Nhân biến động ở Iran để xé thỏa thuận hạt nhân, ông Trump thua mưu giáo chủ Ayatollah?

Ngọc Nguyễn |

Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iran có thể trở thành lý do hoàn hảo cho tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào cuối tháng này - theo Politico.

Mỹ có thể "xé" thỏa thuận hạt nhân Iran

Trang Politico bình luận, nếu kịch bản này xảy ra thì sẽ là một bước đi đầy rủi ro, dù được những người ủng hộ ông Trump ủng hộ nhiệt liệt nhưng các nhà phê bình cảnh báo có thể tác động ngược với chính quyền Tehran.

Chính quyền tổng thống Trump sẽ có cơ hội "ra tay" khi trong vòng chưa đầy hai tuần tới ông sẽ phải quyết định có nên tiếp tục hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran hay không.

Đây là một phần trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1, kí hồi năm 2015. Cứ định kỳ 120 ngày là chính phủ Mỹ phải tái xác nhận tiếp tục "treo" các lệnh trừng phạt phạt Iran.

Hiện nay, ngoài Mỹ phản đối, năm cường quốc cùng tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ cho bản thỏa thuận lịch sử này.

Dù Trump nhiều lần đe dọa đơn phương rút khỏi thỏa thuận, nhóm cố vấn an ninh quốc gia cấp cao đã thuyết phục ông rằng việc hủy bỏ một trong số thành tựu đáng tự hào nhất của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ so với những tổn thất ngoại giao phải trả.

Richard Goldberg, cựu trợ lý của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ từng hỗ trợ thiết lập các biện pháp trừng phạt của Iran và hiện là cố vấn cao cấp của Quỹ bảo vệ dân chủ, tin rằng "ông Trump không muốn miễn các lệnh trừng phạt nữa và để nguồn đầu tư tiếp tục đổ vào Iran, trong khi các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố".

Một chuyên gia phân tích khu vực Trung Đông có mối quan hệ với chính quyền Mỹ cũng chia sẻ quan điểm này.

Nhân biến động ở Iran để xé thỏa thuận hạt nhân, ông Trump thua mưu giáo chủ Ayatollah? - Ảnh 1.

Người Iran ăn mừng thỏa thuận hạt nhân Iran-P5+1 ký kết năm 2015, với kỳ vọng "tháo xích" cho nền kinh tế Iran (Ảnh: AP)

Andrew Bowen, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng "có một giải pháp tích cực mà ông Trump sẽ tận dụng thời điểm này không hoãn áp dụng lệnh trừng phạt nữa và tiếp tục gây thêm áp lực cho chính quyền Iran để đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân".

Nhiều chuyên gia Trung Đông khác và cựu quan chức Mỹ lại nghi ngờ về tính khả thi của quyết định này và cảnh báo rằng việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ đẩy Tehran vào bước đường cùng.

Dennis Ross, cố vấn của Trung Đông cho ba đời tổng thống Mỹ của cả hai đảng, nói: "Tôi sẽ không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân. Về cơ bản, điều đó sẽ hướng sự chú ý của công chúng trở lại phía Mỹ. Trong khi điều chúng ta luôn quan tâm người Iran đang làm gì, chứ không phải nước Mỹ đã làm điều gì".

Quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ chia sẻ với Politico rằng từ bỏ các biện pháp trừng phạt một lần nữa, trong bối cảnh biểu tình rầm rộ đang diễn ra tại Iran sẽ "gửi đi một thông điệp tồi tệ".

Theo quan chức này, ngay cả khi ông Trump quyết định tiếp tục hoãn cấm vận Tehran, thì các cuộc biểu tình sẽ là lý do để Mỹ gây "thêm áp lực đối với châu Âu" về tái đàm phán các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.

Iran khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận ký tháng 7/2015, với mục tiêu làm chậm tiến trình Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, thu hẹp và hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, đổi lại việc ngưng các biện pháp cấm vận kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Tehran.

Nhân biến động ở Iran để xé thỏa thuận hạt nhân, ông Trump thua mưu giáo chủ Ayatollah? - Ảnh 2.

Lò phản ứng hạt nhân ở Arak, cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 240 km về phía Tây Nam, được thiết kế lại vào năm 2014 để giới hạn lượng plutonium mà nó sản xuất ra - một phần trong nỗ lực của Iran nhằm đạt thỏa thuận hạt nhân (Ảnh: AP)

Mỹ rủi ro vừa mất uy tín, vừa đẩy Iran ra xa

Khi còn tranh cử, ông Trump liên tục lên án thỏa thuận hạt nhân và hứa hủy bỏ nó khi nhậm chức. 

"Bộ ba vàng" của tổng thống - gồm Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson, đều khuyên ông Trump chưa nên rút khỏi thỏa thuận.

Theo Politico, không phải các quan chức cấp cao Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, mà do lợi ích của của việc rút lui không đáng so với những thiệt hại về ngoại giao, như sự cô lập của cộng đồng quốc tế và nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân khi Mỹ còn đang phải đối phó với Triều Tiên.

Các lãnh đạo châu Âu cũng kêu gọi Trump duy trì cam kết với Iran, lập luận rằng việc khôi phục cấm vận sẽ khiến Tehran mất lòng tin vào Mỹ và khởi động lại chương trình hạt nhân.

Hồi giữa tháng 10/2017, ông Trump đã từ chối xác nhận với Quốc hội Mỹ - theo định kỳ 6 tháng/lần - về việc Iran đang tuân thủ đúng thỏa thuận. Trong khi đó, báo cáo của các thanh sát viên quốc tế cho thấy Iran vẫn tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận, bao gồm việc tháo bỏ ly tâm và hạn chế các chương trình làm giàu urani.

Việc tổng thống Trump từ chối chứng nhận sự tuân thủ của Iran chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, ông không quên cảnh báo rằng nếu Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu không tái áp đặt cấm vận để trấn áp Tehran thì "thoả thuận sẽ bị chấm dứt".

Hiện Quốc hội Mỹ chưa có động thái cụ thể liên quan tới thỏa thuận Iran. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ có thể tăng cường những điều luật hiện tại chống Tehran, bao gồm siết chặt việc áp dụng Đạo luật Toàn cầu Magnitsky. Một lựa chọn khác là Thượng viện Mỹ thông qua một đạo luật minh bạch yêu cầu công khai tài chính của các quan chức hàng đầu Iran.

Biểu tình liên tiếp nổ ra tại Iran gây bất ổn đất nước. Nguồn: ABC News

Tiến sĩ Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran - Mỹ (trụ sở ở Washington), nhận xét: "Tôi nghi ngờ rằng các cuộc biểu tình [ở Iran] chỉ mang đến cho ông Trump thêm lý do để quyết định việc ông định làm mà thôi. Ông Trump sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhưng nước Mỹ sẽ bị cô lập và các nước khác cảm thấy chán nản".

Ông Parsi nói thêm rằng việc phủ nhận thỏa thuận hạt nhân cũng sẽ giúp ích cho những người theo đường lối cứng rắn tại Iran. Họ sẽ đổ lỗi cho tổng thống Hassan Rouhani vì kí một thỏa thuận thất bại với Mỹ.

Ông Dennis Ross, người ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran, cảnh báo rằng các quan chức hàng đầu của Iran - bao gồm lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei - sẽ nhanh chóng lợi dụng cơ hội Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

"Việc tái áp đặt trừng phạt sẽ khiến chính quyền Iran nói rằng họ không khuất phục trước áp lực bên ngoài. Họ muốn biến nó thành một vấn đề dân tộc chủ nghĩa. Chúng ta chỉ muốn công chúng biết đến những thiệt hại từ các cuộc trấn áp [người biểu tình]. Đừng cho họ lý do nào để chuyển sự tập trung sang nước Mỹ," ông Ross nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại