Lương y Vũ Quốc Trung – Phòng chẩn trị y học cổ truyền đường Láng cho biết các loại thực phẩm từ thịt bò đều được sử dụng rộng rãi.
Trong đông y, thịt bò có vị ngọt tính ôn không có độc, trị tiêu hao gầy mòn. Đông y cho rằng thịt bò bổ trung ích khí, chống rãi rớt, dùng cho người khó thở, thiếu máu, hoa mắt vàng da, suy gân cốt.
Một số bài thuốc đông y còn xem thịt bò là thuốc đặc biệt là sỏi mật bò là thuốc quý có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, hơi độc vào ba kinh tâm tì can, thanh tâm hóa đờm, trúng ác: như trúng phòng, cấm khẩu được điều chế trong các bài thuốc trị đột quỵ.
Ngoài ra, trong con bò còn có ngẩu pín – dương vật và tinh hoàn bò, theo kinh nghiệm của dân gian có tác dụng bổ thận tráng dương giúp cho các nam giới yếu sinh lý, rối loạn cương. Gan bò, lá lách, vó bò đều được coi là món ăn. Tất cả các bộ phận của con bò đều chế biến thành thức ăn và vị thuốc.
Tuy nhiên một số trường hợp không được ăn thịt bò. Trong Tây y người ta vẫn khuyến cáo nhiều người không ăn được thịt bò. Do có thành phần đạm cao nên người bị bệnh mỡ máu không nên ăn thịt bò. Người cao huyết áp ăn thịt bò nhiều có hại, bởi trong thịt bò chứa một lượng lớn chất béo bão hòa.
Ngoài ra, những người bị u xơ cổ tử cung cũng không nên ăn thịt bò vì có những kích thích tố như estrogen có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khối u.
Theo TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, thịt bò nằm trong nhóm thịt đỏ (thường là thịt của các loại động vật 4 chân: chó, trâu, bò..), tuy nhiên, trong một số loại gia cầm vẫn có thịt đỏ (đó là phần đùi).
Thịt đỏ là thịt cung cấp nhiều chất đạm, đặc biệt là có nhiều gốc acid amin, acid gốc nitro, tạo ra các rối loạn chuyển hóa nặng nề hơn trên bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa uric và là nguyên nhân gây nên bệnh gout.
Chính vì vậy, những người bị rối loạn chuyển hóa uric phải hạn chế ăn các loại thịt đỏ, và hàm lượng protein tối đa đưa vào cơ thể là 1gr cho 1kg thể trọng/ ngày. Trong đó, chú ý tăng cường protein thực vật nhiều hơn protein động vật, ví dụ: sử dụng nhiều các loại đậu đỗ.