Khi nào và ai nên tầm soát đột quỵ?

Liên Anh |

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng cấp cứu, có thể gây tổn thương nặng nề, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài cho người bệnh. Vì vậy, tầm soát đột quỵ đóng vai trò quan trọng.

Thông tin trên được Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) chia sẻ nhằm khuyến cáo cộng đồng về bệnh đột quỵ. Bởi vừa qua, liên tiếp 2 vụ tài xế xe khách chạy tuyến Bình Thuận – TP HCM bị co giật rồi tử vong (tài xế được đưa đi cấp cứu, sau đó tử vong) khi đang điều khiển phương tiện. Nguyên nhân nghi do bị đột quỵ.

Khi nào và ai nên tầm soát đột quỵ? - Ảnh 1.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, làm ngành nghề gì. Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ có thể tầm soát nhằm phát hiện, điều trị kịp thời.

Nếu nằm trong danh sách những trường hợp sau bạn nên tầm soát đột quỵ. Cụ thể: Người có tiền sử gia đình bị đột quỵ não, dị dạng mạch máu não; người có tiền sử tim mạch, tăng huyết áp; người có tiền sử bệnh đái tháo đường; người béo phì, rối loạn mỡ máu (tăng LDL cholesterol, triglycerides…); người bệnh trên 55 tuổi; người hút thuốc lá, sử dụng rượu bia nhiều, ít vận động, sử dụng ma tuý, thói quen ăn không lành mạnh (ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất béo và đường, ăn quá mặn, ít ăn rau..); người có các triệu chứng chưa rõ nguyên nhân như đau đầu nhiều, chóng mặt, giảm trí nhớ, hoặc ngất ; tiền căn bệnh rối loạn đông máu

Lưu ý, nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì khẩn trương đến cơ sở y tế để được tầm soát, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì đây có thể là một dạng đột quỵ nhẹ hoặc đó là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.

Các triệu chứng bao gồm: Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc đi lại khó khăn thoáng qua; mất khả năng hoặc khó nói chuyện thoáng qua; mất hoặc giảm cảm giác thoáng qua ở một phần cơ thể nhất định (nửa khuôn mặt, tay hoặc chân); mất hay giảm khả năng vận động thoáng qua như người bệnh không thể hoặc gặp khó khăn trong việc điều khiển chuyển động của một phần cơ thể, như nắm bút, cầm đồ...; mất thị lực hoặc thị lực bị suy giảm thoáng qua; đau đầu cấp tính dữ dội có thể là một triệu chứng của đột quỵ

Như vậy, khám tầm soát đột quỵ não đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ. Từ đó, có kế hoạch điều trị và phòng ngừa đột quỵ, đem đến sự yên tâm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Để phòng ngừa đột quỵ ở tài xế, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho rằng các tài xế cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Không chỉ kiểm tra các bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường mà còn kiểm tra thính lực, thị lực. Đặc biệt, cần tìm hiểu có động kinh, co giật hay không để tầm soát. Lưu ý, nếu ai có tiền sử co giật, động kinh thì không thể nào làm tài xế.

Đối với phòng ngừa đột quỵ chung là cần kiểm soát yếu tố nguy cơ. Người cao huyết áp phải kiểm soát chặt, để huyết áp ổn định. Kiểm soát không có nghĩa chỉ là uống thuốc mà phải đạt mục tiêu cần đề ra.

"Ví dụ, người có huyết áp cao 160 sau khi uống thuốc chỉ còn 140-150 thì không có ý nghĩa gì. Do đó, về việc kiểm soát huyết áp, yếu tố nguy cơ là quan trọng. Tuy nhiên, cầu lưu ý là nhiều trường hợp khi nhập viện không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ nên không đạt được các mục tiêu điều trị. Nếu kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chặt chẽ thì giảm được khoảng 60 - 70% nguy cơ đột quỵ" – PGS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại