Theo BS CK1 Cao Thanh Ngọc – Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, Gout là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp.
Bệnh Gout trước đây được xem là bệnh của riêng các quý ông trên 50 tuổi, nhưng hiện nay căn bệnh này càng trở nên thường gặp ở những người trẻ. Thậm chí có người chỉ bước qua tuổi 30 đã mắc Gout.
Cứ 4 người đến khám tại phòng khám Nội cơ xương khớp của BV ĐHYD và được chẩn đoán mắc Gout, thì có từ 1 đến 2 người trong độ tuổi 30 - 40 và tỉ lệ này ngày càng gia tăng.
"Ăn gì bổ nấy" - Quý ông khổ sở vì mắc "bệnh nhà giàu"
Mới đây, BV ĐHYD TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp của bệnh nhân N.H.M 34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp TPHCM. Anh M. cho biết, từ lâu nội tạng lợn là món khoái khẩu của anh mỗi lần tụ tập chè chén với bạn bè.
Với quan niệm "ăn gì bổ nấy", có tuần anh ăn các món chế biến từ nội tạng đến 5, 6 lần. Bản thân anh M cũng đang mắc bệnh béo phì và tăng huyết áp. Cách đây 1 năm, anh bắt đầu có những biểu hiện sưng đau và đỏ nóng khớp ngón chân trái.
(Ảnh minh họa)
Khi đi khám, anh được chẩn đoán mắc Gout. Thế nhưng do tâm lý chủ quan về bệnh, sau khi dùng hết đợt thuốc đầu tiên và các triệu chứng sưng, đau, nóng đỏ khớp giảm đi, người bệnh tự ý ngưng dùng thuốc.
Sau đó, mỗi lần bệnh tái phát, anh cũng chỉ ra tiệm thuốc tây gần nhà để mua thuốc giảm đau uống và ăn uống dư thừa chất đạm, uống nhiều rượu bia và lười vận động trong thời gian dài.
Cách đây 3 ngày, cả bàn chân trái của anh M. sưng to, tấy đỏ khiến người bệnh không đi lại được kèm theo đi tiêu phân đen sệt, ói ra máu và nhập viện BV ĐHYD. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày kèm đợt cấp viêm khớp gout mạn.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng thiếu máu nặng, axit uric máu tăng cao kèm suy thận cấp. Người bệnh được truyền máu cấp cứu và nội soi dạ dày điều trị loét.
Một trường hợp khác là anh C.T.T., 39 tuổi, quê ở An Giang. Người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh Gout từ 6 năm trước. Nhưng với suy nghĩ Gout là "bệnh nhà giàu", còn bản thân gầy như que củi thì không thể mắc bệnh này, anh cho rằng bản thân mình chỉ đau nhức khớp thông thường nên không điều trị thường xuyên, chỉ khi nào sưng đau khớp mới uống thuốc.
Cách đây 2 năm, bệnh nhân nghe lời giới thiệu thuốc trị khớp "bí truyền" cực hiệu quả từ Campuchia nên mua về uống thường xuyên mỗi ngày. Cách đây 1 tuần, anh T. đến khám tại BV ĐHYD TPHCM với các triệu chứng sưng đau khớp và nóng đỏ cổ chân, ngón cái chân (P) và khớp gối 2 bên, không đi lại được.
Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh Gout của anh đã tiến triển giai đoạn nặng do nhiều khớp đã biến dạng kèm theo biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoids như kiểu hình cushing, bầm máu tay chân, suy thận, loãng xương với chỉ số loãng xương T-score là -4/-3.2.
Chuyên gia khuyến cáo nguyên tắc sống chung với Gout an toàn
BS. Cao Thanh Ngọc chia sẻ trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp người bệnh Gout xem nhẹ bệnh, không tuân thu chỉ định điều trị của bác sĩ hoặc tự ý dùng thuốc gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
(Ảnh minh họa)
BS Ngọc khuyến cáo: "Bệnh lý viêm khớp Gout là một bệnh mãn tính, vì vậy người bệnh cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.
Khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, bệnh Gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể, BS Ngọc cho biết thêm.
"Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người bệnh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử…", BS Ngọc nhấn mạnh.
BS Ngọc cũng khuyến cáo người bệnh khi được chẩn đoán mắc Gout nên có thái độ bình tĩnh đối mặt và chấp nhận liệu trình điều trị lâu dài.
Một số người bệnh có tâm lý sử dụng thuốc lâu dài sẽ nóng và gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Đây là quan niệm sai lầm vì hiện nay đã có nhiều thuốc an toàn cho người bệnh, thậm chí đối với những trường hợp người bệnh dị ứng với thuốc hạ axit uric máu cũng đã có thuốc khác không gây dị ứng thay thế.
Người bệnh nên tuân thủ chỉ định điều trị do bác sĩ chuyên khoa đề ra thì việc "sống chung với Gout" sẽ diễn ra an toàn và tốt đẹp.
Bên cạnh đó, người bệnh Gout cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản… Có như vậy, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được đảm bảo và cải thiện.
Nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh viêm khớp Gout, phòng khám Nội Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ tổ chức chương trình "Tư vấn và phát phiếu khám bệnh miễn phí bệnh lý viêm khớp Gout".
Chương trình là cơ hội để người bệnh được tư vấn và khám bệnh với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn của BV.
Thời gian: 8h00 sáng
Địa điểm: Chủ nhật ngày 17/12/2017 Giảng đường A (Lầu 3), Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM số 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP HCM
Đối tượng: Người có quan tâm đến bệnh viêm khớp Gout, người đang mắc bệnh viêm khớp Gout hoặc có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau các khớp ở bàn ngón chân, cổ chân hoặc các khớp khác.
Bệnh Gout nên ăn gì cho tốt? (Nguồn: Youtube)