòi như vậy", bà Trà nói.

Chiều 8/8, đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết, vừa ra quyết định xử phạt nhà hàng C.B. (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) 4 triệu đồng vì hành vi sử dụng nguyên liệu để chế biến thực phẩm không an toàn.

Tử vong sau khi ăn thịt cóc chữa ung thư

Theo thông tin của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai ( Sở Y tế tỉnh Lào Cai), ngày 6/8/2017 tại nhà riêng, sau khi ăn món thịt cóc chữa bệnh ung thư, bà Nguyễn Thị N. có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, khó thở, tím tái.

Vào hồi 7h20 cùng ngày hàng xóm phát hiện và ngay lập tức đưa bà N. tới một phòng khám tư điều trị. Tuy nhiên đến 10h30 ngày 6/8/2017 nạn nhân đã tử vong.

Qua kết quả điều tra của Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên ( tỉnh Lào Cai) và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai nhận định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với bà Nguyễn Thị N. là do độc tố tự nhiên có trong gan và trứng cóc.

Điều này cho thấy trong nhân dân vẫn còn có những trường hợp nhận thức chưa đầy đủ về an toàn thực phẩm khi cho rằng có thể sử dụng gan, trứng cóc để chữa bệnh, nhất là bệnh ung thư.

Chuyên gia lưu ý 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn

Bên cạnh các vụ vi phạm an toàn thực phẩm hay ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng như 2 trường hợp nói trên, theo ông Đinh Quang Minh, Phó giám đốc trung tâm ứng dụng và đào tạo ATTP, Cục ATTP, Bộ Y tế, chính người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc chủ động thực phẩm an toàn. Theo đó, cần lưu ý 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn:

- Cụ thể, trước hết cần chọn thực phẩm an toàn (có xuất xứ, nguồn gốc)

- Nấu chín kỹ thức ăn thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ trước khí ăn

- Ăn ngay sau khi nấu

- Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín. Trẻ em không nên cho ăn thực phẩm đã bảo quản nên ăn ngay. Không nên để số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh hoặc thực phẩm nấu chin không đủ độ lạnh nhanh cần thiết

- Nấu lại thức ăn thật kỹ

- Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín

- Rửa tay sạch sau khi chế biến thực phẩm, trong lúc chế biến, đi vệ sinh. Nếu tay có vết thương phải che kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm

- Giữ sạch các bề mặt chế biến

- Che đậy thực phẩm tránh côn trùng và động vật

- Cuối cùng là sử dụng nguồn nước sạch.

Suýt chết vì mắc liên cầu khuẩn do ăn lòng nướng

Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương vừa có một trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn hy hữu do ăn lòng heo nướng.

Mời các bạn xem video:

1 người suýt chết vì nhiễm liên cầu khuẩn do ăn lòng (Nguồn: VTC16)

Bê bối trứng nhiễm thuốc trừ sâu lan rộng tại châu Âu

Tuần qua, vụ bê bối trứng "bẩn" ảnh hưởng tới 11 quốc gia châu Âu dấy lên lo ngại về tình trạng an toàn thực phẩm tại châu lục này. Theo đó, Cơ quan Thực phẩm và thú y Đan Mạch thông báo có 20 tấn trứng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil được bán tại thị trường nước này. 

Số trứng đã được luộc và bóc vỏ sẵn này do một công ty của Bỉ cung cấp và phần lớn được bán tới các quán cafe và các công ty cung cấp thực phẩm, không bày bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ của Đan Mạch.

Trong khi đó, Romania cho biết đã phát hiện 1 tấn lòng đỏ trứng sống có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây nước này. Cơ quan y tế thú y của Romania cho biết số lòng đỏ trứng này được nhập từ Đức nhưng chưa được phân phối ra thị trường. Các giám sát viên của cơ quan trên đang giám sát chặt chẽ các nông trại gia cầm trên toàn quốc.

Suýt chết vì lòng nướng, chết thật vì thịt cóc: Hiểm hoạ đến từ sự thiếu hiểu biết - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng thông báo đã phát hiện một lô trứng luộc sẵn có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây. Bộ trên cho biết chính quyền Slovakia trước đó đã nhận được cảnh báo về các lô trứng "bẩn" được nhập khẩu vào nước này từ hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU).

Cho tới nay, vụ bê bối trứng "bẩn" đã ảnh hưởng tới 11 quốc gia châu Âu, với hàng triệu quả trứng được thu hồi. Vụ việc trên được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi một công ty của nước này là Chickfriend sử dụng fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà.

Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng trong xử lý các loại động vật làm thực phẩm cho con người như gia cầm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

Bộ Y tế chính thức phân biệt rõ tên gọi sữa nước

Bộ Y tế vừa chính thức ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2017/BYT), trong đó, phân biệt rõ 2 nhóm sữa dạng lỏng là sữa tươi và sữa bột pha lại (gồm sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp).

Theo QCVN sửa đổi quy định nhóm sữa tươi gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi, sữa tươi tách béo (cùng với đó, bao bì sẽ ghi thêm công nghệ chế biến là thanh trùng hay tiệt trùng). Nhóm sữa chế biến từ sữa bột (từng được gọi là Sữa tiệt trùng) sửa đổi thành Sữa hoàn nguyên và Sữa hỗn hợp theo Codex Stan 206-1999. Cuối cùng là nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường.

Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, QCVN 5:1-2010/BYT được sửa đổi theo hướng căn cứ vào Codex và TCVN. Tên gọi sữa minh bạch theo hướng ghi rõ nguyên liệu và thành phần. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa sẽ có thời gian nhất định để chuẩn bị cho việc chuyển đổi bao bì.

Hàng loạt vụ vi phạm ATTP tuần qua

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất chả cá có quy mô lớn trên địa bàn. Khu vực sản xuất, kho lạnh chứa thành phẩm nằm kế bên các ngôi mộ và chuồng lợn bốc mùi hôi thối. (Đọc tin chính)

- Cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng vừa phát hiện và xử phạt một tiểu thương bơm tạp chất tăng trọng vào tôm sú và bán ở chợ hải sản. (Đọc tin chính)

- Chiều 6/8, thông tin từ Trạm CSGT Quảng Xương (Công an Thanh Hóa) cho biết đơn vị vừa bắt giữ xe tải vận chuyển 315kg thịt bò đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ. (Đọc tin chính)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại