Nhiều loại hóa chất được dùng để nhuộm và xử lý vải. Ảnh minh họa
Năm 15 tuổi, con gái của Azucena Pérez bắt đầu chú ý hơn đến ăn mặc. Tuy nhiên, không giống như những bạn gái khác cùng tuổi, mục đích của cô không phải là chạy theo xu hướng thời trang hay chọn những thứ phù hợp với mình, mà là kiểm tra nhãn hiệu.
“Mặc gì cũng khiến con bé ngứa ngáy rất nhiều, con bị sưng tấy, rát họng, khó thở", Azucena cho biết, dù chị đã cẩn thận giặt giũ, thậm chí ngâm cả giấm để khử trùng nhưng đều vô ích.
Một ngày nọ, phản ứng của cô con gái mạnh đến mức bị sốc phản vệ. Azucena giải thích: “Đó là khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện với các bác sĩ và phát hiện ra chất độc trong quần áo cũng như cách chúng ảnh hưởng đến da”.
“Chúng tôi đã thay đổi mọi thứ thành bông hữu cơ, không chỉ quần áo mà còn cả ga trải giường, nệm, ghế sofa...". Rồi họ biết được rằng vấn đề này được gọi là Hội chứng nhạy cảm đa hóa chất, một chứng rối loạn gây ra phản ứng mạnh với các hóa chất có trong thực phẩm, môi trường hoặc dệt may.
Khi nói về tác hại của ngành dệt may, người ta thường nghĩ đến sự phơi nhiễm của công nhân nhà máy hoặc tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất và chất thải tạo ra. Mọi người biết rất ít về tác động của các hợp chất hóa học có trong vải, chúng xâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc với da, đi qua da và thậm chí đến máu và các cơ quan.
Formaldehyde giúp giảm nếp nhăn, phthalate và alkylphenol để làm mềm vải, hợp chất perfluorinated để đẩy nước và vết bẩn, kim loại nặng để tạo màu, chất chống cháy, thuốc trừ sâu, bisphenol A và hơn thế nữa. Danh sách các chất có thể tìm thấy trong quần áo chúng ta mặc hàng ngày có thể bao gồm hơn 600 nguyên tố hóa học và ngày càng có nhiều bằng chứng về tác dụng của những chất đó, chẳng hạn như phản ứng dị ứng, ung thư, béo phì hoặc thay đổi nội tiết tố như cường giáp hoặc tiểu đường.
Chất thải từ ngành công nghiệp dệt may gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Greenpeace
Nhưng từ khi nào quần áo lại chứa đầy những thành phần có hại như vậy?
Vải là.... nhựa
Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào những năm 1970. Sự bùng nổ của khai thác dầu mỏ đã tạo ra những vật liệu mới mang tính cách mạng hóa các sản phẩm chúng ta sử dụng, bao gồm cả vải polyester như Tergal và Dacron.
Vải polyester có nguồn gốc từ cùng một loại nhựa PET (polyethylene terephthalate) dùng để sản xuất hộp đựng đồ uống; nói cách khác, sự khác biệt duy nhất giữa váy polyester và vỏ chai Coca Cola là nhựa ở dạng sợi hoặc nhiều lớp. Người ta ước tính rằng một chiếc áo phông polyester có thể chứa lượng nhựa tương đương với năm cái chai hai lít, trong khi một chiếc áo len sẽ chứa lượng nhựa tương đương khoảng 20 chai. Tấm thảm 10m2, không dưới 40 chai.
Cùng thời gian đó xuất hiện nylon, sau đó là rayon, cellulose tổng hợp và nhiều loại vải khác, nhưng hầu hết các loại vải bắt đầu có nguồn gốc từ dầu. Chỉ riêng polyester đã chiếm 54% số sợi được sử dụng ngày nay trong ngành dệt may; tỉ lệ này tăng lên 69% nếu tính đến tất cả các vải tổng hợp.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở thành phần. Cần rất nhiều hóa chất để làm cho vật liệu này có thể mặc được, tạo cảm giác thoải mái, tránh bắt lửa, tránh ngứa và hơn thế nữa. Vấn đề là các mảnh polyester sẽ phân hủy thành các hạt vi nhựa. Đó là lúc mọi thứ trở nên phức tạp.
Ngành dệt may là ngành gây ô nhiễm thứ hai trên hành tinh, chỉ sau ngành dầu mỏ.
Joaquim Rovira, chuyên gia Viện Nghiên cứu sức khỏe ở Barcelona, Tây Ban Nha, đã phân tích thành phần của các mặt hàng quần áo khác nhau kể từ năm 2017, và khám phá ra tất cả các loại thành phần mới. Họ phát hiện ra rằng quần áo thể thao chứa đầy các hạt nano bạc giúp ngăn không cho nó phát ra mùi – với chi phí rất cao.
Nhà nghiên cứu Rovira giải thích: “Mùi hôi không đến từ mồ hôi của chúng ta mà đến từ vi khuẩn ăn mồ hôi của chúng ta và biến đổi nó, đó là lý do tại sao ngành công nghiệp sử dụng các hạt nano để tiêu diệt chúng”.
“Vấn đề là nó tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi, tức là hệ thực vật tự nhiên bảo vệ da. Và nếu chúng ta tiêu diệt vi khuẩn có lợi thì những vi khuẩn gây bệnh khác có thể thay thế chúng, gây ra nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng cao hơn", ông Rovira nói.
Các chất độc hại khác mà họ đã tìm thấy là các hợp chất perfluorinated, có thể khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc có vấn đề về thận, cũng như liên quan đến vô sinh; và antimon, được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế liệt kê là chất có thể gây ung thư.
Người tiêu dùng không có lựa chọn
Từ góc độ của người tiêu dùng, thì rất khó để tránh né hóa chất độc hại trên quần áo. Trong các phân tích của nhóm Rovira, họ không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa thành phần quần áo của các thương hiệu nổi tiếng, các chuỗi thời trang phổ biến hoặc những sản phẩm bày bán trong siêu thị. Cũng không có sự khác biệt giữa quần áo thông thường và quần áo dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ mang thai.
Một nghiên cứu được Trung tâm Sức khỏe Môi trường công bố vào năm 2022 cho thấy hàm lượng Bisphenol A trong tất do hơn 100 thương hiệu sản xuất – bao gồm Adidas, New Balance và Reebok – đã vượt quá giới hạn an toàn do luật bang California (Mỹ) quy định tới 31 lần. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cũng đã dành nhiều năm để phân tích hàng dệt may của nhiều dây chuyền khác nhau, tìm ra nồng độ độc hại ở một số chuỗi nổi tiếng bậc nhất.
Quần áo thể thao thường chứa hạt nano bạc, có tác dụng diệt vi khuẩn trên da, giúp ngăn mùi mồ hôi, nhưng cũng diệt luôn cả hệ vi khuẩn có lợi. Ảnh minh họa: Insider
Ngành dệt may là ngành gây ô nhiễm thứ hai trên hành tinh, chỉ sau ngành dầu mỏ. Hàng năm, lĩnh vực này tạo ra hơn 100.000 triệu sản phẩm may mặc mới, nhưng nó cũng tạo ra 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, khiến việc quản lý trở nên khó khăn hơn.
Đối với Nicolas Olea, giáo sư X quang và y học vật lý tại Đại học Granada (Tây Ban Nha), trong lĩnh vực này, sự "lỗi thời theo kế hoạch" được gọi là "thời trang” và nó cũng có tác động đến rủi ro mà chúng ta hiện đang phải đối mặt. Ông giải thích: “Thời trang phát triển quá nhanh khiến hàng dệt may ngày càng có chất lượng kém hơn vì chúng sẽ bị đào thải nhanh".
Ngoại trừ những trường hợp nhạy cảm với hóa chất, những tác hại mà quần áo gây ra cho cơ thể thường không biểu hiện cho đến khi chúng gây ra một căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, cường giáp hoặc thậm chí là giảm khả năng tập trung. Và mối quan hệ nhân quả luôn phức tạp trong một thế giới ngày càng tràn ngập hóa chất. “Hiện nay chúng ta đang chứng kiến nhiều vấn đề vô sinh do rối loạn nội tiết. Tôi không nói đó là do quần áo, nhưng rõ ràng là hóa chất có ảnh hưởng”, chuyên gia Rovira nói.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có một số cách làm để giảm thiểu rủi ro. Một biện pháp rất đơn giản là giặt quần áo trước khi mặc lần đầu tiên để loại bỏ các chất không bền mà chúng mang theo. Theo các chuyên gia, quần áo có màu sáng hơn sẽ “khỏe mạnh hơn” vì nó chứa ít thuốc nhuộm hơn và tốt hơn là nên sử dụng chất liệu 100% cotton và các loại sợi tự nhiên khác.
“Bạn phải ưu ái những thương hiệu được tiếp thị là bền vững và sinh thái; mọi thứ khác đều được sản xuất trong cùng một dây chuyền sản xuất với thời trang nhanh", Paloma G. López, giám đốc Hiệp hội Tây Ban Nha về Tính bền vững, Đổi mới và Tuần hoàn trong Thời trang, giải thích. “Đây là cách bạn đảm bảo rằng chúng được sản xuất trong các mạch nước khép kín, bền vững, bằng thuốc nhuộm có nguồn gốc thực vật hoặc không vượt quá giới hạn quy định.”
Chuyên gia về quần áo bền vững cũng khuyên bạn nên hạn chế giặt và là quần áo vì việc này sẽ giải phóng chất độc và các sợi nhỏ thoát ra khỏi polyester.