Iran sẵn sàng đáp trả Mỹ
Hôm qua (10/1), Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran khẳng định việc Mỹ tiếp tục trừng phạt Tehran là hành động vi phạm thỏa thuận Kế hoạch Chung Toàn diện (JCPOA) đã được kí kết với nhóm quốc gia P5+1 hồi năm 2015 và cho biết Iran có đủ khả năng để tăng tốc độ làm giàu uranium trong trường hợp xấu nhất.
"Nếu lệnh cấm vận vẫn tiếp tục được áp dụng, đó sẽ là hành vi vi phạm thỏa thuận hạt nhân và chính phủ Iran tất nhiên sẽ làm những điều cần phải làm," Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran trả lời trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình quốc gia.
Ông Kamalvandi không đi sâu vào chi tiết. Tuy nhiên, cuối cuộc phỏng vấn, ông nói: "Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran có đủ khả năng tăng tốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm giàu uranium nhanh gấp vài lần giai đoạn trước thỏa thuận JCPOA".
Trong vài ngày tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định liệu Mỹ có tiếp tục siết chặt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran hay không. Lệnh cấm vận này đã gia tăng sức ép kinh tế lên Tehran, mặc dù nước này nhiều lần khẳng định đã đóng băng chương trình hạt nhân.
Hoạt động làm giàu uranium - quy trình tổng hợp đồng vị hạt nhân có thể sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí nguyên tử - đã bị nghiêm cấm trong thỏa thuận giữa Iran và các nước.
Những bên ủng hộ thỏa thuận cho rằng việc giám sát Iran triệt để từ cộng đồng quốc tế sẽ ngăn nước này phát triển bom hạt nhân. Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Bên trong nhà máy hạt nhân của Iran hồi năm 2006. Nguồn: CNN
Trong ngày 8/1, giám đốc Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran, Ali Akbar Salehi, cho biết Tehran có thể sẽ cân nhắc lại mức độ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nếu Mỹ không tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận.
IAEA là cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc với nhiệm vụ thúc đẩy các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tổ chức này hiện đang theo dõi việc tuân thủ cam kết JCPOA của Iran.
Cũng trong ngày 10/1, Majid Takht Ravanchi, cánh tay đắc lực của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, phàn nàn rằng tính cách khó đoán của ông Trump khiến Iran không thể đoán được liệu Mỹ có tiếp tục áp đặt cấm vận hay không.
Ông nói trước truyền thông: "Chúng tôi đã chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất, không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt kinh tế."
Luật hạt nhân mới của Mỹ
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dự kiến thông qua một luật hạt nhân mới, trong đó nổi bật nhất là mở rộng các trường hợp cho phép quân đội dùng vũ khí hạt nhân cũng như bắt đầu việc chế tạo các đầu đạn kích thước nhỏ, đơn giản hơn.
Trả lời The Guardian, ông Jon Wolfsthal, cựu trợ lí đặc biệt của tổng thống Barack Obama về kiểm soát vũ khí và phi hạt nhân hóa, nhận định bản thảo của luật hạt nhân khá nặng về mặt quân sự, và một vài phương án có khả năng gây chiến đã bị loại bỏ.
Khi tranh cử tổng thống, ông Trump đã cam kết sẽ kết thúc thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP
Theo bản Đánh giá Tình trạng Hạt nhân (NPR) mới, nếu Mỹ đứng trước một cuộc tấn công có thể gây thiệt hại lớn về người hoặc nhắm vào các công trình quan trọng đặc biệt, quân đội nước này có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
RT dẫn lời Adlan Margoev, chuyên gia không phổ biến hạt nhân tại trung tâm chiến lược an ninh toàn cầu PIR, nhận định rằng dù dự luật mới cho phép Washington sử dụng vũ khí hạt nhân linh hoạt hơn nhưng sẽ không giúp Mỹ - hay các quốc gia khác – an toàn về dài hạn.
"Việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ lâu đã là thứ công chúng không bao giờ nghĩ tới, kể cả từ Nga hay Mỹ... Ủng hộ tấn công hạt nhân trong luật mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định chiến lược toàn cầu," ông Margoev giải thích.