Hệ lụy khi thiếu hụt canxi

DS. Hoàng Thu Thủy |

Canxi là một khoáng chất rất cần thiết với cơ thể. Sự thiếu hụt lâu dài khoáng chất này sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe như: Thay đổi răng miệng, đục thủy tinh thể, loãng xương, hạ canxi huyết, có thể đe dọa tính mạng nếu không được...

Các triệu chứng do thiếu canxi

Đáng lưu ý là sự thiếu hụt canxi ban đầu có thể không có triệu chứng. Để tránh các biến chứng, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

Các vấn đề về cơ

Đau nhức cơ, chuột rút và co thắt là những dấu hiệu sớm nhất của sự thiếu canxi. Người bị thiếu canxi có thể cảm thấy đau ở đùi và cánh tay, đặc biệt là vùng dưới cánh tay, khi đi bộ và khi di chuyển.

Thiếu canxi cũng có thể gây tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân và quanh miệng. Những cảm giác này có thể cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng hơn.

Cực kỳ mệt mỏi

Thiếu canxi có thể dẫn đến tình trạng vô cùng mệt mỏi, uể oải và thiếu năng lượng. Mệt mỏi liên quan đến thiếu canxi cũng có thể gây hoa mắt, chóng mặt và sương mù não (bao gồm thiếu tập trung, hay quên và lú lẫn). Người có mức canxi thấp có thể mắc chứng mất ngủ hoặc lúc nào cũng thấy buồn ngủ.

Các triệu chứng về móng và da

[Đọc thêm: Làm 'chuyện ấy' vào buổi sáng có những lợi ích khó tin mà bạn chưa biết]

Thiếu canxi mạn tính có thể ảnh hưởng đến da, móng tay và tóc. Da có thể trở nên khô và ngứa; móng tay khô, giòn, dễ gãy; thiếu canxi còn có thể góp phần gây chứng rụng tóc từng mảng.

Các nhà nghiên cứu đã liên kết hạ canxi máu với bệnh chàm và bệnh vẩy nến. Bệnh chàm (viêm da) có thể gây các triệu chứng: ngứa, mẩn đỏ và mụn nước trên da. Bệnh chàm có khả năng điều trị cao, trong khi bệnh vẩy nến có thể được kiểm soát, nhưng không có cách chữa trị.

Loãng xương

Thiếu canxi có thể làm giảm mật độ khoáng của xương, dẫn đến loãng xương, làm cho xương mỏng và dễ gãy. Tình trạng này có thể gây đau, các vấn đề về tư thế và cuối cùng là tàn tật.

Bình thường xương dự trữ canxi để duy trì sự chắc khỏe. Khi mức canxi thấp, cơ thể có thể chuyển canxi khỏi xương, khiến chúng trở nên giòn và dễ bị tổn thương hơn. Phải mất nhiều năm để xương mất đi mật độ và sự thiếu hụt canxi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là các triệu chứng thường xảy ra vào khoảng nửa sau chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ (sau khi rụng trứng). Các triệu chứng về thể chất, tinh thần, và cảm xúc có thể xảy ra từ mức độ rất nhẹ đến rất nặng và có thể bao gồm cáu bẳn, dễ bị kích động, trầm cảm, thay đổi tâm trạng, đau nhức, mệt mỏi, thèm ăn... Mức canxi thấp có liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng.

Các vấn đề về răng miệng

Khi cơ thể thiếu canxi, sẽ kéo canxi từ các nguồn như răng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng, bao gồm chân răng yếu, nướu bị kích thích, răng giòn và sâu răng. Ngoài ra, thiếu canxi ở trẻ sơ sinh có thể làm chậm quá trình hình thành và mọc răng.

Hệ lụy khi thiếu hụt canxi - Ảnh 1.

Thiếu canxi có thể dẫn đến sâu răng.

 Thay đổi tâm trạng

Thiếu canxi có liên quan đến rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm. Bất kỳ ai nghi ngờ rằng sự thiếu hụt canxi góp phần vào các triệu chứng trầm cảm nên yêu cầu bác sĩ kiểm tra nồng độ canxi. Việc bổ sung canxi có thể giúp kiểm soát các triệu chứng này.

Hạ canxi máu

Hạ canxi máu thường được gọi là bệnh thiếu canxi, xảy ra khi lượng canxi trong máu thấp. Các biến chứng của hạ canxi máu có thể đe dọa đến tính mạng và nếu tình trạng này không được điều trị, có thể dẫn đến tử vong.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bất kỳ ai gặp các triệu chứng thiếu canxi nên đi khám, xét nghiệm và kiểm tra nồng độ canxi trong máu để biết được mức độ thiếu hụt, bổ sung đúng kịp thời.

Những người sau đây có nhiều nguy cơ bị thiếu canxi: người cao tuổi, thanh thiếu niên, người thừa cân, người mắc bệnh mạn tính...

Hệ lụy khi thiếu hụt canxi - Ảnh 2.

Bổ sung thực phẩm giàu canxi có thể giúp giảm thiểu khả năng bị thiếu hụt.

Cách điều trị và phòng ngừa

Cách an toàn và dễ dàng nhất để kiểm soát và ngăn ngừa sự thiếu hụt canxi là bổ sung canxi từ chế độ ăn uống. Một số thực phẩm giàu canxi bao gồm: Các sản phẩm từ sữa (sữa, pho mát và sữa chua), đậu, đậu hũ, sữa đậu nành, bông cải xanh, rau bina, ngũ cốc, các loại hạt (hạnh nhân, vừng...).

Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày trong chế độ ăn uống là 1.000 mg cho những người từ 19-50 tuổi, trong khi trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi có xu hướng yêu cầu nhiều hơn.

Khi bổ sung canxi bằng thuốc cần có ý kiến của bác sĩ. Vì bổ sung không phù hợp và quá nhiều canxi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sỏi thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại