Các cô gái Hà Nội tại một giải đấu bóng rổ - Ảnh: VBA
Sở Y tế Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2030. Đáng chú ý trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi đạt 169cm và nữ thanh niên 158cm.
Tới năm 2030, con số này lần lượt đạt 170,5cm và 159cm, nhưng nam thanh niên thủ đô hiện cao trung bình 166,4cm. Mục tiêu như trên có chuyên gia cho là khó khả thi, "đi giày vào mới đạt", nhưng cũng có người nói nếu giải pháp đồng bộ thì đạt.
Nam giới chỉ cao thêm 3,3cm trong 20 năm
Sở Y tế Hà Nội cho biết chiều cao của thanh niên 17 tuổi có sự thay đổi trong 5 năm qua. Năm 2016, con số này là 166,4cm (với nam) và 157,2cm (với nữ). Đến năm 2021, chiều cao tăng lần lượt lên 168,8cm và 157,4cm. Như vậy, sau 5 năm chiều cao trung bình của nam thanh niên tăng 2,4cm, nữ tăng 0,2cm.
Như vậy, theo mục tiêu thành phố Hà Nội đặt ra đến năm 2030, chiều cao trung bình nam thanh niên sẽ tăng 1,7cm và nữ là 1,6cm liệu có khả thi?
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gene, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động.
Trong đó, yếu tố di truyền khá quan trọng và không thể thay đổi được. Dinh dưỡng và hoạt động thể lực đóng vai trò quan trọng nhất để quyết định chiều cao và có thể thay đổi được. Còn lại là các yếu tố môi trường sống như: giấc ngủ, không khí, trạng thái cảm xúc…
Bác sĩ Hưng đánh giá trong những năm gần đây, với sự vào cuộc của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, tình trạng dinh dưỡng của người Việt đã thay đổi đáng kể.
"Theo Tổng điều tra toàn quốc về dinh dưỡng năm 2019-2020 thì chiều cao của thanh niên cũng đạt được kết quả khả quan, cần tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa trong thời gian tới", bác sĩ Hưng cho hay.
Để nâng tỉ lệ chiều cao của thanh niên, bác sĩ Hưng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần nâng cao hơn nữa hiểu biết về tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời (từ lúc có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi) và việc bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bộ môn thể thao như bơi, đu xà, cầu lông, bóng rổ, nhảy dây… giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Thường xuyên tập luyện thể thao sẽ giúp xương phát triển, chắc khỏe, phát triển chiều cao tối đa. Ngoài ra, cha mẹ phải giúp trẻ ngủ sớm, ngủ ngon, ngủ sâu và ngủ đủ giấc.
Trong đó, có 2 giai đoạn tăng trưởng chiều cao quan trọng nhất cho trẻ, đó là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ và giai đoạn tiền dậy thì, tuổi dậy thì. Trong đó, thông thường trẻ phát triển chiều cao tốt nhất ở 10-16 tuổi (nữ) và 12-18 tuổi (nam).
Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho rằng mục tiêu thành phố Hà Nội đề ra có thể thực hiện được, tuy nhiên cần các giải pháp đồng bộ.
Bà Lâm chỉ rõ theo khảo sát trong 20 năm qua thì chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam có cải thiện rõ rệt. Nam giới tăng lên 3,3cm trong 20 năm (2000-2020).
Trong khi đó, tại thủ đô Hà Nội hiện nay trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cha mẹ cũng quan tâm hơn về chế độ ăn uống và luyện tập thể thao cho trẻ.
"Chỉ có một số ít trẻ vùng ngoại ô còn có tình trạng suy dinh dưỡng. Còn tại nội thành hầu hết trẻ được chăm sóc tốt. Việc tăng trưởng chiều cao là hoàn toàn có thể trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc chăm sóc dinh dưỡng, thể dục thể thao trong trường học đến gia đình", bà Lâm cho hay.
Chú ý dinh dưỡng từ lúc mang thai
Học sinh TP.HCM trong giờ học thể dục - Ảnh: THU HIẾN
Tại TP.HCM, từ tháng 5-2017, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu cụ thể là cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí: đối với nam 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 167cm, năm 2030 chiều cao trung bình 168,5cm; đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 156cm, năm 2030 chiều cao trung bình 157,5cm.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà - chủ nhiệm khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho biết mục tiêu TP.HCM đưa ra có thể thực hiện được, nhưng phải đảm bảo nhiều yếu tố. Theo đó, các yếu tố quyết định ảnh hưởng đến chiều cao bao gồm: gene, dinh dưỡng và môi trường.
Theo bác sĩ Hà, chiều cao của một người trưởng thành sẽ bằng hai lần chiều cao của một đứa trẻ 2 tuổi. Tuy nhiên, để đứa trẻ 2 tuổi có chiều cao tốt nhất thì trong quá trình mang thai và nuôi dưỡng dinh dưỡng phải được đảm bảo.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, chiều cao của trẻ ở tất cả các châu lục không khác biệt như nhau nếu có chế độ dinh dưỡng đảm bảo. Nếu trẻ không bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai, sinh ra trên 3kg, chiều cao sinh ra trên 50cm là phát triển bình thường, nếu chế độ đảm bảo sẽ phát triển chiều cao.
"Chế độ ăn phải đảm bảo, đủ các chất như lượng canxi, vitamin D… phải đảm bảo cân đối. Ngoài ra các vi chất đủ thì tác động khác như rèn luyện thể lực bằng các môn thể thao: chạy bộ, bóng rổ, bóng chuyền… để kích thích tăng chiều cao. Đặc biệt là phải đảm bảo được giấc ngủ tốt từ 22h đêm cho đến 3h sáng", bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Chiều cao thanh niên Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN
Trước đó, tháng 8-2022, theo báo cáo của Bộ Y tế cho thấy tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam tăng từ 152,3cm năm 2000 lên 155,6cm năm 2020 (tăng 3,3cm); và từ 162,3cm năm 2000 lên 168,1cm năm 2020 đối với nam (tăng 5,8cm).
Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia), thay vì các vị trí "áp chót bảng" như những năm trước đây.