Hàng loạt nhà khoa học VN cảnh báo về máy ozone

Thái Phong |

Từ rất lâu, nhiều chuyên gia uy tín đã phủ nhận khả năng khử hóa chất của máy ozone. Không chỉ vậy, những loại máy kém chất lượng còn tạo ra các chất gây hại sức khỏe người dùng.

Những ngày qua, thông tin do nhiều nhà khoa học đưa ra (như PGS Phạm Duy Hiển - nguyên Phó GĐ Bệnh viện K, TS Nguyễn Văn Khải...) về máy sục ozone dường như đã gây nên một cơn chấn động cho hàng triệu người tiêu dùng Việt, đặc biệt là các bà nội trợ.

Thực tế là nhiều nhà khoa học Việt Nam đã lên tiếng từ rất lâu, cảnh báo về sự vô ích trong việc tẩy hóa chất của máy sục ozone, cũng như tác hại đến sức khỏe nếu máy không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn bị "tung hỏa mù" bởi những lời quảng cáo kiểu "tiêu diệt đến 99,9% các loại vi khuẩn, chất độc, thuốc trừ sâu", phớt lờ những khuyến cáo quan trọng.

Nhiều nhà khoa học lên tiếng về bản chất của máy sục ozone: Không tẩy được hóa chất

Hàng loạt nhà khoa học VN cảnh báo về máy ozone - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Anh

Năm 2013, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã gây ra một cơn chấn động với phát ngôn thẳng thắn: "Mua máy khử độc ozone làm gì cho tốn tiền!"

Trả lời trên tờ VTC News, ông Nguyễn Hồng Anh cho rằng: "Theo tìm hiểu của chúng tôi, máy Ozone chỉ có tác dụng vệ sinh bề mặt rau củ quả. Tức là chúng có tác dụng làm sạch các vết bẩn có thể nhìn thấy được và một số vi sinh vật trên bề mặt rau củ quả thôi.

Nhưng với những sản phẩm rau củ quả an toàn thì chúng còn phát huy tác dụng, chứ với những sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc có vấn đề thì việc xử lý bằng máy Ozone không có nghĩa lý gì.

Các chất độc hại một khi đã thẩm thấu vào trong rau củ quả rồi thì sử dụng máy Ozone cũng không hiệu quả trong việc làm sạch".

Ông Nguyễn Hồng Anh còn khuyến cáo người dân không nên mua loại máy này bởi giá trị bỏ ra để mua máy không đáp ứng được những gì người dân mong muốn và không đủ căn cứ để thuyết minh cho lợi ích mà nó mang lại.

PGS.TS Nguyễn Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, khuyến cáo của ông Nguyễn Hồng Anh là chính xác. Ozone chỉ có tác dụng trên bề mặt thực phẩm. Khi tác dụng với thực phẩm ozone sẽ bị trung hòa luôn và tạo thành khí oxy bình thường.

"Người dân đang bị lừa"!

Khi sục khí tạo thành các bong bóng không khí bám vào thịt nhỏ (do lúc thái thịt, chặt xương) làm nổi lên và họ tưởng đó là chất bẩn từ thịt tạo ra. Chứ khi sục, những kim loại nặng trong thực phẩm không thể nổi lên được.

Tôi rất buồn khi máy ozone còn nhận được giải thường Vifotec năm 2014 trong khi đó máy khử không khí bằng ozone người ta sản xuất từ năm 1870 dành cho công nghiệp và đến nay các nước châu Âu vẫn dùng. Còn Việt Nam thì sản xuất máy nhỏ dùng cho gia đình, đánh lừa người tiêu dùng.

(TS Nguyễn Văn Khải trả lời trên Infonet)

Việc thẩm thấu vào trong thực phẩm do chênh lệch nồng độ tạo ra sự khuếch tán, nhưng thực chất chất thẩm thấu vào chỉ là oxy đơn thuần. Vì thế, hiệu ứng thẩm thấu không đáng quan tâm đồng nghĩa với việc ozone không có tác dụng gì đối với dư lượng hóa chất đã thấm sâu vào tế bào thực phẩm.

KS Nguyễn Đăng Lương, chuyên gia về khí ozone, nguyên cán bộ Phân viện Vật lý TPHCM, cũng khẳng định: "Trường hợp thịt, cá nuôi bằng thuốc tăng trọng có những hoạt chất hóa học độc hại khi đã ngấm vào tế bào thì dù có thái nhỏ hay băm nhỏ thì máy khử độc ozone cũng không thể khử được, chỉ còn cách không ăn thực phẩm đó.

Hormon tăng trưởng khi đã ngấm vào cơ thể thì nó đã chuyển sang dạng khác chứ không còn giữ nguyên".

Ngoài ra, KS Nguyễn Đăng Lương cũng khẳng định, mặc dù máy sục ozone phát ra O3 để khử trùng nhưng khi thành 3O2 thì hết tác dụng tiệt trùng. Do đó, nó không thể diệt được vi khuẩn hay thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại đã thẩm thấu vào trong rau củ quả.

Ông Dương Minh Trí, cán bộ Viện Vật lý TP.HCM cho biết hiện chưa có tài liệu nào của cơ quan chức năng được công bố chính thức, chứng minh rằng quá trình sục rau củ từ máy ozone trong hộ gia đình sẽ tiêu diệt được dư lượng thuốc trừ sâu, kí sinh trùng, và khả năng tiêu diệt của nó là bao nhiêu phần trăm.

Vì thế, chất lượng của loại máy này vẫn còn bỏ ngỏ ngoài những lời quảng cáo với tác dụng trên trời của nhà sản xuất.

Cảnh báo nhiều tác hại nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài

Ngay cả khi các bà nội trợ còn đang rất "mê muội" máy sục ozone với hy vọng chiếc máy này có thể giúp khử hết mọi chất độc trên thực phẩm thì nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo loại máy này không những không khử được độc tố mà còn... có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Theo PGS Phạm Duy Hiển, nguyên PGĐ bệnh viện K Trung ương, khí ozone trước hết là khí cực độc, có thể làm chết động vật thí nghiệm và ngay cả con người với liều nhất định. Với liều hoặc nồng độ nào đó ozone rất độc hại cho nhu mô phổi và đường hô hấp nói chung.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định ngưỡng an toàn của ozone là 0,076-0,1 ppm cho 1h (quy định năm 1978) và 0,06ppm cho 8h (quy định năm 1994). Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho rằng ngay với nồng độ 0,06ppm, đường hô hấp của một số người đã có vấn đề.

Hàng loạt nhà khoa học VN cảnh báo về máy ozone - Ảnh 3.

PGS Phạm Duy Hiển, nguyên PGĐ bệnh viện K Trung ương

Trong khi đó, nồng độ ozone trong ngưỡng quy định lại không diệt được vi khuẩn trong thực phẩm, vì thế nhiều nhà sản xuất đua nhau đẩy công suất của máy sục lên cao hơn ngưỡng quy đinh, thậm chí lên đến 20, 30, 40ppm... Điều này rất nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

PGS đặt ra câu hỏi cảnh báo các bà nội trợ: "Trong buồng bếp rộng 15-20 m2 các bà nội trợ lắp máy "sục ozone" công xuất cao để diệt "con vi trùng" tốt hơn, nhanh hơn... thì "con người" sẽ ra sao?"

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia còn cảnh báo về nguy cơ sản sinh quá nhiều khí oxit nitơ - một loại chất độc hại cho sức khỏe con người của máy sục ozone.

TS. Nguyễn Văn Khải, chuyên gia về ozone cũng phân tích: Để tạo được khí ozone, người ta cho luồng khí khô chạy qua hai điện cực (điện thế trên 4.000V) để tạo ra tia lửa điện khoảng 20kw (tương đương với một tia sét nhỏ). Sự phóng điện này sẽ sản sinh ra O3, chính là khí ozone.

Tuy nhiên, máy sục ozone dùng cho gia đình sử dụng không khí trong môi trường bình thường. Khi khí này đi qua máy sục ozone không chỉ tạo ra ozone mà còn tạo ra Nitơ (NO2). Lượng NO2 gấp 8 lần ozone cho nên diệt khuẩn chủ yếu là do NO2, hay nói cách khác ozone chỉ diệt được 1/8 lượng vi khuẩn có trong thực phẩm. 

Không những thế, khi NO, NO2 tác dụng với hơi nước còn tạo ra HNO3 là một chất có thể làm hỏng máy và hại người.

Hàng loạt nhà khoa học VN cảnh báo về máy ozone - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Văn Khải

PGS.TS Nguyễn Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo về nguy cơ ung thư vòm họng nếu sử dụng máy sục ozone lâu dài.

Theo ông Nho, để tạo được ozone sạch phải sử dụng oxy sạch. Các máy sản xuất đơn giản sẽ tạo ra nhiều khí độc. Trường hợp lấy không khí từ ngoài vào là hoàn toàn không sạch, bởi không khí chứa đến 70% khí nitơ. Qua phân hủy khí nitơ này sẽ thành oxit nitơ và ozone. Lượng ozone không lớn còn khí oxit nitơ lại cao hơn.

Oxit nitơ cực kỳ độc hại đối với người sử dụng, đặc biệt là khi ăn kèm thực phẩm chứa chất này với mắm tôm hay sản phẩm lên men tạo nên sự phân hủy oxit nitơ. Khí này bám vào vòm họng và được xem là một trong những nguy cơ gây nên ung thư vòm họng.

Hơn nữa, theo KS Nguyễn Đăng Lương, nguyên cán bộ Phòng Điện tử ứng dụng, Phân viện Vật lý Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, thì trong quá trình hoạt động máy còn tạo ra một loại chất lỏng, độc, không màu hoặc màu vàng, là axit nitric.

Axit nitric có thể gây hỏng da và các chất hữu cơ, nếu được tiếp xúc. Đây là tác nhân gây oxy hóa mạnh. Chất này bám vào rau quả có thể gây đau bụng, tiêu chảy nên việc ngâm rau sống trong nước có sục khí cần phải thận trọng.

Ngay cả chuyên gia ozone cũng cảnh báo về máy khử độc ozone

Là người dành nhiều năm nghiên cứu về công dụng của ozone ứng dụng trong đời sống, TS Nguyễn Văn Khải được mệnh danh là "ông già ozone". Tuy nhiên, rất nghịch lý rằng "ông già ozone" lại kịch liệt phản đối sản phẩm máy sục ozone dùng cho gia đình.

Theo TS Khải, ozone không phải thần thánh. Máy sục ozone không có thể tiêu diệt được mọi vi khuẩn cũng như dư lượng chất hóa học trên thực phẩm. Nó chỉ có thể làm nhẹ đi, kết tủa hoặc làm giảm độc tính của một số loại hóa chất, nhưng những hóa chất khác ví dụ như DDT, 666, Monito thì lại không có tác dụng gì.

Trong khi đó, có hàng nghìn loại hóa chất được sử dụng cho thực phẩm ở Việt Nam, người tiêu dùng không thể biết trong thực phẩm có ướp, phun những loại hóa chất gì. Đã không biết mà sử dụng thì rất có thể sẽ khiến cho 1 số loại hóa chất tăng tính độc hại.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại