Hà Nội đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến chống sốt xuất huyết. Ai cũng biết bệnh sốt xuất huyết do virus gây nên và con muỗi vằn đóng vai trò truyền bệnh. Cũng như các bệnh do muỗi truyền khác, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết có nhiệm vụ tiên quyết là diệt muỗi và bọ gậy.
Đặc thù của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là chúng thích đẻ ở nơi nước trong. Cho nên bệnh thường phổ biến những nơi có nước đọng hoặc dụng cụ chứa nước không được vệ sinh định kỳ hay đậy kín.
Bệnh thường phát triển và lưu hành tại các đô thị, các khu vực đang đô thị hóa, nơi có mật độ dân cư cao và điều kiện vệ sinh môi trường như cấp nước, thu gom rác thải hạn chế.
Tại Hà Nội, những khu vực vệ sinh môi trường kém như khu nhà trọ của người lao động phổ thông, khu vực công trường xây dựng … đang được các đội diệt bọ gậy tấn công mạnh mẽ, từng bước giải quyết triệt để nguồn truyền bệnh.
Nhưng, các bạn cần thay đổi suy nghĩ vì bọ gậy không chỉ nằm trong các khu vực nghèo khó.
Bệnh thường phổ biến những nơi có nước đọng hoặc dụng cụ chứa nước không được vệ sinh định kỳ
Khu nhà giàu có cần diệt bọ gậy không?
- Câu trả lời: Có!
Bọ gậy còn nằm trong chậu cây cảnh, lốp xe trồng cây, đĩa lót chậu cây cảnh, lọ hoa và những bình trồng cây phát lộc. Những thứ này lại ở trong những ngôi nhà của tầng lớp trung lưu và... giàu có, từ biệt thự đến chung cư cao cấp. Những nơi này, việc quét dọn nhà cửa do người giúp việc đảm trách nên khá khó tiếp cận.
Đối với cây phát lộc, việc rửa rễ cây khi thay nước hàng ngày để đảm bảo không còn bọ gậy bám trở lại cũng là một thử thách đối với chủ nhà khi quá bận bịu.
Việc khoanh vùng để phun hóa chất diệt muỗi thời gian qua cũng gây ra nhiều thắc mắc: cán bộ y tế sẽ lấy gia đình có ca bệnh, khoanh vùng với bán kính 100m sau đó phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ trong vòng tròn đó. Vậy thì những hộ ngay sát sẽ không được phun và rất tiếc, việc giải thích cho họ không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Lại nữa, không phải tất cả muỗi sẽ chết sau phun mà một số không nhỏ du kích quân vẫn còn sống, chúng sẽ bỏ đi khỏi tâm bão (nhà vừa được phun thuốc), sang nhà bên cạnh.
Chúng sẽ bay ra khỏi căn nhà với bộ não bị kích thích, về lý thuyết, chúng có thể hăng say đốt người hơn đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ truyền bệnh. Mà muỗi cái hóa điên thì chả kém vợ bạn khi nổi điên là mấy đâu!
Ảnh hưởng của hóa chất diệt muỗi tới con người đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm định. Nhưng người ta vẫn thì thào về sự độc hại của hóa chất (trong khi nó rất mơ hồ) mà ít biết rằng, tác hại của phun hóa chất nguy hiểm ở chỗ: muỗi nhờn hóa chất rất nhanh trong khi danh mục hóa chất được phép sử dụng lại không dài.
Tình trạng muỗi kháng một số loại hóa chất tại một số khu vực ở Hà Nội đã diễn ra trong nhiều năm nay rồi. Thêm câu chuyện những cô muỗi tinh ranh trốn trong tổ sâu tránh được các hạt hóa chất sau phun thì việc phun hóa chất không thể diệt hết triệt để muỗi là đương nhiên.
Đã có người tử vong vì sốt xuất huyết. Thế nhưng vẫn có gia đình trong vùng ổ dịch từ chối phun hóa chất, thậm chí sử dụng sự quen biết để làm việc đó.
Nhưng vô tình, chủ nhân những gia đình này tự đưa gia đình mình sau đó là hàng xóm vào nguy hiểm: muỗi trong khu vực nguy cơ cao nhất (ổ dịch) sống sót sau phun thuốc xử lý sẽ thâm nhập vào nhà họ, là nơi tránh bão rất tốt, để đốt các thành viên trong nhà, và cũng là nơi nghỉ dưỡng để tiếp tục lan truyền trở lại các gia đình khác khi hóa chất không còn mùi nữa.
Phải khẳng định: nhà nào trong ổ dịch từ chối phun hóa chất, nhà đó là nguồn hại cho hàng xóm.
Sốt tự truyền nước khắc khỏi?
- Câu trả lời: Phải cân nhắc rất cẩn thận!
Đã từ lâu chúng ta đã quen với việc tiêm thuốc, truyền nước tại nhà. Thậm chí, một số cơ sở y tế còn khuyên bệnh nhân cứ sốt là truyền nước. Cơ sở lập luận là: khi sốt, cơ thể mất nước kèm theo điện giải; việc truyền nước giúp hạn chế các biến chứng liên quan, để giúp cơ thể chống chọi và hồi phục cần bổ sung nước và điện giải.
Nhưng, một nguyên tắc chung hay bị lờ đi, đó là ưu tiên bổ sung bằng đường uống.
Đối với sốt xuất huyết, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, một yếu tố quan trọng trong việc đông máu, khiến cho thành mạch yếu, nguy cơ chảy máu tại các tạng trong cơ thể rất cao thì việc truyền nước vào cơ thể cần được cân nhắc rất cẩn thận.
Quá trình truyền nước không có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ sẽ khiến bạn có nguy cơ rất cao chảy máu trong cơ thể (dạ dày, gan, lách …)
Khi bạn đồng ý truyền nước không phải trong bệnh viện, tức là bạn đối diện với nguy cơ sau:
1. Sốc phản vệ dẫn đến tử vong: việc tiêm truyền luôn đồng nghĩa với việc đối diện với nguy cơ bệnh nhân bị sốc phản vệ. Không phải cơ sở y tế nào cũng đảm bảo các điều kiện để cấp cứu khi bạn bị sốc. Nếu bạn ở nhà, không có cách nào cứu bạn nữa.
2. Theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn trước, trong và sau khi truyền: cần phải có sự thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng để bác sĩ có thể đánh giá. Việc này không thể thực hiện ngoài bệnh viện được. Ngoài ra, trong bệnh viện bác sĩ sẽ chỉ định truyền cho bạn không chỉ là nước.
Quá trình truyền nước không theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ sẽ khiến bạn có nguy cơ rất cao chảy máu trong cơ thể (dạ dày, gan, lách …). Điều đó sẽ giết chết bạn.
Ngủ trong phòng máy lạnh không lo bị muỗi đốt?
- Câu trả lời: Đừng dại dột như thế, hãy luôn ngủ trong màn!
Lời khuyên của tôi đối với các bạn là: Tự tìm lại trong nhà mình xem còn chỗ nào đọng nước hay trồng cây có nước không, loại bỏ ngay. Với cây cảnh trồng trong nước phải thay nước hàng ngày hoặc thả cá.
Những nơi nước đọng là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi
Khi được thông báo nằm trong danh sách nhà được phun hóa chất xử lý: hãy hợp tác. Căn nhà bạn sẽ an toàn sau phun 30 phút, nhưng trẻ em lại không thích ra ngoài chơi có 30 phút và tôi tin, với 30 phút sẽ không đủ để các chị đi mua sắm. Nên hãy tranh thủ cơ hội ấy để cả nhà làm một chuyến thư giãn bên ngoài.
Chuẩn bị tại nhà:
Màn (mùng) để ngủ: hiện nay giá màn rất rẻ, dùng mãi không hỏng, giặt và tẩy thoải mái. Nên sử dụng kể cả các bạn ngủ trong phòng máy lạnh. Muỗi vẫn đốt trộm được các bạn đấy, tin tôi đi.
Khi sốt, hãy đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn chưa kịp đi khám ư? Ngay sau khi sốt, hãy cặp nhiệt độ để khẳng định và làm theo hướng dẫn sau:
- Uống paracetamol (nên dùng hàng Việt Nam), hàm lượng thế nào các dược sĩ hoàn toàn có thể hướng dẫn các bạn. Người lớn 1 viên, trẻ em tính theo cân nặng.
- Uống Oresol, 1 ngày uống 1 đến 2 lít ngay sau khi phát hiện bị sốt. Trên thị trường hiện nay có loại của Việt Nam, pha theo hướng dẫn, giá rất rẻ.
- Uống vitamin C, ngày 2 lần uống vitamin C, mỗi lần 500mg (đối với người lớn) ngay sau khi phát hiện bị sốt. Dùng hàng nội là được rồi nhé.
Bạn cũng có thể thay thế vitamin C bằng các loại sau:
- Bưởi (mỗi ngày 1-2 quả) hoặc
- Cam (mỗi ngày 3-5 quả) hoặc
- Rau cải xanh, bắp cải (1 đĩa vừa mỗi bữa) hoặc
- Dứa (mỗi ngày 1 – 2 quả)
Còn nhiều nữa nhưng mùa này hình như có mấy rau quả trên là hợp nhất. Chúc cả nhà bạn mạnh khỏe!